Gốm sứ Bát Tràng và cây tre VN

Thứ Sáu, Ngày 29 Tháng 05 Năm 2020 3:59:38 PM | 902

Cây tre có ở khắp mọi nơi trên đất nước VN. Tre dùng để vót đũa ăn cơm, tre dùng đan quạt, làm giá vo gạo… Tre là bóng mát những ngày hè oi bức từ thuở còn chưa có điện về làng. Tre còn là thành lũy che chở cho dân làng, cho những ngôi nhà tranh vách đất trước bão táp, gió giông từ thuở chưa có gạch để xây nhà kiên cố. Bởi vậy tre đã đi vào thơ ca và trở thành những họa tiết không phai nhòa trong gốm sứ Bát Tràng.

 

Cùng với cây trúc, có hình dáng tựa cây tre với ý nghĩa đại diện cho chí khí, cốt cách của bậc quân tử như: Tùng- Trúc- Cúc- Mai được khắc họa trên gốm sứ Bát Tràng thì cây tre lại có ý nghĩa thân gần, nên thơ và che chở cho những người dân nơi thôn dã.

 

Dưới vòm tre quanh năm xanh tốt, những đứa trẻ chúng tôi đã có ngày tháng tuyệt diệu thế này

 

Từ trong những trang sách của văn học thời phổ thông, các em học sinh đã được học thuộc lòng bài thơ về “Cây tre” của nhà thơ Nguyễn Duy:

 

Tre xanh

xanh tự bao giờ

chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh?

 

Bao thế hệ trẻ thơ, lớn lên, đã đi dưới vòm tre xanh dịu mát, tận hưởng bầu không khí trong lành và đón nhận những món quà quý giá từ cây tre mà phải lớn lên rồi mới thấm trọn ý nghĩa

 

Không ai biết cây tre đã có tự bao giờ, chỉ biết rằng, từ thời cụ kị sinh ra đã thấy bờ tre xanh. Cây tre đã đi vào đời sống của nhân dân như một cách thân gần, ấm áp, như một người bạn không thể thiếu.

 

Tre- Trúc đã trở thành cảm hứng cho biết bao thi nhân và các nghệ nhân Bát Tràng cũng không là ngoại lệ

 

Trong ca dao, cây tre đã xuất hiện bên dòng sông Tô Lịch và phác họa bức tranh thủy mạc nên thơ, đẹp đẽ của một góc Hà thành từ thuở xa xưa nào:

 

Làng tôi có một lũy tre xanh

Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng.

Bên bờ vải nhãn hai hàng

Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.

 

Tre đi vào ca dao để vẽ lại bức tranh một thời xa rất xa, tre đi vào gốm sứ để trở thành những họa tiết không bao giờ phai nhạt trước mọi tác động của đời sống

 

Với những người dân quê nghèo khó, cây tre không chỉ dùng làm vật dụng trong nhà như: cái rổ đựng rau, cái rá vo gạo, cái thúng đựng lúa… mà cây tre còn dùng để làm nhà ở: che mưa, che nắng, chẳng tốn một đồng một cắc của dân:

 

Có thì nhà ngói lợp mè

Nghèo thì kèo nứa, cột tre cũng đành.

 

Những con đường rợp bóng dưới vòm tre xanh thật tuyệt

 

Tre đi vào đời sống, trở thành lời dạy răn, nuôi trí anh hùng:

Cố đè thì tre chỉ cong

Càng níu xuống thấp, càng vùng lên cao.

 

Hay:

Ba năm quân tử trồng tre

Mười năm uốn gậy, đánh què tiểu nhân.

 

Cầm những sản phẩm gốm sứ bền bỉ trước thời gian, ăn một bát cơm và nuôi trí khí anh hùng như ca dao về tre đã dạy

 

Tre trở thành người bạn tâm giao, là “chân gỗ” cho những tấm lòng tri kỷ, là cơn cớ giúp những yêu thương thầm kín được bộc bạch thành lời:

 

Bước chân vào ngõ tre làng

Lòng buồn nặng trĩu nghe nàng ru con

Bước lên thềm đá rêu mòn

Lòng buồn nặng trĩu nghe buồn võng đưa.

 

Những vòm tre như cảm nhận được hết mọi tâm tư, tình cảm của đời người nơi thôn giã

 

Đôi khi, tre lại là cơn cớ để cho chàng trai che đậy nỗi lòng hay làm lý do cho khỏi phải trả lời những câu hỏi khó:

 

Tre non uốn chẳng được cần

Nơi xa xấu tuổi, nơi gần bà con.

 

Tre trở thành lý do bâng quơ cho người phụ nữ khéo léo bày tỏ nỗi niềm:

 

Trồng tre để ngọn cheo leo

Có thương đứng dưới, đừng leo tre oằn.

 

Vẫn là cái tình “thương hoa, tiếc nguyệt”, chàng trai mượn tre buông tiếng thở dài:

 

Lọng vàng che nải chuối xanh

Tiếc con chim phượng đậu cành tre khô.

 

Những họa tiết tre trên gốm sứ Bát Tràng sẽ giúp bạn vừa sử dụng sản phẩm, vừa chiêm nghiệm những câu dao hay về tre

 

Ở hoàn cảnh khác, tre lại được mang ra dạo lời cho sự đổ lỗi dễ thương:

 

Cây tre long cụt long dài

Anh lấy em vì bởi ông mai lắm lời.

 

Nhưng rồi, sau lời mở đầu dí dỏm ấy, cây tre lại là người bạn đồng hành cho đôi vợ chồng trẻ trong mọi hoạt động của gia đình:

 

Tre già anh để pha nan

Lớn đan nong né, bé đan giần sàng

Gốc thì anh để kê giường

Ngọn nghành anh để cắm giàn trầu, dưa…

 

Những người thợ và nghệ nhân Bát Tràng đã gián tiếp đưa cây tre đến gần với đời sống ngày càng trở nên công nghiệp hóa

 

Tre còn trở thành người bạn đồng hành để cho trai tài- gái sắc ví von, tìm lời để đến với nhau:

  • Chẻ tre lựa lóng đan sàng
    Chờ ba năm nữa cho nàng lớn khôn

Cô gái nhanh nhảu đáp lời:

  • Chẻ tre lựa cật đan nia
    Có chồng con một, khỏi chia gia tài

 

  • Gió đập cành tre, gió đánh cành tre
    Chiếc thuyền anh vẫn le te đợi nàng
    Gió đập cành bàng, gió đánh cành bàng
    Dừng chèo anh hát, cô nàng hãy nghe

 

  • Công anh đi sớm về trưa
    Mòn đường chết cỏ vẫn chưa gặp tình
    Khuyên anh đừng ở một mình
    Cây tre có bụi huống chi mình lẻ loi.

 

  • Khăn điều cột ngọn cây tre
    Trăm gươm kề cổ quyết ve cô nàng

 

  • Yêu nhau nấu cháo củ tre
    Nấu canh vỏ nhãn, nấu chè nhân ngôn

Dưới vòm tre, những cảm xúc đẹp đẽ lớn dần lên, tre là chứng nhân cho nhiều chuyện tình thanh mai- trúc mã từ thời để chỏm

 

Qua những câu ca dao, tục ngữ, chúng ta nhận ra sự thân gần, gắn bó của lũy tre xanh với đời sống nhân dân. Từng vần điệu vang lên ta như thấy hiện ra khung cảnh làng mạc, đời sống và tình cảm của những thế hệ đi trước từ thuở xa xưa. Bởi vậy, tre đã đi vào các tác phẩm gốm sứ Bát Tràng và trở nên bất hủ bởi những họa tiết đó, qua lửa, qua những kinh nghiệm tích lũy cả ngàn đời vẫn mãi tươi màu với thời gian mà không gì làm cho phai mờ đi được.

 

 

Bạc Khao Lan

Tags: cây tre họa tiết tre trên gốm sứ gốm sứ Bát Tràng

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác