Nghệ nhân Phạm Anh Đạo: “Đức năng thắng số”

Thứ Sáu, Ngày 04 Tháng 01 Năm 2019 10:16:32 PM | 1605

Hiếm ai nghĩ rằng một người con sinh ra bị khiếm thính do những tác động của đời sống lại trở thành một tài năng được công nhận và có những đóng góp thiết thực cho đời sống như trường hợp của nghệ nhân Phạm Anh Đạo.

 

Đến thăm gia đình nghệ nhân Phạm Anh Đạo tại làng cổ Bát Tràng, một căn nhà đơn sơ với ngổn ngang những sản phẩm gốm sứ mộc mạc, chân chất phủ nhẹ lớp bụi mờ nằm trên con đường trục chính nối liền chợ gốm cổ- khu thương mại làng Bát Tràng nối sang làng gốm Giang Cao ít ai nghĩ rằng anh là nghệ nhân trẻ nhất làng, bị khiếm thính và là người duy nhất còn đam mê với nghiệp: vuốt- nặn- vẽ của làng cổ.

 

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo chuẩn bị cho một sản phẩm gốm sứ có kích cỡ lớn sẽ ra đời bằng phương pháp vuốt nặn vẽ

 

Đã lang thang trong làng cổ từ lâu và được nghe những người dân nơi đây ca tụng tài năng của Phạm Anh Đạo nhưng thật ngỡ ngàng khi biết rằng, để được khen ngợi như hôm nay, vợ chồng anh Phạm Anh Đạo đã từng bị dè bỉu, chê bai về cái sự bảo thủ cứ nhất mực chỉ làm sản phẩm gốm sứ bằng phương pháp thủ công: vuốt- nặn- vẽ với bàn xoay, với lấm lem hồ, lấm lem đất mà không chịu làm bằng phương pháp đổ- rót mới với khuôn đúc sẵn mang tính công nghiệp cho đỡ những nặng nhọc và hàng hóa được đều đặn hơn…

 

Rất nhiều người quan tâm tới sản phẩm của anh trong đó có cả các phóng viên

 

Sinh ra trong một gia đình có cha và ông làm nghề gốm nhưng trải qua những giai đoạn sóng gió của nghề, của đời sống nên gia cảnh khó khăn, Phạm Anh Đạo lại quặt quẹo đau ốm từ nhỏ và biến chứng do dùng kháng sinh liều cao dẫn tới bị khiếm thính: khó nghe, khó diễn đạt anh Đạo đã không có đủ điều kiện kinh tế để phát triển nghề nghiệp dù trời ban cho anh niềm đam mê và sự nhận thức nhanh nhạy.

 

Quang cảnh nhà riêng nghệ nhân Phạm Anh Đạo vào một buổi chiều thường ngày

 

Do đó, như bố anh, nghệ nhân Phạm Văn Huy cho biết: việc gia đình anh làm công việc vuốt- nặn- vẽ cũng là cách lựa chọn để khắc phục những khó khăn về tài chính thay cho việc dùng phương pháp đổ rót bởi sẽ lại phải lếch kếch đầu tư cho việc làm hàng mẫu, tạo khuôn và thợ làm đổ rót trong khi với việc vuốt- nặn- vẽ chỉ cần ngả khuôn ra là làm… Cho nên những mẻ hàng vuốt tay thô kệch chưa được chau chuốt, màu men lem nhem chưa được đẹp đẽ cuốn hút ban đầu mới bị bạn hàng buôn chê bai là: “chỉ bán cho ma tây” hay “mang lên mạn ngược” và “chả ai thèm mua” là như vì như vậy…

 

Những sản phẩm gốm sứ mang tính trang trí được làm từ phương pháp vuốt nặn vẽ tại xưởng gốm Đạo Trinh

 

Rồi cứ thế, trải qua giai đoạn khó khăn, công việc ổn định hơn, mỗi sản phẩm làm ra cũng như được thổi hồn trở nên đẹp đẽ, cuốn hút hơn và công việc vuốt nặn vẽ khi xưa là giải pháp nay trở thành niềm đam mê không thể dời bỏ và trở thành cái nghiệp lành mang đến những sản phẩm gốm sứ độc đáo có một không hai của Phạm Anh Đạo, giúp anh có được những đơn đặt hàng lớn cả trong nước và nước ngoài.

 

Vô hình chung, cái sự nặng tai của anh trở thành bản lĩnh và nghị lực phi thường để anh vượt qua mọi lời nặng nhẹ, lời ong, tiếng ve dè bỉu của người đời và dồn tâm huyết, thời gian cho sự mày mò sáng tạo, cho những đam mê không phân biệt sáng- tối, ngày đêm và cho ra những sản phẩm độc đáo, điệu nghệ chinh phục mọi con tim.

 

Những chiếc bát ăn cơm được làm bằng phương pháp truyền thống từ A đến Z tại xưởng gốm gia đình nghệ nhân Phạm Anh Đạo

 

Thành ra cho tới nay, chỉ duy nhất mình anh ở làng cổ Bát Tràng còn làm công việc thủ công từ A đến Z để tạo ra một mẻ sản phẩm gốm sứ với phương pháp từ ngàn xưa các cụ truyền lại: vuốt- nặn vẽ. Trong khi đó, công việc này chỉ còn rơi rớt lại ở những dịch vụ trải nghiệm làm gốm, một dịch vụ phục vụ cho du lịch hơn là để phục vụ cho kinh doanh hay phát triển đời sống làng nghề.

 

Qua hình ảnh của Phạm Anh Đạo và hành trình vươn lên của một chàng trai giàu nghị lực, vượt lên số mệnh kém may mắn chỉ vì nghèo khó do suy dinh dưỡng dẫn tới ốm đau quặt quẹo, rồi do thời thế, do hoàn cảnh chung của đất nước khi xưa mà dẫn tới việc dùng thuốc không đúng cách dẫn tới bị điếc, diễn đạt nói năng khó khăn mà vẫn chịu khó học hỏi, trau đồi kiến thức, chăm chỉ thực hành qua sự quan sát chúng ta có thêm một tấm gương và niềm cảm hứng để chinh phục những giấc mơ.

 

Những chiếc cốc đa năng có màu sắc và hoa văn hiện đại- trẻ trung được thể hiện qua đôi bàn tay điệu nghệ của nghệ nhân Phạm Anh Đạo và thuần túy thực hiện với phương pháp cổ truyền: vuốt- nặn- vẽ

 

Thành tích và danh hiệu của nghệ nhân Phạm Anh Đạo:

 

Được trao danh hiệu nghệ nhân lúc 31 tuổi- được gọi là nghệ nhân trẻ nhất làng thời bấy giờ.

 

  • Bằng khen triển lãm gốm sứ truyền thống Bát Tràng chào mừng SEA Games 22.
  • Giải nhì Hội thi Bàn tay vàng nghề gốm sứ năm 2004.
  •  Bằng khen Tài năng trẻ làng nghề gốm sứ thành phố Hà Nội năm 2004.
  • Giải xuất sắc “Bàn tay vàng” nghề gốm sứ 2006.
  •  Thợ giỏi gốm sứ Bát Tràng năm 2008. Anh cũng vinh dự được là đại biểu đi dự Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc năm 2009.

 

Thương Kiều

Tags: nghệ nhân nghệ nhân Bát Tràng vuốt nặn thủ công làng gốm

Các bài viết khác