Trâu gốm sứ men đen Bát Tràng: ý nghĩa phong thủy và những câu lục bát hay

Thứ Sáu, Ngày 26 Tháng 02 Năm 2021 3:42:59 PM | 8611

Được các người thợ làng gốm xếp thứ ba trong danh mục các sản phẩm gốm sứ và đứng thứ hai danh mục các sản phẩm men đen con trâu gốm sứ thuộc hạng mục các sản phẩm trang trí nội- ngoại thất đang là mặt hàng bán chạy tại Bát Tràng, cùng điểm qua ý nghĩa phong thủy và những câu thơ lục bát hay về loài vật đáng yêu đứng đầu trong danh mục cơ nghiệp của cha ông ta xưa…

 

Nói về con trâu, không một người dân Việt Nam nào lại không thuộc câu thơ nằm lòng đã có tự bao giờ:

 

Con trâu là đầu cơ nghiệp!

 

 

Ngày xưa, với nhiều thế hệ người nông dân Việt Nam, con trâu là một trong ba đầu việc lớn nhất và khó khăn nhất không phải ai cũng thực hiện được, nó gắn với “cơ nghiệp” của cả một đời người:

 

“Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà

Trong ba việc ấy thật là khó thay”.

 

>>>> Trâu sứ vẽ vàng và linh vật năm Tân Sửu

 

Ngày nay, khi hình ảnh “Con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã đi vào sách vở, vào những trang thơ và còn lại mãi với thời gian qua các câu hò vè, dân ca, ca dao, tục ngữ  bởi những cánh đồng bát ngát cánh cò bay đã bị thay vào bằng những tòa nhà cao vời vợi, những khu công nghiệp rộng lớn thì hình ảnh con trâu lại bước vào thời kỳ mới, thời kỳ làm kinh tế theo kiểu hiện đại và nó góp phần tạo ra các giá trị khác cho “cơ nghiệp” của người sử dụng: trâu trong thuật phong thủy, trâu trong bài trí nội- ngoại thất, trâu trong các bức họa đồ dùng gia dụng…  Với những người dân Bát Tràng, con trâu gốm sứ trở thành một con vật giúp họ hái ra tiền nhờ mốt chơi ngoại cảnh: bài trí sân vườn- tiểu cảnh trong nhà hay đại cảnh ngoài khu vui chơi công cộng…

>>>> Hiểu hơn về Gốm Bát Tràng  bằng những hình ảnh đặc biệt.

 

 

Trâu là mặt hàng bán chạy hiện nay tại Bát Tràng

 

Trâu gốm sứ và thuật chơi phong thủy tiểu cảnh

 

Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất nâng cao, đa phần dân chúng không còn lo ki cóp làm, cất giữ và phòng đói như khi xưa mà hướng tới hưởng thụ và thưởng thức đời sống. Do đó, ngày xưa, chỉ ai giàu có mới dám chơi cây cảnh, bài trí hòn non bộ hay làm một vườn cây xinh xinh ngoài hiên nhà. Giờ đây, khi đời sống nâng cao, các giá trị về tinh thần được coi trọng thì tới một em học sinh, một cô bé sinh viên, một chàng trai mới đi làm hay các cô chú cán bộ nhà nước… cũng có thú bài trí tiểu cảnh, thậm chí mua để đặt lên bàn hoặc đeo vào cổ tay những vật có giá trị phong thủy nhằm kích hoạt may mắn, tập trung học tập- làm việc, cầu tài, cầu lộc, khắc chế các hung tinh…

 

 

Trâu gốm sứ men đen không chỉ dùng trong trang trí sân vườn mà còn có ý nghĩa phong thủy trong việc cầu tài lộc và hóa giải- trấn những tai ương do hung tinh mang lại

 

Chính vì thế, con trâu cũng xuất hiện với rất nhiều hình dáng, chất liệu và màu sắc khác nhau trong đời sống chúng ta bởi theo quan niệm xưa con trâu vốn là biểu tượng của sự chăm chỉ, tập trung và có sức lao động- sáng tạo bền bỉ: “cày như trâu”, “làm như trâu”, “sức trâu chứ không phải sức người”…  Trong thuyết phong thủy con trâu cũng là biểu tượng cho sự chắc chắn- may mắn và an lành- bền vững. Trên một số trang chuyên về phong thủy, có nhiều bài viết cho thấy: trong một ý nghĩa khác con trâu còn được coi là con vật có nhiều đức tính quý báu: hiền lành, bền bỉ, mạnh mẽ và nó được chọn là biểu tượng cho sự an lành- no đủ.

 

Trong sơ đồ Bát Quái, Trâu là quẻ Khôn chủ về đất đai (Thổ) tức là sự thịnh vượng và bền vững nên nó được các ông chủ- bà chủ chuyên về công việc kinh doanh bất động sản hoặc làm các lĩnh vực kinh doanh- đầu tư dài hạn yêu chuộng, sưu tầm và trưng dùng: đặt trên bàn làm việc hoặc bài trí nội thất- ngoại thất: trang trí trong phòng khách, phòng làm việc hoặc bài trí ngoài sân vườn, tiểu cảnh…

 

 

Với đủ các kích cỡ, tạo hình và giá cả, từ 10k, 20k, 30k, 50k, 60k.... tới 100k hoặc hơn một triệu trâu gốm sứ trở thành món quà lưu niệm thú vị và vật bài trí đáng yêu trong không gian nhà bạn

 

Đặc biệt, trâu còn có tác dụng chế hóa, trấn yểm các hung tinh và biến hung thành cát nên trâu càng được ưa dùng hơn trong phong thủy và ứng dụng vào đời sống.

 

Theo xu hướng chung của thời đại hiện nay, hầu hết những ai bỏ tiền ra để thiết kế tiểu cảnh- bài trí nội- ngoại thất, chơi sân vườn, non bộ… đều đặt mối quan tâm lớn tới việc bài trí theo phong thủy để kích hoạt những may mắn và khơi nguồn tài lộc, ngăn chặn tai ương. Vì vậy, trâu với tính chất và ý nghĩa phong thủy như trên nó được chọn là con vật khó thể thiếu trong không gian bài trí vừa thơ mộng vừa mang những giá trị tinh thần và tâm linh quý giá.

>>>> Ít biết về Gốm Bát Tràng  bằng những hình ảnh thực tế.

 

Nên và không nên trong việc chọn- bài trí trâu theo phong thủy

 

Người ta rất kị chơi trâu được làm bằng chất liệu gỗ vì gỗ là Mộc mà Mộc khắc Thổ vì thế trâu bằng gỗ sẽ không phát huy được linh khí. Người ta thường dùng trâu làm bằng bột đá mạ vàng hay làm bằng vàng nguyên chất để kích hoạt linh khí và phát huy hết tác dụng y nghĩa phong thủy của trâu. Trâu làm bằng gốm sứ (thuộc về Thổ) được ưa dùng đặc biệt.

 

 

Em bé cưỡi trâu đọc sách là một trong những tích được nhiều người yêu thích và sưu tầm

 

Trong bài trí ngoại thất: sân vườn- tiểu cảnh trâu gốm sứ được đặc biệt ưu chuộng vì giá cả hợp lý, với chất liệu là đất sét trắng có giá nhất tại làng gốm được sơn màu men đen đặc biệt của làng nghề và nung ở nhiệt độ cao tới hơn 1.200 độ nên trâu gốm sứ- sành sứ có sức bền đặc biệt với thời gian và không bao giờ bị phai màu với sương gió hay sự thất thường của nhiệt độ thời tiết khắc nghiệt.

 

Bài trí Trâu nói chung và trâu gốm sứ nói riêng trong nội ngoại thất theo các chuyên gia phong thủy thì nên đặt trâu ở bàn làm việc nhưng không đặt ở bàn học; nên bài trí nội- ngoại thất như đặt trên kệ hoặc tủ trưng bày ở phòng khách, phòng làm việc hay trong không gian sân vườn- tiểu cảnh nhưng kị đặt ở ban thờ, nhà vệ sinh. Nên đặt ở hướng Bắc hoặc Đông Bắc của các khu trưng bày kể trên mà không nên bày ở hướng Nam hoặc Tây Nam của khu bài trí.

 

 

Những bức tượng trâu gốm sứ không chỉ có ý nghĩa về phong thủy mà còn gợi rất nhiều thi hứng khi trưng bày

 

Tại Bát Tràng trâu gốm sứ có rất nhiều kiểu dáng và được kết hợp từ những tích dân gian với nhiều mức giá khác nhau: từ cậu bé đọc sách cưỡi trâu tới mục đồng thổi sáo hay đưa em tới trường… tùy kích cỡ mà có giá cả từ 10 ngàn một con tới 30 ngàn, 50 ngàn, 350 ngàn tới mấy triệu…

 

“Trâu ơi ta bảo trâu này”: Hình tượng trâu trong những câu lục bát hay…

 

Là con vật vừa hiền lành, vừa gần gũi lại song hành cùng nhân dân ta trong mọi bước cơ hàn tới khi giàu có nên con trâu bỗng trở thành người bạn, người tri âm và niềm thi hứng bất tận trong các sáng tác dân gian mang tính truyền khẩu mạnh. Vì thế, ngay cả khi con trâu đã thưa bóng trong thực tế nhưng nó vẫn gợi lên những cảm hứng diệu kỳ khi chúng ta nhìn thấy qua những bức tượng gốm sứ hay trong các tủ hàng trưng bày hay trong các bức tranh:

 

 

Trâu trở thành thi hứng bất tận trong các sáng tác dân gian truyền khẩu

 

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây, trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

 

Với đoạn thơ trên, có lẽ, không chỉ các bà, các cụ, các ông mới thuộc mà cả thanh niên nam nữ cũng thuộc làu. Với một hình ảnh gần gụi khác, con trâu đứng ngang hàng với con người và trở thành một thành viên không thể thiếu:

 

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

 

Hay trong những cảnh huống khó con trâu cũng trở thành một trong những vấn đề “bị” mang ra để ví von:

 

Thứ nhất vợ dại trong nhà

Thứ hai trâu chậm thứ ba rựa cùn”.

 

Nhưng cũng với câu chuyện ấy, nhìn bằng “lăng kính” khác “trâu chậm” lại mang tới một ý nghĩa hoàn toàn mới:

 

Vợ dại thì đẻ con khôn

Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm

 

 

Trâu được coi là mặt hàng men đen thứ hai, hàng gốm sứ thứ ba và là mặt hàng được ưa chuộng trong việc bài trí nội- ngoại cảnh, sân vườn, tiểu cảnh

 

Có lúc, trâu trở thành người bạn tri âm chia sẻ vui buồn, nhắc nhớ những gian nan:

 

Lao xao gà gày rạng ngày

Vai vác cái cày, tay dắt con trâu

Bước chân xuống cánh đồng sâu,

Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng

 

Hay:

 

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ăn cho béo trâu cày cho sâu

Ở đời khôn khéo chi đâu,

Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần”.

 

Có khi, trâu trở thành “phương tiện” để ví von, chuyển tải những ý tứ sâu sa:

 

Trâu buộc thì ghét trâu ăn,

Quan võ thì ghét quan văn dài quần”.

 

Với những ân tình- ý tứ và tế nhị, con trâu trở thành “cây cầu” bắc ý những vần thơ và có những câu ca, câu thơ chẳng ai dậy cũng rất nhiều người thuộc:

 

Trâu ta ăn cỏ đồng ta

Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm

 

Trâu kia kén cỏ bờ ao

Anh kia không vợ đời nào có con

 

Trâu ta ăn cỏ đồng ta

Tham thanh chuộng lạ dắt qua đồng người

Đồng người cỏ tốt nhưng hôi,

Đồng ta cỏ xấu nhưng bùi trâu ăn”.

 

>>>> Hiểu hơn về Gốm Bát Tràng  bằng những hình ảnh đặc biệt.

 

·       Thục Nhi


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

1 bình luận

24/05/2018 4:25:00 PM

Đặng Thị Phương Thảo

Dạ em rất thích tượng Gốm sứ Bát Tràng ạ, em muốn mua nhưng em ở Thành phố Hồ Chí Minh, không biết Battrang.com có thể giới thiệu cho em một số thông tin liên hệ để em mua không ạ? Trân trọng.

 

Trả lời : 

Trong thị trường Tp HCM tôi biết có nhiều đơn vị tại Bát Tràng cung cấp cho các cửa hàng trong đó nhiều mặt hàng khác nhau, nhưng tôi không biết cụ thể Tượng gốm sứ Bát Tràng hiện bán tại cửa hàng nào hoặc đơn vị nào đang phân phối trong đó. 

Bạn có thể tham khảo một số trang bán hàng trực tuyến, cung cấp cũng rất uy tín.

1- Gốm Sứ Bát Tràng Chính hãng 

 

2- Bát Tràng Online

 

3- Bát Tràng Ceramica

...

Cảm ơn bạn đã liên hệ với chúng tôi. 


Các bài viết khác