Trần Thanh: Nghệ nhân duy nhất đan giỏ tích Bát Tràng

Thứ Sáu, Ngày 21 Tháng 12 Năm 2018 3:06:19 PM | 833

Đã 82 tuổi, lão nghệ nhân Trần Thanh vẫn say mê với công việc đan giỏ tích và ông là nghệ nhân duy nhất tại Bát Tràng về giỏ tích ở thời điểm hiện tại.

 

Ghé thăm gia đình lão nghệ nhân Trần Thanh vào một buổi chiều mùa đông thấy ông đang cặm cụi ngồi nẹp những thanh che để đan chiếc giỏ tích ở công đoạn bán thành phẩm.

 

Ông vui vẻ cho biết: “Làm công việc này cần phải có ba yếu tố: kiên trì, mắt tinh, khéo tay. Nếu vót bộ nan mà làm không được thì đốt đi làm bộ khác thì mới gọi là hết mình với công việc”.

 

Ở tuổi 82 nghệ nhân Trần Thanh vẫn say mê với công việc đan giỏ tích Bát Tràng.

 

Nếu nói như vậy có lẽ vẫn chưa đủ bởi qua cách ông ngồi chêm chêm, gõ gõ những vòng nan để làm trụ, nẹp chặt những thanh tre để đan giỏ mới thấy ở ông còn có sự đam mê lớn lao cho công việc tưởng chừng rất dễ nhàm tẻ này.

 

Cần phải có đam mê mới bền bỉ với nghề

 

Để đan thành công một cái giỏ tích ông cần có 240 cái nan. Các công đoạn làm nan không quá khó khăn nhưng nó lắt nhắt và tỉ mẩn, nếu không yêu thích và say sưa với công việc sẽ không thể làm hàng ngày và sản xuất ra hàng ngàn cái giỏ tích giống hệt nhau như vậy suốt mấy chục năm qua.

 

Ông nói: "Muốn giữ nghiệp gia đình cần phải có đam mê, khéo tay và tinh mắt"

 

“Muốn đan được chiếc giỏ tốt, bền bỉ với thời gian và không bao giờ lo mối mọt, ẩm mốc, cũng không phải mang ra phơi phóng hay đánh si làm mới thì cần phải làm cẩn thận tất cả mọi công đoạn ngay từ khâu đầu tiên”, nghệ nhân Trần Thanh cho biết.

 

Để có được những thanh cật tre tốt nhất chọn làm giỏ tích, mỗi cây tre nghệ nhân Trần Thanh chỉ lấy được 20%, số còn lại phải bỏ đi. Khi chọn được khúc tre già và đẹp nhất ở cây tre để chẻ ra làm nan rồi lại phải ngâm những chiếc nan đó vào nước giếng trong vòng 3 tháng để thôi hết ra chất nhựa tre khiến mối mọt dễ ăn vào.

 

Sau đó phải rửa sạch cho hết mùi tre ngâm và hong khô, sấy kiệt mới đưa ra vót, chuốt cho nhẵn. Công đoạn tiếp theo là mang toàn bộ những chiếc nan này vào hun bằng rơm hoặc củi âm ỉ hàng tuần liền để có được màu nan đẹp, nâu sẫm, không bị phai màu trước thời gian, cũng không có mối mọt nào có thể chạm tới.

 

Chiếc giỏ tích của gia đình ông đã ra đời và được dùng liên tục suốt 18 năm qua nhưng nom vẫn như mới và không hề trồi sụt gì dù ông không dành thời gian để lau chùi hay cọ rửa

 

Theo kinh nghiệm từ xa xưa các cụ để lại thì nan tre khi cho vào hun, hơi khói ngấm vào từng thớ tre, làm cho tre khô đanh, trở thành màu nâu sẫm và mối mọt rất kị những thanh tre được hun như thế này; ngày xưa, các cụ nhà ta không hun mà thường gác lên gác bếp, không chỉ tre mà rất nhiều chất liệu khác như gỗ, mây, hay các chất liệu làm đồ thủ công mỹ nghệ cũng là vì để chúng kị mối mọt.

 

Khi đã có nan tre rồi sẽ tạo hình chiếc giỏ bằng những vòng tròn và định hình với ba điểm: miệng giỏ, thành giỏ và đáy giỏ. Việc định hình này phải làm sao đó cho thật chặt tay. Vành giỏ và đế giỏ được làm bằng tre già, sơn bằng sơn ta, loại đặc biệt. Bông và rơm dùng để làm ruột giỏ tích và nắp giỏ tích cũng đã được phơi, sấy khô kiệt ngay từ đầu và nẹn thật chặt. Khi dùng giỏ tích thì có nước nóng già đổ vào tích thường xuyên trong ngày nên ngày nào những chất liệu này cũng được hong khô, kĩ thêm một lần nữa nên không lo bị ẩm mốc làm bục hay trồi sụt bên trong. Có những chiếc giỏ được dùng từ đời này sang đời khác cho dù chiếc ấm tích bị vỡ hay phải thay chiếc ấm khác.

 

18 năm nom bên trong chiếc giỏ vẫn giữ được sự mịn màng, chắc chắn và bền bỉ, đồng thời chiếc giỏ tích này còn ủ ấm được nước nóng suốt cả một đêm dài giá lạnh của mùa đông

 

“Của bền tại người” và những nỗ lực giữ vững thương hiệu

 

Đã qua cái ngưỡng “thất thập cổ lai hy” hơn một thập kỉ, lão nghệ nhân Trần Thanh vẫn còn minh mẫn và đau đáu với nghề. Ông cho biết, bây giờ nhìn lại so với thời của ông, có quá nhiều loại hàng hóa đã không giữ được chất lượng như cách đây nửa thế kỉ vì vậy khi làm giỏ tích ông phải đặt chất lượng lên hàng đầu để cho dù là mấy chục năm hay trải qua hàng trăm năm thì chiếc giỏ tích mang thương hiệu gia đình ông, qua đôi bàn tay của ông vẫn còn nguyên giá trị như những chiếc giỏ đầu tiên.

 

Quang cảnh gia đình nghệ nhân Trần Thanh với bộn bề các chất liệu để chuẩn bị cho việc làm chiếc giỏ tích mang thương hiệu và nét đặc trưng riêng của Bát Tràng

 

“Gia đình tôi làm giỏ cho tới nay đã là đời thứ tư: bố tôi, tôi, con tôi và tới đây là các cháu nhà tôi. Hiện tại ở trong nhà tôi còn có cái giỏ tích làm từ năm 2000, 18 năm rồi nhưng cái giỏ được dùng hằng ngày vẫn còn như mới. Tôi rất không hài lòng khi nhìn những chiếc bao diêm ngày nay lỏng lẻo chỉ có già nửa hộp, quẹt lên cái được cái không trong khi thời chúng tôi những hộp bao diêm mở mãi mới được và quẹt lửa cái nào cũng cháy. Chính vì thế, để sản phẩm của mình bền mãi với thời gian mà chính mình không bị rơi vào bất mãn bởi sự kém chất lượng của thành phẩm tôi đã làm rất kỹ càng và cẩn trọng từng khâu một”.

 

Là người con nối dõi công việc của gia đình, nghệ nhân Trần Thanh từng đi bộ đội và bỏ công việc này suốt 40 năm. Nhưng khi trở lại bắt tay với công việc ông phải nghiên cứu kĩ từng khâu, lắng nghe từng lời chỉ dạy kinh nghiệm của cha mình và giờ đây, ở tuổi 82 ông vẫn đam mê với công việc và tự tay làm từng khâu nhỏ.

 

Các thành viên trong gia đình nghệ nhân Trần Thanh đều tham gia vào công việc chung của gia đình để tạo dựng nên thương hiệu giỏ tích Bát Tràng mà không nơi nào có được

 

Cũng như những chiếc giỏ tích luôn bền đẹp cùng thời gian mà không cần phải làm mới lại, chỉ cần lau sạch bụi bẩn và qua bao nhiêu thời gian vẫn giữ nóng những ấm tích pha trà liên tục nhiều giờ trong ngày. Kể cả trong thời tiết giá lạnh của mùa đông, chiếc giỏ tích cũng giữ nhiệt được liên tục qua đêm nghệ nhân Trần Thanh đã giữ lửa được với nghề và truyền lại cho thế hệ sau niềm đam mê, sự trân trọng và nhiệt huyết với thương hiệu, thương hiệu làm giỏ tích đặc trưng Bát Tràng mà chỉ có một mình gia đình ông tạo dựng được.

 

Thương Kiều

Tags: Nghệ nhân Bát Tràng giỏ tích Bát Tràng Bát Tràng

Các bài viết khác