Thôn nữ tắm trần: Nét đẹp riêng trong tranh sứ Bát Tràng

Thứ Tư, Ngày 23 Tháng 01 Năm 2019 5:11:47 AM | 1651

Lấy cảm hứng từ những chất liệu trong tranh, ảnh và câu chuyện xưa của người dân đồng bằng bắc bộ, trong đó có cô thôn nữ với nét đẹp đằm thắm sau lam lũ đời thường, các nghệ nhân Bát Tràng đã cho ra đời những bức họa đặc biệt trên gốm sứ về đề tài thôn nữ tắm trần…

 

Cũng là đề tài về sinh hoạt đời thường của những người dân vùng đồng bằng bắc bộ nhưng thay vào những cảnh cày bừa, cấy hái, chạy chợ tưới rau hay kéo vó, chèo thuyền… những người thợ Bát Tràng đã khai thác nét đẹp của người phụ nữ trong sinh hoạt thường nhật mà trong đó chuyện gội đầu, tắm táp đã được chạm tới một cách tinh tế và đẹp đẽ.

 

Với sắc màu nhã nhặn, nét vẽ mềm mại mang tính phác họa phong cảnh làng quê Việt Nam xưa hiện ra với nét đặc trưng: chum nước, gáo dừa, chiếc chậu thau cũ và giàn bầu, giàn mướp trĩu quả, cô thôn nữ mình trần thả mái tóc dài e ấp che cơ thể và tắm vội tắm vàng

 

Qua nét vẽ mềm mại, mang tính phác họa vẻ đẹp của người phụ nữ đồng quê sau ngày làm đồng vất vả, châm lấm tay bùn, tất tả bếp núc được hiện ra dịu dàng, e ấp trong làn nước làm sạch cơ thể để tận hưởng những giây phút thư giãn, nghỉ ngơi.

 

Ở giai đoạn khác của cuộc đời người phụ nữ thôn quê xưa, mái tóc dài khó gội đã có đức lang quân bồng con múc nước gội cho- một cảnh đẹp nên thơ và lãng mạn của thời chum nước- bụi tre

 

Mỗi bức họa gốm sứ như một câu chuyện được thủ thỉ sau lớp sứ mịn màng về một giai đoạn đã đi qua mà khó có thể trở lại trong thời hiện đại: đó là cảnh mà những người dân của làng quê Việt Nam nói chung hay những người phụ nữ nói riêng vì khó khăn, vì điều kiện kinh tế và đời sống eo hẹp đã phải sử dụng nguồn nước từ rửa rau, vo gạo, tắm gội, giặt giũ hay múc nước nấu cơm chỉ từ một cái ao; hay tận dụng nước mưa đựng trong những chiếc cong nhỏ để dùng, có khi cả làng cùng chung một cái giếng và gánh về đựng vào chum, vào vại dùng dần…

 

Chiếc cầu ao xưa đã gắn với biết bao kỉ niệm của tuổi thơ nơi làng quê yên bình, thơ mộng và chứng kiến bao lần các cô thôn nữ đằm mình gội đầu, tắm táp làm duyên

 

Không giống như ngày nay, các cô thiếu nữ kín đáo có phòng tắm riêng, những người phụ nữ khá giả đi gội đầu ở tiệm những cô thôn nữ xưa phải ngó trước nhòm sau xem có ai qua lại hay không rồi dầm mình xuống làn nước ao hoặc vội vàng múc nước trong cong ra dội, e ấp ngại ngùng, che che đậy đậy để thay đồ bên bờ ao hay sau bụi cây trong vườn; khi rảnh rỗi thì nấu một nồi nước lá, nướng mấy quả bồ kết, mang ra chum nước pha loảng ra cho đủ lượng cần dùng và bắt đầu xả nước gội, ai tóc dài còn phải kê ghế hoặc nhờ người khác dội nước giùm…

 

Chiếc yếm lụa đào, chiếc quần nái đen đã đi vào ca dao tục ngữ và giờ đây hiện ra trong tranh gốm sứ Bát Tràng với hình ảnh thôn nữ tắm trần để chúng ta thêm một lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp dung dị đời thường đáng yêu của các bà, các mẹ, các chị từ thuở xa xưa

 

Ngày nay, những nét đẹp đó không còn nữa, nhưng qua những bức ảnh tư liệu đã nhạt màu những bức họa bằng gốm sứ Bát Tràng đã giữ gìn thay cho chúng ta những khoảnh khắc đẹp đẽ mà các bà, các chị, các mẹ khi xưa của làng quê đồng bằng bắc bộ đã có, đã đi qua.

 

Với chất gốm sứ đã được nung ở nhiệt độ cao mỗi bức họa thôn nữ tắm trần như còn mới nguyên màu mực vẽ, màu sơn, màu men mà không bao giờ lo bị phai nhạt, bị mất nét, mất màu qua tác động từ môi trường, thời tiết hay do sự lưu giữ, bảo quản của chúng ta.

 

Đông Tửu

Tags: tranh sứ thôn nữ tắm trần phác họa mềm mại Bát Tràng

Các bài viết khác