Cũng như rất nhiều làng quê khác ở Đồng Bằng Bắc Bộ, cứ đầu xuân năm mới, bà con làng gốm cổ Bát Tràng lại tưng bừng mở Hội khai xuân lễ Thánh Thành Hoàng làng. Vừa là để lễ cảm tạ các vị Thánh Hoàng làng đã phù hộ độ trì cho bà con dân làng khỏe mạnh bình an làm ăn tấn tới suốt một năm đã qua, đồng thời mong cầu các ngài phù hộ cho mỗi người con của làng một năm mới sức khỏe dồi dào, mọi điều may mắn, thuận lợi.
14/02/2019 âm lịch, trong tiết xuân mới đầu năm dân làng Bát Tràng đã tổ chức lễ khai hội Hội làng với tiếng hát Quan Họ ngọt ngào của các liền anh- liền chị Bắc Ninh
Có một điều đặc biệt của Bát Tràng, một làng nghề có bề dày lịch sử và phát triển bền vững suốt 700 năm qua đó là ở đây thờ 6 vị Thánh Hoàng làng thay vì một vị như ở những nơi khác.
Đình làng Bát Tràng, nơi thờ 6 vị Thánh Hoàng làng và cũng là điểm tổ chức nghi thức Lễ và Hội chính của Lễ Hội làng hằng năm (ảnh: st)
Bên cạnh việc thờ tự 6 vị Thánh Hoàng làng thì vào ngày hội bà con còn làm lễ dâng lên thần sông- thần Hà Bá cầu mong mọi việc thuận hòa, giao thương thuận lợi, cầu cho quốc thái dân an, làng nghề phát triển.
Dâng lễ thần sông- thần Hà Bá để xin nước thiêng về thờ cầu may cho cả năm ngay khoảng sông rộng lớn mênh mang nước trước cửa đình làng là một nét độc đáo, đặc sắc mà có lẽ chỉ ở Bát Tràng mới có (ảnh: st)
Cùng với các nghi thức lễ và hội của làng như Lễ rước kiệu thì Lễ dâng cúng thần Hà Bá để làm lễ xin nước sông Hồng là nét đặc sắc và độc đáo khác biệt của lễ hội Bát Tràng so với những lễ hội làng ở nơi khác.
Khắp các đường làng ngõ xóm của Bát Tràng đều có cờ rực rỡ và biển hiệu chào đón bà con xa gần, du khách trong và ngoài nước ghé thăm, chung vui đón Hội cầu may đầu năm
Năm nay, ngày 14/02 khai hội thì ngày 15/02 âm lịch, đúng rằm tháng 2 dân làng tổ chức các nghi thức lễ hội chính thức với phần rước kiệu các vị Thánh Hoàng làng đi dạo qua các con ngõ chính để tỏ lòng thành kính và hoan hỉ đón mời các ngài thăm thú con dân, biết được suốt một năm qua con dân của mình đã làm ăn thế nào, còn có điều gì phải hay chưa phải để phù hộ độ trì cho cháu con một năm mới mọi điều may mắn, thuận lợi hơn.
Theo tục lệ và cũng là để đền ơn các vị Thánh Hoàng làng cùng các vị tổ tông phù hộ con dân, bà con góp nhau mỗi người một ít , giàu nghèo đều đặn, sắm sanh lễ vật dâng lên làm lễ vừa là để báo công, vừa để cầu trời, cầu Phật, cầu Thánh thần và tổ tiên chứng dám phù hộ cho quốc thái dân an, làng nghề phát triển, sau là để con cháu có dịp vui vầy, chia nhau cùng thừa lộc, phấn chấn tập trung làm ăn trong năm mới (ảnh: st)
Phần dâng lễ thần Hà Bá và xin nước thiêng sông Hồng cũng được tổ chức vào ngày rằm 15/02 âm lịch cùng với các nghi thức hội làng tưng bừng náo nhiệt. Cho hết ngày 16 thì bà con dân làng làm lễ tạ để bắt đầu vào một năm mới tất bật, bận rộn lao động sáng tạo.
Nước thiêng sau khi được làm lễ xin và lọc cẩn thận được bọc lại, mang về đình để thờ (ảnh: st)
Chúng ta cùng ngắm lại một vài hình ảnh của mùa lễ hội làng Bát Tràng năm trước được đăng tải trên báo giới để cảm nhận mỗi năm làng cổ Bát Tràng có những đổi thay gì và cùng mừng cho sự đóng góp của làng trong sự giữ gìn nét đặc sắc riêng của dân tộc Việt Nam qua bao thăng trầm và biến động của đời sống và để mỗi ngày góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Một số hình ảnh về làng gốm cổ Bát Tràng hôm nay và trong lễ hội trước:
Hằng ngày Bát Tràng đón tiếp nhiều đoàn khách tới thăm quan, trong đó có những em nhỏ mẫu giáo, chập chững, ngây ngô, đáng yêu cũng đến để tìm hiểu về làng nghề, về nét đặc sắc của dân tộc Việt Nam
Trong nắng sớm mai rạng rỡ, những mẻ lò sau bao thử nghiệm, có khi bị mất trắng, có khi sạt cả nghiệp để thử nghiệm một màu men, một cách thức làm mới lại hàng hàng, kệ kệ được hong phơi và náo nức tung ra thị trường chiều lòng cả những vị "thượng đế" khó tính nhất
Bát Tràng đang ngày một mở rộng và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đầy đủ, tiện nghi và phù hợp với thời thế để vừa phát triển nghề vừa có thể phát triển song hành giới thiệu và quảng bá về du lịch. Một không gian quán cafe lãng mạn với rất nhiều đồ gốm độc đáo vừa để khách ngắm, tìm hiểu và mua sản phẩm
Một sớm mùa xuân hôm nay, khi Bát Tràng bắt đầu cho một ngày mới nhộn nhịp
Sau một năm lao động say mê, miệt mài, cùng với lễ Hội làng thì Hội chợ làng cũng được mở, đây là hoạt động thu hút sự quan tâm của bà con và du khách bởi nó gắn kết càng làng nghề khác với những sản phẩm mang nét đặc trưng, tinh túy của mỗi làng như với năm trước có 15 làng nghề tụ hội trong đó có: lụa Vạn Phúc, miến Cự Đà, rèn Đa Sĩ, khảm chai Chuôn Ngọ.... (ảnh: st)
Nghi thức xin nước thiêng không chỉ là nét độc đáo, đặc sắc có lẽ chỉ ở Bát Tràng mới có mà đây cũng là nghi thức được bà con dân làng chú trọng, quan tâm (ảnh: st)
Nghi thức xin nước diễn ra trang trọng (ảnh: st)
Được thực hiện từng bước rất cẩn thận và kính cẩn (ảnh: st)
Dạ Thảo