Lãng đãng chiều mùa ngâu chợ gốm làng cổ Bát Tràng

Thứ Ba, Ngày 17 Tháng 04 Năm 2018 2:50:06 PM | 910

Ra đời năm 2004, trải qua hai lần “dọa dẫm” đóng cửa chợ gốm làng cổ Bát Tràng vẫn là điểm dừng chân đầy cuốn hút của du khách tới đây du lịch. Cùng vãn cảnh chợ gốm vào một chiều thưa khách giữa tuần trong mùa mưa ngâu Hà Nội để hiểu thêm về những nét riêng mà chỉ nơi này mới có…

 

Vào những ngày lễ tết hoặc hai ngày cuối tuần: thứ bảy, chủ nhật chợ gốm làng cổ Bát Tràng nói riêng hay cả khu làng nghề truyền thống Bát Tràng nói chung đông đúc tấp nập bao nhiêu thì vào những ngày giữa tuần, nhất là vào mùa mưa ngâu tháng bảy âm lịch như bây giờ thì khung cảnh của làng lại yên bình, tĩnh lặng bấy nhiêu dù vẫn có những chuyến xe tải vào làng nhập hàng chở đi.

 

 

Con đường dẫn vào khu chợ gốm tại làng cổ Bát Tràng vào ngày giữa tuần mùa ngâu lưa thưa khách qua lại

 

Khu chợ đặc trưng nằm trong làng cổ Bát Tràng

 

Tương truyền, làng Bát Tràng được ra đời từ thời nhà Lý, khi Lý Thái Tổ dời đô Hoa Lư về Thăng Long có rất nhiều các thương nhân theo kế hoạch dời đô mà đi cùng và có một nhánh dòng họ làm gốm lâu đời ở Yên Mô, Ninh Bình ngày nay đã theo về Thăng Long dựng nghiệp. Theo các tài liệu được ghi lại tới ngày nay: Qua nhiều lần đổi dời, chia tách, khi bị chia về Kinh Bắc khi lại thuộc phủ Thuận An, lúc lại về Hưng Yên, cho đến năm 1961 tới nay, Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1964, xã Bát Tràng được thành lập gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao như hiện nay.

 

 

Bát Tràng là làng nghề truyền thống nổi tiếng bao đời nay với mặt hàng gốm sứ không giống bất kỳ nơi đâu

 

Vốn là làng nghề truyền thống nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài bao đời nay, Bát Tràng là điểm đến cuốn hút đối với du khách trong và ngoài nước. Chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 15km, theo con đê sông Hồng tới dốc Giang Cao rẽ xuống Bát Tràng (cho tới nay, đường thủy xuôi theo sông Hồng từ bến Chương Dương hoặc bến phà Đen vẫn chưa được khai thác phổ biến) nên tuyến đường bộ dọc theo đê vẫn là trục đường chính. Mới đây, từ Hà Nội, du khách có thể đi qua cầu Vĩnh Tuy hoặc cầu Thanh Trì, theo đường thông qua các khu đô thị mới được làm đẹp đẽ và khang trang, rẽ qua đê, đi thẳng vào chợ gốm nằm trong làng Bát Tràng cổ hoặc tới dốc Giang Cao đi vào làng Bát Tràng và theo đường trục chính của làng đi về phía làng cổ, khu vực có nhiều con đường nhỏ, chưa được xây dựng mới nên còn lưu giữ nhiều nét cổ kính của làng Bát Tràng xưa.

 

Khu chợ gốm bao gồm hơn 100 gian hàng chỉ chuyên về gốm sứ nằm trên con đường chính của khu làng Bát Tràng cổ nhưng được “thiết kế” lại khá bắt mắt với những gian hàng liền kề của các nghệ nhân hoặc của các người thợ lành nghề nổi tiếng của làng được ghi tên và thương hiệu trang trọng ngay tại biển hiệu của tiệm. Khu phía trong chợ là các gian hàng với nhiều sản phẩm đặc trưng của làng gốm phong phú về chủng loại và đặc sắc, đa dạng về mẫu mã.

 

 

Những gian hàng trong chợ gốm tại làng cổ Bát Tràng có nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu và chẳng nơi nào có

 

Không có chỗ cho… người ngoài vào bán hàng

 

Một điều thú vị của khu chợ gốm thuộc làng cổ Bát Tràng là các gian hàng đều thuộc người của Bát Tràng quản lý. Vào năm 2012, “cư dân” của chợ gốm đã “biểu tình” đóng cửa ngừng kinh doanh khi công ty quản lý chợ có ý định cho người ngoài- không thuộc cư dân Bát Tràng- thuê năm ki ốt trong chợ.

 

Lý do là dân làng không muốn người ngoài vào buôn bán gây xáo trộn hoặc thiếu đồng nhất trong việc buôn bán hàng hóa, nhất là “người ngoài” không trực tiếp làm ra các sản phẩm gốm sứ, không hiểu sâu sắc về sản phẩm dẫn tới những phát sinh không đáng có khi buôn bán sản phẩm cùng với phần đông bà con là những người thợ lăn lộn với nghề gốm sứ bao đời nay.

 

 

Ngay cả các mặt hàng gốm sứ cũng độc đáo dù hàng gốm sứ Bát Tràng đã có mặt ở khắp mọi nơi thì vẫn có những mặt hàng mà tới đây chúng ta mới thấy

 

Để tránh việc buôn hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc sinh ra những mâu thuẫn, nghi ngờ không đáng có, “cư dân” của chợ gốm làng cổ Bát Tràng luôn đồng lòng trong mọi hoạt động và gắn kết với nhau thành một cộng đồng bền vững. Chính vì thế, vào đầu năm nay, “cư dân” của chợ một lần nữa lại… biểu tình khi công ty quản lý nâng giá cho thuê ki ốt và nâng cấp, làm mới lại chợ mà chưa có sự bàn bạc thống nhất trên dưới với toàn bộ bà con trong khu chợ.

 

Nói không với hàng kém chất lượng

 

Vì đều là bà con trong thôn xóm nên khả năng- tài nghệ của ai thế nào mọi người đều biết cả, thêm vào đó, dù bí quyết làm gốm mỗi nhà một kiểu: từ cách thức thực hiện tới bài men, cách nung không ai tiết lộ cho ai song thành phẩm thế nào bao đời nay bà con chòm xóm đều thuộc lòng như bàn tay, do vậy không có ai “bịp” được ai. Khi bán hàng cho du khách cũng hiếm có trường hợp lên xuống quá chênh về giá cả- chất lượng sản phẩm giữa các cửa hàng với nhau.

 

 

Một trong những hình ảnh ngộ nghĩnh đáng yêu từ các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng: cô nàng yếm thắm mê mải bắt cua tới... tụt cả váy, trễ cả giỏ...

 

Cũng là cái chum, cái chóe, cũng là cái đỉnh cái lọ lộc bình song ở cửa hàng này, với mặt hàng bình dân lại có giá khác nhưng dưới đôi bàn tay tài nghệ và sự đầu tư kỳ công của người nghệ nhân nó lại có một giá khác nếu không nói là… cao vọt lên. Nhưng bà con trong thôn không mấy ai phải thắc mắc dị nghị bởi mọi người cùng nhìn thấy vàng lá được bóc ra và được dát lên sản phẩm thế nào; cũng như vậy, cùng là chất liệu gốm như thế, cũng là các “tích” xưa được đắp, được nặn trên sản phẩm như vậy nhưng màu men và sự tài hoa khéo léo thể hiện trên sản phẩm thế nào lại phụ thuộc vào tài nghệ của từng người thợ, từng lò gốm khác nhau và như một tất lẽ dĩ ngẫu đương nhiên giá cả cũng có khác nhau và không ai thấy sự thua thiệt hơn chênh trong những mức giá khác nhau đó.

 

Những dịch vụ khác kèm theo… gốm sứ

 

Đến với chợ gốm làng cổ Bát Tràng, du khách không chỉ được ngắm nghía, chụp ảnh kỷ niệm và sưu tầm những món hàng gốm sứ có một không hai độc đáo chỉ có ở khu chợ này mà còn được trải nghiệm các dịch vụ thú vị cũng chỉ ở đây mới có như: được ngồi nhào đất sét, tự tay tạo nên các sản phẩm gốm sứ dưới sự hướng dẫn của các người thợ của làng; được tự thiết kế những họa tiết bắt mắt trên sản phẩm mang về dùng hoặc bày lưu niệm; được tự tay kết những chiếc vòng tay, vòng cổ, hoa tai hay các món đồ xinh xắn khác từ các hạt gốm được sơn và nung men vô cùng xinh xắn…

 

 

Một khung cảnh riêng biệt mà chỉ ở chợ làng cổ Bát Tràng mới có: gian hàng nằm ngay cạnh cánh cổng phủ đầy hoa giấy leo

 

 

Ghé vào một quán café hiện đại với không gian đẹp cùng các thức uống và kem không khác gì ở giữa thủ đô du khách còn được ngắm nghía những món đồ gốm lạ, đẹp, độc được bày xung quanh như một cách để “khoe” và giới thiệu về làng ghề nhằm thu hút sự quan tâm của khách tới thăm.

 

Khi vào hàng ăn ven đường thưởng thức những món quà quê như ăn bánh tẻ, bánh sắn, bánh nếp, ngô luộc, nước mía với giá rẻ bất ngờ, chưa tới 10k một món chúng ta cũng có thể được nghe những câu chuyện thú vị về nghề gốm và về những người thợ gốm của làng…

 

Một số hình ảnh từ chợ gốm tại làng cổ Bát Tràng:

 

 

Cổng chợ khi vào ngày giữa tuần mùa ngâu thưa vắng khách thăm quan

 

 

Một quán trà đá- nước mía ven hồ trên đường đi vào khu chợ gốm

 

 

Các gian hàng tại chợ gốm đâu đó vẫn thấp thoáng nét quê cổ kính

 

 

Rất nhiều các mặt hàng tâm linh về gốm được trưng bày tại đây và trong ảnh là các lọ lộc bình cỡ vừa với nhiều màu sắc và họa tiết hoa văn sinh động

 

 

Trong các gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm gốm sứ vẫn có chỗ cho những mặt hàng lưu niệm, trong đó dịch vụ tết vòng tay bằng sản phẩm từ làng nghề hay các mặt hàng lưu niệm nhập từ nơi khác về cũng rất phong phú

 

>>>> Xem Vòng gốm Bát Tràng mới thấy mình không biết gì về làm đẹp. 

 

 

Một trong số những món quà lưu niệm đáng yêu được bày bán kèm theo hàng gốm sứ

 

 

Các sản phẩm gốm sứ tâm linh được bầy rất trang trọng trong các gian hàng gốm sứ Bát Tràng

 

Những cửa hàng bầy biện mang phong cách cổ xưa, phù hợp với không gian và sản phẩm gốm sứ cổ

Thục Nhi

( Hãy share và like để thúc đẩy sự phát triền gốm sứ Bát Tràng nhé )


Các bài viết khác