Vuốt nặn vẽ: Không ra sản phẩm vẫn được tặng quà

Thứ Sáu, Ngày 25 Tháng 08 Năm 2017 12:38:09 PM | 1380

Với chừng 40k quý khách tới tham quan Bát Tràng đã được trải nghiệm công việc tạo hình sản phẩm với đất sét trên bàn xoay như các nghệ nhân và còn được tặng một sản phẩm xinh xắn khi ra về.

Cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, làng nghề gốm sứ Bát Tràng nhộn nhịp và thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, sưu tầm sản phẩm.

 

 

Các bạn trẻ đang say mê khi được thợ làng nghề hướng dẫn thực hiện công đoạn vuốt và nặn sản phẩm bằng đất sét cao lanh trên bàn xoay

 

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh của du lịch tới các làng nghề truyền thống, rất nhiều các loại hình dịch vụ đã ra đời nhằm đáp ứng sự mong muốn của khách tham quan. Trong đó, tại Bát Tràng, trong số các dịch vụ mới ra đời phải kể tới dịch vụ vuốt, nặn, vẽ… các công đoạn để cho ra đời một sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.

 

Vui sướng trong… nhem nhuốc

 

Với dịch vụ vuốt, nặn, vẽ khách tham quan sẽ được các nghệ nhân hoặc các thợ lành nghề của Bát Tràng trực tiếp cầm tay hướng dẫn: từ cách ngồi thế nào cho đúng tư thế, cách bóp đất và sử dụng đất trên bàn xoay ra sao cho đất không bị “chết”: với chi tiết nhỏ này đã khiến rất nhiều khách thích thú, bởi chỉ cần nhấc đất ra khỏi bàn xoay thì lập tức nắm đất đó phải bỏ đi vì nó bị “chết”, muốn dùng lại thì phải cho vào nhào với kỹ thuật của làng nghề và đó bị coi là đất loại 2.

 

Các "tác phẩm" điệu nghệ được du khách "thiết kế" trên sản phẩm có sẵn ở sân chơi. Chiếc cốc ở giữa sau khi được "chủ nhân" vẽ họa tiết lên đã được gửi lại làng nghề để nung màu và đang chờ ngày... "chủ nhân" tới nhận.

 

 

Dưới bàn tay điệu nghệ của các nghệ nhân, việc “vuốt” nắm đất tròn trên bàn xoay trở thành chiếc cốc xinh xắn hay lập tức từ chiếc cốc được tạo hình thành chiếc bát xí yêu rất dễ dàng nhưng nếu với khách tham quan thì vô cùng khó khăn. Tuy vậy, không ai muốn từ chối khi được ngồi bên bàn xoay với đôi bàn tay lấm lem, quần áo nhem nhuốc và làm cho nắm đất méo mó, nhão nhoẹt trong đôi bàn tay cùng gương mặt tươi vui và cảm giác thích thú khó tả.

 

Chị chủ tiệm sân chơi Gốm Phước cho biết: “Trước khi muốn tạo hình được sản phẩm thì bao giờ người làm cũng phải biến nắm đất cục thù lù trên tay biến thành nắm đất tròn xoe như chiếc bát úp trên bàn xoay sau đó mới có thể “vuốt” ra cái cốc hay “vuốt” thành cái bát xí yêu. Để làm được “công đoạn” này các thợ mới của làng nghề cũng phải học chăm chỉ, miệt mài trong vòng 7 ngày là ít”.

 

Tự “thiết kế” sản phẩm theo ý thích

 

Tại sân chơi, du khách tham gia dịch vụ vuốt nặn vẽ nếu không thích ngồi bên bàn xoay thì có thể chọn sản phẩm đã hoàn thiện nhưng mới qua công đoạn phơi khô, sấy khô hoặc nung ở nhiệt độ thấp để vẽ bằng màu của làng nghề trên sản phẩm của mình theo ý thích.

 

Rất nhiều bạn trẻ đã say mê quên thời gian khi ngồi trên ghế tham gia dịch vụ này. Không ít các “bức tranh” ngộ nghĩnh hay các sản phẩm được sơn, vẽ cá tính ra đời với muôn vàn ý tưởng của các bạn trẻ.

 

Với dịch vụ này, du khách có thể mang ngay sản phẩm do tự tay mình thực hiện về làm kỉ niệm hoặc có thể gửi lại để nung màu hoặc nung hoàn thiện để có thể dùng được lâu dài như một sản phẩm thực thụ từ làng nghề.

 

40k “trọn gói” dịch vụ vuốt, nặn, vẽ kèm quà mang về

 

Loại hình dịch vụ vuốt, nặn, vẽ ra đời cách đây không lâu và ban đầu chỉ dành cho các em nhỏ khi theo cha mẹ, gia đình sang làng nghề tham quan hoặc các em nhỏ đến từ các hợp đồng giữa nhà trường với làng nghề song càng ngày nó càng thu hút khách tham quan quốc tế và cả khách tham quan là các bạn trẻ trong nước.

 

 

Một sản phẩm được bạn trẻ thực hiện trên sản phẩm có sẵn và chưa qua công đoạn nung màu hay nung hoàn thiện

 

Trải dài khắp làng nghề có rất nhiều “sân chơi” này, một số ít thì nằm ngay ngoài đường chính, một số địa điểm khác lại nằm sâu trong ngõ nên rất nhiều người dân mở dịch vụ này sẵn sàng ra tận đường lớn mời đón khách vào những ngày cuối tuần: thứ bảy, chủ nhật vì vào hai ngày này làng nghề mới trở nên tấp nập đông vui.

 

Không chỉ được trải nghiệm thực tế việc làm nghề của Bát Tràng, du khách còn được chính các nghệ nhân nổi tiếng hướng dẫn. Ví như Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa, anh thường dành thời gian rảnh ra sân chơi của gia đình để hướng dẫn khách tham quan, trò chuyện về sản phẩm hoặc chia sẻ những kinh nghiệm thú vị.

 

Điều hấp dẫn nhất đối với các bạn trẻ trong nước khi chọn chơi dịch vụ này là được “la cà” suốt buổi hoặc tha hồ vầy đất, hoặc “thiết kế” các ý tưởng cho… tác phẩm của mình, còn được “bỏ túi” sản phẩm về làm kỉ niệm mà tất tần tật chỉ mất có 40k. Nếu bạn trẻ nào muốn gửi sản phẩm lại để nung màu hoặc nung cho hoàn thiện để dùng lâu dài hay dùng như một sản phẩm chính hãng Bát Tràng thì mất thêm 50k nữa và trở lại lấy sản phẩm sau 3 ngày.

 

Với giá cả dễ chịu, thời gian thoải mái và được trải nghiệm thực tế, có thêm nhiều kiến thức thú vị loại hình vuốt, nặn, vẽ tại làng nghề truyền thống Bát Tràng thực sự đang trở thành dịch vụ thu hút nhất đối với du khách tới đây tham quan và sưu tầm sản phẩm.

 

Thục Nhi


Các bài viết khác