Cây cầu gốm sứ Bát Tràng trong trang trí hòn non bộ

Thứ Ba, Ngày 26 Tháng 03 Năm 2019 7:35:20 PM | 1152

Hòn non bộ không chỉ mang tới vẻ đẹp độc đáo như mang cả một khoảng trời lãng mạn, non nước hữu tình vào không gian sống của chúng ta mà ở đó còn có một thế giới thu nhỏ đầy sức sống và chất thơ. Chúng ta cùng ngắm cây cầu gốm sứ Bát Tràng trong khung cảnh non bộ và ngẫm ngợi những câu ca dao hay về tình yêu…

 

Ngày nay, do đời sống mưu sinh và sự tác động của xu hướng thời thế nên chúng ta ít quan tâm tới thơ ca, càng ít có thời gian dành cho việc đọc sách hay nghiền ngẫm các tích xưa. Vì thế, hòn non bộ cũng ít được trưng dùng.

 

Hòn non bộ từng là thú chơi tao nhã không thể thiếu của các cụ nhà ta xưa, sau thời gian dài ít được trưng dùng nay xu hướng chơi non bộ lại trở lại

 

Bởi các cụ ta xưa chơi non bộ không chỉ là vì để phô trương cái sự giàu sang hay để làm bình phong che đi cái thói tọc mạch của người đời mà chơi non bộ còn để ngâm ngợi, để trút những nỗi niềm, để bày sự hiểu biết và đam mê vào đó. Rồi những đêm trăng thanh hay những sớm hè trong trẻo khi trời vẫn dịu mát, phảng phất hương thơm của hoa trái từ đêm sẽ pha trà và thư thái ngâm vài câu thơ hay, vài câu ca dao nằm lòng…

 

Cây cầu gốm sứ Bát Tràng nói riêng và cây cầu nói chung là điểm nhấn không thể thiếu trong trang trí hòn non bộ

 

Hôm nay, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra những câu ca dao hay xoay quanh đề tài tình yêu về cây cầu được bắc giữa đôi bờ trong cách bài trí hòn non bộ để thấy các cụ nhà ta tâm hồn mơ mộng đến nhường nào và vì sao nhất định phải có cây cầu gốm sứ nối giữa đôi bờ những hòn non bộ theo phong cách Việt Nam ta.

 

Cây cầu giải mối tương tư…

 

Các cụ nhà ta ngày xưa yêu đương rất kín đáo và tế nhị, không được tự do như thời chúng ta ngày nay. Bởi thế, khi muốn bày tỏ nỗi lòng, thường hay phải vòng vo, phải ví von, phải mượn cái này để bóng gió nói cái kia cho nên tự dưng cây cầu vô tri vô giác nằm thườn lưỡn ngoài đường bỗng được thổi hồn, trở nên đáng yêu và bước vào ca dao như cách để giải tỏa nỗi tương tư, những tình cảm sâu đậm chất chứa trong lòng:

 

Hòn non bộ với cây cầu gốm sứ Bát Tràng hay những cây cầu bằng chất liệu khác luôn mang một ý nghĩa văn hóa lớn lao theo cách bài trí non bộ của người dân Việt Nam

 

Thương ai ngơ ngẩn bên cầu/ Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi”. Hay người con gái vì quá nhớ thương người mình thầm yêu trộm nhớ, chẳng thể nói ra cũng chẳng dám chia sẻ với người nào nên khi đi qua cầu, nhìn những nhịp cầu hằng ngày đưa đón bao nhiêu cặp đôi hạnh phúc bên nhau, bống than thở trong lòng: “Qua cầu ngả nón trông cầu/ Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu”.

 

Rồi bỗng có lúc, vì nhớ nhung quá đỗi và cũng vì thương cho nỗi tương tư của người mình yêu, nên người con gái đã dám vượt qua vòng lễ giáo, thốt lên như để trút hết mọi nỗi niềm: "Sông cách sông, thủy cách thủy/ Em xe sợi chỉ, em bắc cây cầu/ Để cho anh sang mà giảm mối sầu tương tư”.

 

Cây cầu gốm sứ Bát Tràng có nhiều kiểu dáng, kích cỡ để trang trí hòn non bộ mini, hòn non bộ có dáng nhỏ, trang trí tiểu cảnh, nội ngoại thất với kích cỡ vừa và nhỏ

 

Đáp lại tấm tình nồng hậu của người yêu, chàng trai thỏa lòng đẹp ý, dạ thì vui lắm đấy nhưng miệng cứ dí dủm đáp lại: “Cây khô chết đứng chẳng xứng duyên đầu/ Mưa giông anh không sợ, mà sợ cây cầu bắc ngang”.

 

Cây cầu giải những niềm đau

 

Không chỉ để bày tỏ nỗi niềm, trút những nỗi tương tư, cây cầu còn để bày tỏ những niềm đau khi đôi lứa phải chia lìa vì nhiều nỗi.

 

Cô gái đi lấy chồng, chẳng may “đứt gánh giữa đường” phải đi thêm chuyến đò nữa nên than thở rằng: “Vì tằm em phải chạy dâu/ Vì chồng em phải qua cầu đắng cay”.

 

Chàng trai “Ra đường thấy cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy cũ người mới ta”. Nhưng vì nỗi còn chưa tỏ rõ lòng nàng, chưa biết ý tứ câu chuyện đời nàng ra sao, nên mới bày tỏ rằng: “Không đi thì nhớ thì thương/ Đi thì lại mắc cái mương, cái cầu/ Không đi thì nhớ thì sầu/ Đi thì lại mắc cái cầu, cái mương”.

 

Để đáp lại ý ngỏ của chàng trai, cô gái mới thẽ thọt trả lời: “Thấy người nam, bắc, tây, đông/ Thấy người thiên hạ mà không thấy chàng”.

 

Rất nhiều các phụ kiện gốm sứ dành cho thiết kế non bộ, thiết kế nội ngoại cảnh như nhà ba gian gốm sứ Bát Tràng, nhà sàn gốm sứ Bát Tràng, tháp Văn Xương Bát Tràng... trong đó có những cây cầu gốm sứ Bát Tràng

 

Cây cầu nối những bờ vui

 

Trong chuyện tình cảm, người con gái xưa khi thầm thương trộm nhớ ai chỉ biết nén trong lòng không giống như chúng ta ngày nay, yêu thương ai dễ bề bày tỏ. Bởi thế, các cụ bà nhà ta mới lại mang nỗi niềm ấy trút vào cây cầu: “Thương thương nhớ nhớ sầu sầu/ Một ngày ba bận ra cầu đứng trông”.

 

Chàng trai ý đã nắm trong lòng bàn tay nhưng cứ thích chủ động trêu trọc người bạn đời tương lai của mình, chàng bèn đẩy gần, đưa xa rồi hóa ra nói thật: “Gần đây mà chẳng sang chơi/ Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu/ Mồng tơi chả bắc được đâu/ Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang”.

 

Bộ ảnh cầu gốm sứ Bát Tràng được thực hiện tại chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng, ở đây ngoài những cây cầu gốm sứ nhiều kiểu dáng thì còn rất nhiều các món đồ khác được bày bán cho việc bài trí hòn non bộ trong đó những ngôi nhà gốm sứ Bát Tràng thực sự đa dạng và đẹp

 

Ý hiểu được nỗi lòng người mình yêu nhưng nàng vẫn nhẹ nhàng vừa như chối khéo cái sự “bắc cầu dải yếm” vội vàng nên mới lại mượn cây cầu để “giữ chân” nhưng lấp lửng nước đôi: “Xin anh hãy cứ yên tâm/ Trước sau rồi cũng đẹp duyên bắc cầu”.

Chàng trai đẹp lòng vừa ý, nên thề thốt thương yêu đầy ẩn ý: “Dầu mà nước ngập bờ sông/ Cầu trôi nhịp giữa tôi cũng không bỏ nàng”.

 

Chúng ta hãy cùng ngâm ngợi câu ca dao xưa để hiểu được tấm lòng và sự lãng mạn, bay bổng đầy chất thơ trong tâm hồn các cụ nhà ta xưa để biết hơn về cái hay, cái đẹp ẩn sau những thú chơi tao nhã. Và giờ đây, khi thú chơi tiểu cảnh, sân vườn, hòn non bộ trở lại như một xu hướng, một thú tiêu khiển do đời sống vật chất ổn định, kinh tế phát triển chúng ta cũng nên biết về trào lưu chơi non bộ từng làm cha ông mình say mê thế nào.

 

Phiêu Lia

Tags: gốm sứ cây cầu gốm sứ Bát Tràng

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác