Đình làng Bát Tràng và tôn chỉ của làng gốm

Chủ nhật, Ngày 08 Tháng 09 Năm 2019 12:49:31 PM | 5065

Trong Đình làng Bát Tràng, ngay chính giữa tòa Đại bái, bên trên nơi đặt hương án thờ Công đồng là hai bức đại tự sơn son thếp vàng, trong đó có một bức ghi “Thiên địa hợp kì đức” – tức: Đức lớn thuận theo trời và đất. Đây cũng là tôn chỉ của dân làng gốm bao đời nay: luôn lấy chữ Đức làm đầu, mọi việc tất sẽ hanh thông, thuận lợi.
 

Nếu như ở các nơi khác, chỉ các cụ già mới có thể hiểu và biết về những ngôi chùa- đình- đền tại làng mình: thờ ai, vị trí thờ, những câu đối có nghĩa thế nào còn lớp trẻ hầu như không để ý hoặc cũng khó mà biết. Nhưng ở Bát Tràng thì khác, dường như rất sẵn thông tin cho những ai, kể cả lớp trẻ của làng hay lớp trẻ những nơi khác muốn tìm hiểu về mảnh đất nổi danh này.
 
 
Đình làng Bát Tràng- ngôi đình được cấp bằng Di tích lịch sử kiến trúc Nghệ thuật năm 2005 với mái đình đắp cặp rồng phun mây, phun nước uy nghiêm- kì vĩ
>>>> Tại sao đi du lịch Bát Tràng Tham quan chợ gốm Bát Tràng một lần bạn sẽ nhớ mãi 
 
Là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh được nhà nước xếp hạng: Di tích lịch sử kiến trúc Nghệ thuật tại một ngôi làng là điểm đến của du khách, Đình làng Bát Tràng là một trong những ngôi đình mang những nét riêng độc đáo, có nhiều bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu danh tiếng và các bài viết tìm hiểu kỹ và sâu khác mà chỉ cần gõ từ khóa “Đình làng Bát Tràng” đã thấy xuất hiện rất nhiều tư liệu.
 
Vì vậy, không khó để biết, trên bức đại tự thứ hai song song với bức đại tự có nội dung đề cập tới tôn chỉ của làng Bát Tràng đã nói ở trên là bức đại tự nói tới công đức lớn lao của làng do chính vua Nguyễn ban cho dân làng gốm Bát Tràng đã vì nghĩa lớn, cạy gạch ở sân Đình dâng nộp triều đình khi nhà Nguyễn xây thành Hà Nội. Bức đại tự có nội dung: “Hiếu nghĩa cấp công”.
 
 
Bức phù điêu ở cổng Đình làng Bát Tràng
 
Những câu chuyện không phải là tương truyền- huyền thoại
 
Là một ngôi làng cổ có bề dày lịch sử vẻ vang nên làng gốm sứ Bát Tràng lưu truyền nhiều câu chuyện hay, có chuyện mang màu sắc hư hư thực thực vô cùng huyền ảo. Ví như câu chuyện về sự di cư của những người thợ gốm giỏi nhất từ kinh đô Hoa Lư xưa đi theo tiếng gọi của vua Lý Thái Tổ- Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long mưu nghiệp lớn, ra tới bờ sông Hồng, gặp nơi đất tốt, thuận tiện giao thương, đặc biệt lại có loại đất sét trắng rất quý cho việc làm gốm đã cắm sào dựng cơ nghiệp lấy tên là Bạch Thổ Phường- tức là Phường Đất Trắng. Những người con giỏi giang nơi đây không chỉ giỏi nghề làm gốm mà còn giỏi buôn bán và làm quan.
 
 
Đình làng Bát Tràng trong nắng chiều hanh hao
 
Câu chuyện này không còn là tương truyền khi ngay trong ngôi Đình có chiều dài lịch sử cùng ngôi làng đã ghi rất rõ ở hai bên câu đối ở hai bên Hương án thờ Công đồng về gốc tích con dân làng Bát: “Bồ di thủ nghệ khai đình vũ- Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”- Đem nghề từ làng Bồ ra khởi dựng đình miếu- Lòng thành như hương lan cúng tạ thánh thần. Làng Bồ xưa trong câu đối ở Đình làng Bát Tràng là ở kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) chính là làng Bồ Bát (khi đó xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa- nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
 
Ở ngay vị trí trang trọng nhất của ngôi Đình thờ Đức Thánh Cả- Lưu Thiên Tử Đại Vương  một trong sáu vị Thành Hoàng của làng, đó là: Lưu Thiên Tử Đại Vương, Đức Thánh bà- Lã Đệ Tam Đại Vương, Bạch Mã Đại Vương, Phan Đại Tướng Đại Vương, Hộ Quốc Đại Vương và Cai Minh Tự Đại Vương.  Đức Thánh Cả- Lưu Thiên Tử Đại Vương là Lưu Cơ, một vị tướng thời nhà Đinh- Đinh Bộ Lĩnh ở kinh đô Hoa Lư, ngài là con cầu tự tại Sơn thần Bạch Bát ở Ninh Bình (do vậy ngài thường được gọi là “con trời cho” hay “con trời- Thiên tử”, khi ngài mất được dân làng Bạch Bát thờ là Thành Hoàng. Những người con ưu tú của làng Bạch Bát mang nghề gốm sứ từ làng Bồ Bát ra lập nên Bạch Thổ Phường (nay gọi là Bát Tràng) dựng thêm cơ nghiệp mới đã lấy Thành Hoàng làng gốc để thờ tại làng mới.
 
 
Bốn mái đình cong cong lượn sóng đắp nổi hình "ông" nghê trang nghiêm- uy thế như đang bao quát khắp xa gần- ảnh chụp mái đình phía trước bên hữu nhìn từ dưới lên
 
Trên cửa chính bước vào tòa Đại bái treo bức Hoành phi với bốn chữ “Bạch thổ danh sơn”, gợi nhớ lại khung cảnh sơ khai của vùng đất sét trắng- Bạch Thổ Phường xưa khi dòng họ Nguyễn Ninh Tràng theo vua Lý Thái Tổ dời cố đô Hoa Lư về Đại La. Tại cột đồng trụ uy nghiêm gắn câu đối sứ: “Ngũ hành tú khí chung anh kiệt- Vạn trượng văn quang biểu cát tường”- Nơi hội tụ khí thiêng hun đúc nên các bậc anh hùng hào kiệt- Ánh sáng văn hóa tỏa xa vạn dặm biểu thị sự cát tường.
 
Đặc biệt, cửa tả- cửa hữu lần lượt gắn hai hàng chữ “Thổ thành kim”- Đất biến thành vàng và “Nê tác bảo”- Bùn làm ra của báu. Vậy là trải qua từng ngày, từng tháng, từng năm cho tới muôn năm sau những gì đã tạc nơi Đình thiêng đã trở thành hiện thực vinh quang: qua đôi bàn tay tài hoa điệu nghệ của người dân làng gốm Bát Tràng bùn- đất những thứ tưởng như bị coi thường bỗng hóa thân trở thành những kiệt tác diệu kỳ, được săn tìm, được thờ cúng và góp phần làm nổi danh non sông đất nước.
 
 
Đình làng Bát Tràng dựa lưng vào làng, mặt quay về hướng Tây, nơi có con sông Hồng- trước gọi là sông Nhị Hà thao thiết chảy và mênh mang nước luôn cuốn phù sa về. Trong ảnh là phía hữu của Đình, nơi quang cảnh trù phú xanh tươi, tàu bè đi lại trên sông tấp nập và con đường bờ sông thoai thoải dốc rất nên thơ
 
>>>> Nhiều sản phẩm Gốm sứ Bát Tràng  không phải ai cũng biết.
 
Những mốc son ghi dấu sự gìn giữ và bảo tồn và phát huy vẻ đẹp của ngôi đình
 
Còn giữ được ngôi đình- một biểu tượng văn hóa- một di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật bền bỉ đi cùng chiều dài của tháng năm như ngôi Đình làng Bát Tràng là điều vô cùng đáng cảm kích đối với người dân làng Bát Tràng nói riêng và của chính quyền địa phương và Nhà nước ta nói chung. Bởi đã từ lâu, những ngôi đình là biểu tượng của nét văn hóa làng xã đậm tính dân tộc như Đình làng Bát Tràng đã dần mai một, rồi “mất hút” vào sự biến đổi của cuộc sống, còn chăng chỉ là vảng vất trong thơ ca.
 
 
Phía sau Đình là khu Văn chỉ của làng, nằm trên con ngõ đi ra Đình
 
Nếu ai một lần đặt chân tới vùng đất này, len lách trong những con ngõ siêu siêu nắng chiều, thoai thoải những con dốc và ăm ắp những “công trình” như có “phép màu” hô biến bùn đất thành báu vật vàng mười của làng gốm để ra tới sân đình, ngắm nhìn sông Nhị Hà xưa nay là dòng sông Hồng cuồn cuộn phù sa như có ngàn lớp sóng dồn dập đổ về rồi lan nhẹ trong tiếng ào ạt như muôn ngàn tiếng vỗ tay nhè nhẹ dưới thềm gạch ngàn năm không bám rêu nơi cửa đình linh thiêng mới cảm nhận được sự diệu kỳ của cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên nơi đây được gọi là nơi đắc địa. Phải vậy không mà ngôi Đình vẫn mãi còn dù thời gian đã đi qua hơn 300 năm tuổi.
>>>>> Phát hiện bí mật ngay dưới Chợ gốm Bát Tràng mà không ai biết
 
Không rõ ngôi Đình được đặt viên gạch đầu tiên khi nào nhưng có nhiều tài liệu cho thấy ngôi đình được Đại trùng tu vào năm 1720 đời vua Lê Dụ Tông (vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Lê- Lê Trung Hưng). Trải qua các Triều đại lịch sử, Đình Bát Tràng hiện còn lưu giữ được hơn 50 đạo sắc phong. Năm 1976, Đình và Văn chỉ Bát Tràng vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm. Năm 2005 Bộ Văn Hóa Thông Tin (nay đổi là Bộ Văn Hóa TT và DL) đã cấp bằng Di tích Văn Hóa Kiến trúc Nghệ thuật cho Đình Bát Tràng. Cũng từ năm 2005, dân làng Bát Tràng đã cùng nhau đóng góp, đại trùng tu Đình. Nay công trình đại trùng tu đã hoàn tất, Đình Bát Tràng đã trở lại đúng với dáng dấp xưa.
 
 
Ngõ bên tả từ phía làng cổ ra Đình. Tại đây có bức tường đã rạn và vỡ gạch do hôm bão có buổi biểu diễn văn nghệ giao lưu từ Huế ra đã bị gió thổi tung làm ảnh hưởng, ban quản lý Đình đang có kế hoạch sửa chữa lại sau đó là dự kiến lên kế hoạch tu sửa hai bên nhà khách của Đình
 
Hiện nay, Đình làng Bát Tràng thờ sáu vị Thành Hoàng và tổng số 23 dòng họ, thay vì năm dòng họ đầu tiên khi khởi nghiệp dựng làng khi xưa.
 
Sắp tới đây, bà con dân làng Bát Tràng dự kiến xin với chính quyền địa phương và Nhà nước cấp phép cho tu sửa hai bên nhà khách. Khoản tài chính này dân làng dự tính sẽ huy động sự đóng góp từ nhân dân trong làng, các dòng họ và khách xa gần. Hy vọng và mong rằng việc tu sửa để gìn giữ, bảo tồn và phát huy “vốn” văn hóa dân gian từ các công trình kiến trúc cổ sẽ được sự ủng hộ toàn diện của nhân dân và các cấp chính quyền.
 
Cùng ngắm một số bức ảnh về Đình làng Bát Tràng:
 
 
Biển chỉ đường từ làng gốm cổ Bát Tràng ra ngoài Đình
 
 
Những con ngõ nhỏ nghiêng nghiêng nắng chiều
 
 
Gió heo may, hoa leo và nắng ươm vàng như líu díu dìu chân ta trong những con ngõ nhỏ uốn lượn và phơi màu gạch cũ
 
 
Rất nhiều những con ngõ hun hút thế này khiến ta bâng khuâng không muốn đi ngay
 
 
Vừa đi vừa có cảm giác như bị... lạc vào nhà ai đó không có lối ra nhưng kỳ thực ngay cạnh cánh cổng nhà người ta là một con ngõ nhỏ khác sẽ dẫn lối
 
 
Nắng vương như hoa trên tường và lá xào xạc dưới chân
 
 
Lâu lắm mới lại thấy một bức tường dính đầy bánh than- kí ức xưa cũ lại ào về khi nhà nhà người người đun sứ bằng than.
 
 
Một trong bốn vạt mép Đình cong cong trong nắng hanh chiều
 
 
Một bên kiến trúc nóc Đình bên tả nhìn phía dưới lên
 
 
"Cận cảnh" một bên mái Đình với hình đắp nổi đầu rồng và cặp nghê
 
>>>> Nhiều sản phẩm Gốm sứ Bát Tràng  không phải ai cũng biết.
 
Thục Nhi

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác