Nằm cạnh con sông Hồng mênh mang sóng nước và ăm ắp màu phù sa, làng cổ Bát Tràng xưa kia lấy đường sông làm chính và phía tây của làng trở thành nơi tấp nập bán buôn, trên bến dưới thuyền. Trải qua sự vận động của thời gian và sự phát triển của thời đại, đường bộ giờ đây nối liền nhiều vùng miền đã trở thành con đường giao thông chính và bến bãi năm xưa trở thành nơi in những dấu tích tự năm nào…
Bến sông xưa kia là nơi bán buôn tấp nập trên bến dưới thuyền của làng gốm Bát Tràng- Ảnh: Thục Nhi
Dẫu vậy, sông Hồng vẫn là niềm tự hào của người dân nơi đây, không có mấy ngôi làng trên cả nước còn giữ lại vẻ đẹp là biểu tượng của làng quê Việt Nam xưa: cây đa- bến nước- sân đình. Vẻ đẹp ấy đã đi vào thơ ca và khi về đây, ta lại nhớ về một câu ca cũ: “Cây đa bến nước sân đình/ Đi xa ta nhớ nghĩa mình mình ơi”.
Cây đa cổ thụ ngay cạnh bến nước và sân đình của làng gốm cổ Bát Tràng- Ảnh: Thục Nhi
Cùng với sự phát triển ngày càng thịnh vượng của làng nghề, Bát Tràng giờ đây đã “thay da đổi thịt”, những con đường nhỏ quanh co nay được mở rộng khang trang, những ngôi nhà cũ đã được xây mới hiện đại trên nền đất xưa, thậm chí, cả khu làm gốm cũng trở thành những xưởng lớn, được trang bị hiện đại và chuyển ra một khu riêng. Những nét xưa cổ kính hay các khu nhà cũ chỉ còn tụ vào một xóm nhỏ do đường hẹp khó phát triển và những hộ dân ở đây không di chuyển lò gốm và xưởng của mình đi nơi khác vì không có điều kiện kinh tế (chứ có chắc cũng đã đi chuyển rồi!!!).
Những "xưởng" gốm mang nhiều nét xưa cũ còn lại trong xóm cổ Bát Tràng- Ảnh: Thục Nhi
So với hai ba năm về trước, cũng là những con ngõ nhỏ nhưng xóm cổ rêu phong và đậm nét xưa cũ hơn nhiều so với ngày nay. Chỉ một vài năm nữa thôi, nếu làng cổ không có chính sách bảo tồn- sửa chữa giữ nguyên nét xưa để gìn giữ thì có lẽ những gì sót lại tới ngày nay cũng khó còn…
Đi trong những con ngõ nhỏ hun hút gió mát lạnh thổi từ sông Hồng rộng mênh mang vào cùng một chút xe xe của mùa thu chợt thấy nao nao khó tả: đất nước ta có bao nhiêu làng nghề, bao nhiêu nơi gói gém những câu chuyện hay- đẹp, cất giữ tài hoa của cha ông giờ còn lại bao nhiêu hay mai một cả rồi? Có mấy làng nghề có chính sách bảo tồn và gìn giữ những nét cổ kính xưa cho con cháu trông vào hoặc ít ra là nơi cho du khách ghé thăm khi tới một đất nước đã có chút tên tuổi về du lịch?
Có thể, một ngày nào đó, rất gần, những con ngõ, cánh cổng và bức tường mang vẻ đẹp xưa cũ này sẽ không còn nữa... Ảnh Thục Nhi
Làng cổ Bát Tràng chỉ còn lại một xóm nhỏ và cũng đã thưa dần những vẻ cổ kính xưa…
Không phải dễ dàng để gìn giữ vì những tác động tất yếu từ đời sống và chẳng mấy ai nghĩ tới việc bảo tồn khi Nhà nước và chính quyền địa phương không có chính sách và cùng dân thực hiện… Có thể, đây chỉ là một suy nghĩ mang tính hoài cổ cá nhân và cảm xúc tức thì của một người còn trẻ song sẽ thật tiếc nếu một ngày, những bức tường đầy rêu phủ và cây dại mọc sum suê kia sẽ không còn, những lò gốm cũ, những bể nhào đất và các dụng cụ làm gốm thô sơ ấy chỉ còn trong kí ức xa xăm…
Một số hình ảnh đẹp về làng cổ Bát Tràng vào buổi ban trưa:
Một bể làm đất sét ở làng cổ Bát Tràng
Nếu chúng ta không coi trọng, không đề cao và thậm chí không cần tới việc bảo tồn- gìn giữ những khu còn nguyên vẻ thô sơ in đậm truyền thống và cất giữ tài hoa của làng nghề Việt Nam cho con cháu có nơi để về, có chỗ để tìm hiểu và cho cả sự phát triển của du lịch thì những khu làm gốm thế này dễ dàng mất đi theo thời gian một cách tất yếu... Ảnh: Thục Nhi
Khoảng sân chất vật liệu làm gốm trong một ngôi nhà nhiều nét truyền thống tại làng cổ Bát Tràng - Ảnh: Thục Nhi
Những con ngõ có nắng dẫn lối vào làng cổ Bát Tràng
Trong xóm cổ Bát Tràng, rất nhiều những con ngõ hun hút gió và xao xác heo may thế này
Những bức tường rêu phong có cây cỏ mọc đầy, xanh tốt và âm ẩm, lành lạnh mùi thời gian...
Một con ngõ bị bỏ quên từ lâu
Góc vườn xưa xao xác lá, cũ kĩ rêu và ngập nắng heo may
Một khoảng sân sau ô cổng khóa
Những con ngõ thả dây hoa tím rơi
Sân chùa cổ làng cổ Bát Tràng
Bậc thềm từ sân đình làng cổ Bát Tràng- một di tích được công nhận- dẫn xuống sông
Đình làng- di tích được xếp hạng!
Trái đình bên hữu và con đường xao xác lá vàng rơi
Trái đình- cánh tả
Thục Nhi
( Hãy chia sẻ những hình ảnh cho bạn bè cùng biết về Bát Tràng )