"Cỏ nhớ thương” và lịch sử ra đời chiếc Bát điếu Bát Tràng

Thứ Hai, Ngày 18 Tháng 02 Năm 2019 9:43:45 PM | 3059

Ít ai biết từ xa xưa trong sách cổ các danh nhân đã gọi thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương) và loại cỏ đặc biệt này cùng với bát điếu, ống điếu đã được tiến vua và được các nhà quyền quý sưu tầm, sử dụng trong khi dân giã thì dùng điếu cày

 

Bất kể ai từng được nghe nhắc đến thuốc lào cũng đều được nghe câu thơ dân gian thường nghêu ngao: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

 

Nhưng không phải ai cũng biết, từ thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng gọi cây thuốc lào là “tương tư thảo” tức là “cỏ nhớ thương” vì rằng ai đã nghiện thuốc lào mà một ngày không có lấy… 1 “hơi” thì bứt rứt khó chịu, váng vất như thiêu thiếu cái gì, như thể nhớ người thương.

 

Bộ bát điếu men rạn giả cổ bên cạnh khay trà. Từ xa xưa, những bộ bát điếu và khay trà thế này đã luôn được đặt trang trọng tại phòng khách trong các gia đình quyền quý

 

Có nhiều học giả cho rằng: Thuốc lào- điếu cày- ống điếu- bát điếu phải được cho là một tập quán văn hóa của người Việt Nam và phải đặt ngang hàng cùng với tục ăn trầu như “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Điều này có thể xem là đúng đắn. Bởi vì cho tới nay, miếng trầu đã lui vào các đám cưới hỏi như một nghi thức hơn là một tập tục; còn thuốc lào và điếu cày đã trở lại nhiều năm nay và được giới trẻ thích thú. Tuy rằng việc hút thuốc lào cũng không nên cổ vũ nhưng nó có thể được xem là cách để tiêu khiển hoặc giải trí mang tính cảm hứng.

 

Và để sử dụng loại lá thuốc này người ta đã nghĩ ra rất nhiều cách mà trong đó bát điếu là một trong ba cách chính để hút thuốc lào (cùng với điếu cày- theo kiểu dân giã và ống điếu- theo kiểu quý tộc). Ngoài ra, người ta còn dùng lá chuối cuộn lại hoặc lấy giấy cuộn rồi ngậm một ngụm nước để hút những khi lên cơn thèm.

 

Một dạng "điếu cày" nhưng được làm theo phong cách ngà voi men rạn, bọc đồng sang trọng được bán tại Bát Tràng

 

Điếu cày và thú chơi dân giã

 

Theo cách dân giã, người ta chế điếu cày để hút thuốc lào. Điếu cày được làm một cách đơn giản với ống cây tre, cây nứa (mà thường là tre), một loại cây gắn bó mật thiết với những người dân vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, mọc thành từng bụi lớn gồm rất nhiều cây quanh làng bằng cách đục lỗ xuyên qua các mắt của ống tre, ống nứa rồi làm “nõ” để nhét thuốc lào vào và châm lửa hút; khi hút điếu cày có tiếng kêu xòng xọc, ròn giã.

 

Trên mạng, “tín đồ” của kiểu hút thuốc lào bằng điếu cày hiện nay nhiều vô số kể, chỉ tính thơ “chế” đã ngót nghét cả 100 bài chưa kể những bài “ứng khẩu thành thơ” khi hút, ví như: “Điếu cày vang bóng một đời trai/ Sòng sọc kêu rền, khói vắt vai/ Mộc- Kim- Thủy- Thổ mồi thêm Hỏa/ Giễu cợt, hớp hồn bao mắt nai”.

 

Một dạng điếu cày được làm từ tre trúc nhưng chiếc điếu cày trên đã trở thành một tác phẩm- một chiếc điếu cày cách điệu cho thú chơi điếu cày độc đáo của dân "sành" món đồ vật này

 

Hay có bài thơ ngắn nhưng miêu tả chính xác các “công đoạn” của việc hút thuốc lào: “Ai khéo làm ra cái điếu cày/ Khiến cho người hút phải mê say/ Vo tròn nhúm thuốc cho vào nõ/ Đốt đóm cháy rồi miệng rít ngay/ Má hóp, ngực nhô, kêu róc róc/ Há mồm, trợn mắt khói bay bay/ Lắc lư chao đảo trời quay tít/ Sấp ngửa, ngả nghiêng bởi cái này (điếu cày)”.

 

Với cách hút thuốc lào bằng điếu cày thì âm thanh của điếu và trạng thái bị say thuốc là nổi bật nhất. Âm thanh khi “rít” thuốc càng giòn giã thì càng tăng phần thú vị nhưng âm thanh này không phải điếu nào cũng có được mà phụ thuộc vào cách làm, cấu tạo cùng lượng nước đổ vào ống điếu. Còn cảm giác bị say thuốc lào với những ai hút điếu cày là rất mạnh vì thành phần của thuốc lào giống thuốc lá nhưng khi hút thuốc lào người ta hút một hơi với một liều lượng lớn.

 

Bác nông dân bên chiếc điếu cày- một tác phẩm gốm sứ Bát Tràng

 

Ống điếu- Bát điếu thú sưu tầm của giới thượng lưu xưa

 

Còn những người quyền quý thì hút thuốc lào xa xỉ hơn. Họ dùng Điếu ống (còn gọi là điếu dóng). Điếu ống giống điếu cày nhưng được làm bằng xương ống động vật quý hiếm hoặc ngà voi và được bọc bạc, nạm xà cừ hoặc chạm khắc vô cùng tinh xảo và đẹp mắt.

 

Điếu ống tuy ngắn hơn điếu cày nhưng lại không “rít” thuốc lào trực tiếp vào điếu mà phải có một “xe” điếu: đó là một cần trúc dài, đầu bịt bạc để ngậm và cắm vào ống điếu, khi hút có “tiểu đồng” châm lửa, đi đâu thì mang theo và có thằng xách điếu thằng châm điếu. Vậy nên dân gian mới có câu hát rằng: “Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng cu châm điếu lăn quay ra nhà/ Có cô hàng xóm đi qua/ Hít phải hơi thuốc say ba bốn ngày”.

 

Chiếc ống điếu ngày xưa đã được các cụ thiết kế tinh xảo rồi

 

Hay còn có những câu thơ cho “dân tình” khi ngất ngư say thuốc lào ngâm ngợi: “Một thằng hút bốn thằng say/ Hai thằng châm điếu ngã lăn quay/ Bà già vác củi loay hoay/ Rít phải hơi thuốc lăn ngay xuống đồi/ Ngọc Hoàng thấy vậy, phán “Hay!”/ Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào”.

 

Còn nhà thơ Tú Xương đã có thơ rằng: “Thầy thầy tớ tớ phố xênh xang/ Thoạt nhác trông ra ngỡ cóc vàng…/ Phong lưu như thế phong lưu mãi/Ống điếu xe dài độ mấy gang”.

 

 

Với Bát điếu, từ xa xưa, qua tài thơ nôm và lối ví von sắc sảo nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã có bài miêu tả “thuật” dùng cỏ tương tư- cỏ nhớ thương với dụng cụ độc đáo là chiếc Bát điếu như sau: “Bình tròn phành phạch, đít bảnh bao/ Mân mân, mó mó đút ngay vào/ Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục/ Âm dương hòa khí sướng làm sao!”.

 

Người đẹp bên bát điếu- Một hình ảnh chỉ còn ở bảo tàng chụp lại cảnh một người đẹp ở đầu thế kỷ 20 bên cạnh bát điếu cày có con ở ngồi châm điếu. Bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương không rõ ra đời chính xác vào năm nào nhưng bà cũng là người được sinh vào khoảng thời gian cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19

 

Theo wiki miêu tả thì: “Bát điếu gồm có bát điếu- làm bằng gốm sứ dùng để đựng nước. Nõ điếu lắp ở phía trên và đục một lỗ ở gần đó để cắm xe điếu vào khi hút. Xe điếu phổ biến là bằng cần trúc nhỏ, đục rỗng ruột. Bát điếu thường được làm những hoa văn hay hình vẽ mang tính mỹ thuật. Xe điếu cầu kỳ thì cũng có thể chạm, khắc. Bát điếu được đặt trong một vật có hình như cái chậu nhỏ, có khi chỉ là một cái bát sắt to nhưng cũng có khi được làm bằng sơn mài rất đẹp, có tác dụng chứa xái (tro của thuốc lào khi hút xong) và nước từ bát điếu có thể tràn ra ngoài để giữ vệ sinh.

 

Còn nhiều tranh luận về sự xuất hiện của thuốc lào ở nước ta. Có tài liệu khảo cổ cho rằng nó xuất hiện vào thế kỷ 15 và tới đầu thế kỉ 19- tức là vào thời nhà Nguyễn thì Bát Tràng khi đó sầm uất, là trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng của đất nước đã cho ra đời những bộ sưu tập gốm sứ phong phú trong đó có Bát điếu với hình cầu hai bầu, điếu bát hình voi, điếu hình ống…

 

Như vậy, qua các tài liệu và mốc thời gian sáng tác các bài thơ, bài văn, hình ảnh từ người xưa để lại có thể khẳng định: Những chiếc bát điếu Bát Tràng đã được ra đời vào cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 và trở thành những tác phẩm gốm sứ nổi danh, còn cụ thể chiếc bát điếu đầu tiên ra đời chính xác vào năm nào và do ai sáng chế thì tới nay vẫn chưa xác định được.

 

>>>> Nhiều sản phẩm Gốm sứ Bát Tràng  không phải ai cũng biết.

 

Thục Nhi (sưu tầm, tổng hợp và thực hiện)


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác