Tháp Văn Xương Bát Tràng và ý nghĩa trong bài trí non bộ

Thứ Sáu, Ngày 12 Tháng 04 Năm 2019 9:26:14 PM | 2730

Tháp Văn Xương gốm sứ Bát Tràng là một trong những sản phẩm gốm sứ dành cho việc trang trí non bộ với ý nghĩa trừ hết mọi tà niệm, giữ cho tâm yên vui để may mắn và tài lộc tới cho những ai ngắm nhìn và chiêm nghiệm.

 

Lấy cảm hứng từ những câu chuyện về vị Văn Xương Đế Quân trong văn học dân gian Trung Quốc- một vị thần được truyền tụng và thờ cúng tại nước bạn cũng như có sự ảnh hưởng lớn trong quan niệm dân gian Việt Nam các nghệ nhân Bát Tràng đã làm Tháp Văn Xương với thông điệp tốt lành gửi tới người sử dụng: khi bài trí và ngắm nhìn chiếc Tháp Văn Xương bạn sẽ thấy đầu óc tươi vui, tinh thần sảng khoái, mọi tà niệm trừ diệt và phấn chấn học tập, tu dưỡng để có được những thành công, may mắn và tài lộc.

 

Những chiếc tháp Văn Xương gốm sứ Bát Tràng được bày bán tại chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng, Hà Nội

 

Câu chuyện về ngài Văn Xương Đế Quân được lưu truyền trong dân gian và có nhiều bản kinh sách chép lại với những màu sắc vừa thực vừa ảo vô cùng linh diệu, trong đó có những bản cho biết rằng: Ngài đã trải qua nhiều đời kiếp hóa thân và có nhiều thần tích linh dị. Nếu ai thực lòng cầu nguyện ngài sẽ phù hộ cho việc trấn phục yêu ma, trừ diệt bệnh tật, tai ách và phù hộ cho công danh, sự nghiệp thành công, tài lộc như ý”.

 

Văn Xương Đế Quân theo truyền thuyết khi Ngài từ trần gian về trời, được Ngọc Hoàng Thượng Đế cho ngự ở chòm sao Văn Xương hay còn gọi là Văn Xương Tinh hoặc sao Văn, một cách gọi nôm na theo kiểu Hán Việt là Văn tinh.

 

Những chiếc tháp có nhiều màu sắc, kích cỡ để bạn lựa chọn

 

Có nhiều sách cho rằng Văn Xương còn có tên khác là Văn Khúc (Văn Khúc tinh). Theo Đạo giáo của Trung Quốc hay còn gọi là Tiên Đạo, một đạo có ảnh hưởng lớn tới những quan niệm dân gian Việt Nam do sự giao thoa văn hóa giữa hai nước từ nhiều thế kỉ trước thì ngài Văn Xương Đế Quân được tôn sùng là thần chủ quản công danh phúc lộc của sĩ nhân.

 

Ngài được thờ phụng và tin yêu lưu truyền trong nhân gian một phần là do ngài có thể phù hộ cho chúng dân, cả người có học hành và người không có điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện để học hành thi cử hay thi cử mà “học tài thi phận” đều thành đạt nhờ vào tài năng thực sự hay thông minh thiên bẩm.

 

Có nhiều tài liệu giải thích khác nhau về sự ra đời của Tháp Văn , trong đó có tài liệu cho rằng, tháp Văn Xương ra đời từ cảm hứng về Bảo Tháp của nhà Phật- một biểu tượng cao quý, thiêng liêng mà trong đó một phần lưu giữ những giá trị trí tuệ của Phật.

 

Ở đây còn có cả những chiếc tháp Văn Xương vô cùng nhỏ be và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của bạn

 

Nhưng cũng có những tài liệu cho thấy, Đạo giáo vốn là một trong ba đạo lớn tại Trung Quốc: Đạo giáo, Đạo Nho, Đạo Phật và Đạo Phật được nhà Đường thỉnh về khi Đạo giáo và Đạo Nho đã xuất hiện và phát triển; đồng thời, chiếc tháp cũng được sử dụng nhiều trong Đạo giáo như tháp của Thác Tháp Lý Thiên Vương, hay những ngôi tháp trên các tầng trời. Vì vậy cho tới nay lịch sử ra đời chính xác của chiếc Tháp Văn Xương vẫn chưa có tài liệu chính xác.

 

Song chắc chắn rằng, cũng như Bảo Tháp của Phật, chiếc Tháp trong Đạo giáo hay trong thế giới tâm linh là biểu tượng cao  quý, ẩn chứa những giá trị tích cực như: uy lực thần bí được cất giữ, gửi gắm trong đó, sự siêu việt của trí tuệ và những giao thao xoay vần trong vũ trũ gửi tới các thế hệ chúng ta.

 

Hiện nay có rất nhiều nơi bán Tháp Văn Xương với những chất liệu bằng đồng, bằng gỗ thơm, gỗ quý, bằng thủy tinh, pha lê, thạch anh, đá quý…để bày trên các bàn học, giá sách, phòng đọc, phòng làm việc…

 

Với những chiếc Tháp Văn Xương bằng gốm sứ Bát Tràng thì được chuyên dùng trong trang trí hòn non bộ, trong không gian sơn thủy hữu tình. Nếu bạn thích cũng có thể trưng bày trong không gian sân vườn, tiểu cảnh, nội ngoại thất tùy theo sở thích. Còn nếu muốn phát huy giá trị phong thủy của những chiếc Tháp nói chung chúng ta phải nhờ thày xem để chọn chất liệu, màu sắc, chọn ngày giờ, vị trí đặt sao cho phù hợp và đúng cách.

 

(Hình ảnh được thực hiện tại chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng, Hà Nội)

 

Nguyệt Kiều

Tags: gốm sứ Bát Tràng chợ cổ tháp Văn Xương Văn Xương Đế Quân

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác