Họa tiết Chim Công và bài học quý giá từ câu chuyện Phật dạy

Thứ Sáu, Ngày 26 Tháng 04 Năm 2019 10:35:30 AM | 1210

Ít ai biết được ở một đời kiếp xa xưa Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đã từng là một Khổng Tước Vương- tức chim Công Vua hay là Vua của loài Khổng Tước. Trong các tài liệu của đạo Phật có truyền lại câu chuyện cổ tích mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tình yêu chân thành và những đam mê mù quáng cùng sự lựa chọn cho việc theo đuổi các mục đích của mình…

 

Trong các tích chuyện được lưu truyền có ý nghĩa giáo dục phổ cập được lưu truyền từ Phật giáo có câu chuyện kể về Đức Phật Tổ Như Lai hay Ngài còn có danh xưng khác là Đức Thích Ca Mâu Ni thì ở những đời kiếp xa xưa Ngài đã từng là một Khổng Tước Vương- tức là Vua của loài Khổng Tước.

 

Chuyện cổ tích Phật giáo dạy rằng: từ kiếp xa xưa Phật Thích Ca đã từng là Khổng Tước Vương

 

Chuyện cổ tích kể rằng:

 

Vào thời khai thiên lập địa đó, con người và muông thú có sự giao hòa nhất định và Khổng Tước Vương tuy là loài Khổng Tước nhưng nhờ vào sự chuyên cần tu luyện đã có được nhiều phép thuật. Khổng Tước Vương có cung điện và có sống đời vương giả không khác loài người.

 

Vào một ngày nọ, nhân buổi đẹp trời, Khổng Tước Vương cùng với 500 vị Khổng Tước Vương Phi của mình đi du ngoạn núi non, ngắm cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú.

 

Trên gốm sứ Bát Tràng, với bàn tay tài hoa các nghệ nhân đã thể hiện hình ảnh chim Khổng Tước vô cùng sinh động, đẹp và sang trọng

 

Bỗng nhiên, Khổng Tước Vương nhìn thấy một nàng Thanh Tước xinh đẹp, nàng có chiếc cần cổ đáng yêu có thể hót những tiếng hót mê hồn. Khổng Tước Vương ngơ ngẩn cả tâm thần, quên hết xung quanh, lại sẵn trong mình dòng máu nóng hổi của các bậc quân vương chàng ta bèn dứt bỏ 500 nàng Khổng Tước Vương Phi, đi theo tiếng sét ái tình và mê muội lang thang đây đó trong cuộc phiêu lưu tình ái với nàng Thanh Tước quyến rũ.

 

Chim Thanh Tước, loài chim xinh đẹp, kiều diễm với tiếng hót đáng yêu được nhắc tới trong câu chuyện cổ tích của Phật

 

Chuyện một Khổng Tước Vương có khả năng tu luyện kỳ tài hẳn là điều xưa nay hiếm và câu chuyện ấy đã đến tai của vị Hoàng đế của loài người. Đặc biệt là Hoàng hậu yêu của vị Hoàng đế đó lại bị ốm và cho biết bà nằm mộng thấy Khổng Tước Vương rồi khăng khăng, nũng nịu một mực đòi rằng: Phải bắt được Khổng Tước Vương kia mới có thể khỏe mạnh trở lại để hầu hạ Hoàng thượng.

 

Nhà vua đã loan truyền trong thiên hạ, phải tìm ra người tài giỏi, mưu trí có thể bắt được Khổng Tước Vương sẽ trao giải lớn.

 

Khổng Tước, loài chim vương giả được thể hiện trên gốm sứ và chạm vàng ròng vô cùng cuốn hút bởi tài nghệ của nghệ nhân Bát Tràng

 

Một người thợ săn lâu năm đã biết được tin và bằng kinh nghiệm săn bắn của mình, ông đã tìm ra được thói quen và đường đi, nước bước của Khổng Tước Vương. Người thợ săn đã nắm lấy chính điểm yếu trong sự mê muội của Khổng Tước Vương dành cho nàng Thanh Tước yêu kiều, diễm lệ để “tóm cổ” Khổng Tước Vương. Ông ta không bẫy hay bắt ngay, vì như vậy với tài trí và khả năng tu luyện của Khổng Tước Vương người thợ săn sẽ để vuột mất con mồi. Ông ta đã bôi mật vào những nơi Khổng Tước Vương hay lui tới để lấy về cho Thanh Tước và vì đang mê mải trong tình ái Khổng Tước Vương không hề đề phòng và đã trúng vào bẫy người thợ săn đặt ra.

 

Khi bị Nhà vua của loài người bắt, nhốt lại Khổng Tước Vương đã dùng tài trí và phép thuật để thoát thân. Trong giai đoạn này, Khổng Tước Vương không chỉ chữa lành bệnh cho Hoàng hậu mà còn cứu giúp được toàn bộ dân chúng trong vùng cai trị của Hoàng đế loài người. Nhưng cũng ở thời gian đó, trong lúc làm việc thiện nghĩa cứu người Khổng Tước Vương mới có thời gian để nhìn lại hành trình của mình và hối hận đã bỏ rơi 500 vị Khổng Tước Vương Phi đã từng đầu gối tay ấp với mình, chạy theo một phút loạn nhịp của con tim tới nỗi bị bắt nhốt.

 

Khổng Tước với vẻ đẹp quyền uy và quyến rũ qua một bức họa mà chúng tôi sưu tầm (ảnh: st)

 

Nhưng cũng nhờ tài trí và công tu luyện với đức độ hơn người Khổng Tước Vương đã tự giải thoát cho bản thân và trở về với bầu trời tự do tự tại của mình.

 

Câu chuyện còn dài và còn nhiều nội dung thú vị nhưng trong bản tóm lược này chúng tôi chỉ trích dẫn một phần nhỏ để chúng ta nhận ra một triết lý sâu sa ẩn sau tất cả các giáo lý: cho dù là các bậc giác ngộ hay các bậc vĩ nhân ai cũng phải trải qua rất nhiều thử thách khắc nghiệt từ đời sống và những thách thức đôi khi nằm ở trong chính trái tim của mỗi người.

 

Qua câu chuyện cổ tích của đạo Phật, về vị Giáo chủ Từ Bi, người có thể dằn lòng để lại vợ đẹp con ngoan và cung vàng điện ngọc đi tìm ra con đường giải thoát cho chúng sinh chúng ta thấy, Người đã phải trải qua rất nhiều đời kiếp tu hành và cho dù bản tính đẹp đẽ, luôn hướng thiện, hướng đạo và cho dù là mang kiếp người hay kiếp vật Người cũng đều thể hiện rõ sự tài trí, lòng từ bi và sẵn lòng cứu độ chúng sinh nhưng không phải ngay từ những ngày sơ khai đó Ngài có thể vượt qua được bản ngã hay những cám dỗ.

 

Hình ảnh chim Khổng Tước trên bình hút lộc Bát Tràng (ảnh: st)

 

Phải qua mỗi sự việc, Ngài lại tự nhìn lại và tự rút ra những bài học quý báu để nhất tâm sửa đổi, trau dồi thêm vốn sống, vốn hiểu biết, sàng lọc những điều hay, thay đổi những điều dở tệ để hoàn thiện thêm những giá trị quý báu và truyền lại cho khắp các chúng sinh. Trong đời sống chúng ta, không phải ai cũng có khát khao đó và cũng không phải ai cũng đủ kiến thức và khả năng nhìn nhận để làm được như Đức Phật, vì vậy, chúng ta chỉ có duy nhất một Đức Phật Như Lai mà thôi.

 

Cũng qua câu chuyện này, chúng ta nhận thấy một điều vô cùng quý giá và phải tâm phục khẩu phục ở những giáo lý đạo Phật để lại: đó là nhân- quả. Cho dù chỉ trải qua một đời kiếp là Khổng Tước mà còn là Khổng Tước Vương. Nhưng vì cái tội đã bỏ rơi 500 vị Khổng Tước Vương Phi để chạy theo phút bồng bột của con tim mà khi đắc đạo thành Phật, Đức Như Lai đã quay lại độ cho loài Khổng Tước: loài chim này luôn là loài chim vương giả.

 

Chim Công đắp nổi trên sản phẩm gốm sứ Bát Tràng

 

Nhưng con trống dù đẹp mỹ miều đến thế nào và các nàng Công cái có đơn sơ, giản dị tới bao nhiêu thì cứ tới mùa giao hợp các chú công trống làm say mê bao con mắt cứ phải trổ hết các vũ điệu để lôi cuốn nàng công mái. Nàng ta tha thẩn nhẩn nha rồi nhằm chàng nào đẹp nhất, tài nhất, vũ điệu tuyệt nhất mới lựa chọn- đây là sự thật về loài công vẫn còn lưu truyền tới ngày nay mà con người không nên tự liên hệ nếu không muốn biến hình thành công trống.

 

Song nhất định chúng ta phải nhận ra đâu là tình yêu thương chân thành đích thực và đâu chỉ là những đam mê bồng bột, đồng thời phải có trách nhiệm với mỗi lựa chọn của mình cũng như xác định mục đích phấn đấu để không bị mất thời gian vô ích lại còn vì đó phải trả giá cho cả về sau này.

 

Triệu Nhật Khải

Tags: Khổng Tước Vương Khổng Tước chim Công gốm sứ Phật Thích Ca Đức Phật Bát Tràng

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác