Không dành riêng cho quốc gia nào, cũng không thuộc về một tôn giáo nào việc đốt trầm hương trong những ngày lễ lớn hay trong các nghi thức trọng đại của một dân tộc, dòng tộc hay tôn giáo từ rất lâu đã trở thành một thông lệ bất thành văn. Người ta thường dùng lư hoặc đỉnh để đốt trầm hương mà phổ biến hơn là dùng đỉnh, có nơi nôm na gọi là lò hương hay lò đốt trầm.
Có rất nhiều chất liệu để làm ra chiếc đỉnh mà thường người ta thấy là bằng đồng: đồng đỏ, đồng nguyên chất… cũng có khi đỉnh được đúc bằng vàng ròng hay bằng bạc, có khi bằng đồng mạ vàng…Trong bài viết hôm nay chúng tôi giới thiệu tới những chiếc đỉnh được nặn kỳ công bằng đất sét bởi đôi bàn tay tài hoa của những người thợ gốm sứ Bát Tràng.
Đỉnh thờ đặt trên ban thờ bày mẫu tại một trong những gian hàng trưng bày ở làng nghề Bát Tràng
Đỉnh và vị trí khi đặt trong không gian thờ tự
Có nhiều tài liệu cho biết: không chỉ với đạo Phật mà cả đạo Thiên Chúa Giáo, đạo Khổng và… Phù thủy đạo đều dùng đỉnh để đốt trầm hương trong các ngày lễ trọng đại hay trong các nghi thức tôn nghiêm. Còn với nghi thức thờ cúng tồn tại lâu đời ở Việt Nam, đỉnh có một vị trí quan trọng nếu không nói đỉnh luôn là vật phẩm tâm linh được xếp ở vị trí đầu tiên, trang trọng trên ban thờ tổ tiên nói riêng và ban thờ Phật, thờ thần linh… nói chung.
Trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, chiếc đỉnh được chọn dùng phải là chiếc đỉnh đẹp nhất, được chạm khắc ý nghĩa nhất và được đặt ở vị trí tôn nghiêm nhất. Người đứng khấn niệm hoặc làm lễ, thậm chí là châm hương, đốt trầm phải là người đứng đầu của đất nước; loại trầm được chọn cũng phải là loại tốt nhất. Trầm xưa kia còn được sánh ngang hàng với vàng, ở một vài thời điểm trầm còn đắt và khó kiếm hơn cả vàng ròng.
Đỉnh thờ bày mẫu tại các gian hàng ở làng nghề Bát Tràng
Đã có một vài tranh luận về việc nếu dùng đỉnh rồi có cần phải dùng lư hương nữa không? Bởi vì cả lư hay đỉnh đều chỉ dùng cho việc đốt trầm hương. Vậy nếu đã thắp ba nén hương hay thắp các cây hương rồi thì còn đốt trầm trong đỉnh làm gì? Hay đồng thời đốt cả trầm trong đỉnh và thắp các nén hương trong lư hương?
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa, người đã sáng tạo và thực hiện bộ Tam đỉnh nổi tiếng đạt kỉ lục về kích cỡ và mang ý nghĩa nghệ thuật lớn nhân dịp kỉ niệm một ngàn năm Thăng Long thì:
“Với quan niệm của người Việt Nam ta từ xa xưa đỉnh là vật phẩm tâm linh quan trọng, đỉnh được ví như cái nóc của ngôi nhà hay cái “ngôi” thiêng liêng trong tâm thức của người dân vì vậy người ta cho rằng: mất đỉnh là mất nước; cũng như người cầm đầu trong một gia đình mà không còn thì nhà dễ ngả nghiêng, khốn đốn.
Cũng từ xa xưa, trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc, vua thường đốt trầm trong đỉnh để cúng tế, khấn cầu trời phật phù hộ độ trì. Còn trên ban thờ tổ tiên hay trong các đình chùa, miếu mạo, đỉnh bao giờ cũng được đặt trang trọng ở chính giữa, hai bên có cặp hạc đứng chầu hoặc có cặp chân đèn để thắp đèn, thắp nến đặt hai bên; sau đó mới đến lư hương và đến các vật phẩm tâm linh khác.
Ngoài việc dùng để đốt trầm hương thay cho thắp các nén hương khi ban thờ không bài trí các lư hương thì đỉnh còn dùng để trấn tà ma, yêu quỷ, tăng thêm sự linh ứng, thiêng liêng cho nên khi đã thắp các nén hương trong lư hương thì thôi không đốt trầm trong đỉnh hoặc nếu đã đốt trầm trong đỉnh thì thôi không thắp hương trong lư”.
Một trong số những chiếc đỉnh thờ được làm bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Bát Tràng với chất liệu gốm sứ
Ý nghĩa của đỉnh trong tâm linh và phong thủy
Đỉnh được xem như một linh vật quý giá để đốt trầm hương, cách kết nối giữa dương gian- trần thế với thế giới tâm linh thiêng liêng thần bí vì vậy ngoài ý nghĩa về việc trấn tà ma yêu quỷ hay kết nối tâm linh qua làn khói thiêng thì đỉnh mang ý nghĩa và thông điệp về sự hưng thịnh và trường tồn.
Đỉnh dù được làm từ chất liệu nào cũng đều được chạm khắc tinh sảo, hoa văn độc đáo. Đỉnh được làm bằng chất liệu gốm luôn được chạm khắc hoa văn nổi hoặc vô cùng tinh tế với các hình rồng, phượng, song long chầu nguyệt trên màu men độc đáo và đẹp cuốn hút: màu lam giả cổ, màu xanh ngọc hay màu nâu rạn… Trong đạo Phật, đỉnh được ví như lò báu dùng để đốt hương thơm.
Đỉnh luôn được thiết kế trên ba chân vững chắc thế chân kiềng, theo quan niệm của nhà Phật thì đỉnh tượng trưng cho Tam Bảo và được gọi là Bảo Đảnh: chư Phật, chư Pháp, chư Tăng; với quan niệm của Phương Đông về Tam thời thì nó tương ứng với: Quá khứ- Hiện tại- Tương lai; trong phong thủy nó thể hiện cho Tam thời: Thiên (trời)- Địa (Đất)- Nhân (con người); trong ca dao Việt Nam còn có câu: “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Một chiếc đỉnh đẹp, ngoài vẻ lung linh tinh xảo được thể hiện ở các hoa văn, ở đôi bàn tay tài nghệ của nghệ nhân thì nó còn phải là một chiếc đỉnh vững vàng, uy nghi và nhìn vào đã thấy sự tôn kính.
Có rất nhiều ban thờ bày mẫu với đỉnh thờ bằng chất liệu gốm sứ độc đáo tại các gian hàng bán đồ thờ tự ở làng nghề Bát Tràng
Trên đỉnh của đỉnh bao giờ cũng có con nghê đứng vươn mình lên cao và ngoái nhìn khắp phía: hình ảnh con nghê này được cho là hình ảnh cách điệu giữa con chó trung thành trong quan niệm dân gian Việt Nam và con lân, con vật kỳ lạ được người Trung Quốc cho “ngự” trên nắp đỉnh của đỉnh. Con nghê được coi là linh thú có khả năng “siêu phàm” hơn con chó trung thành ở trong nhà. Nếu con chó được coi là người bảo vệ trung thành trong gia đình ngăn trộm cắp, “rung chuông” khi nó cảm nhận thấy sự bất an thì với quan niệm tâm linh con chó còn là con vật ngăn tà ma; xưa kia, trong một số đạo dùng tới bùa chú thì máu của chó đen còn dùng để trấn yêu quỷ, ngăn hung thần. Con nghê, một linh thú được “cách điệu” từ con chó còn cho người sử dụng cảm giác “siêu phàm” hơn khi nó không chỉ có khả năng ngăn chặn mà còn trấn giữ và trừ diệt tà ma, yêu quỷ, hung thần đồng thời nó còn là con vật thu hút tài vật và tăng thêm vượng khí cho sự phúc đức cho gia chủ, chủ nhân.
Với những nét sơ qua về ý nghĩa của chiếc đỉnh trong tâm linh và phong thủy như trên, có thể thấy đỉnh không chỉ là công cụ đặc biệt, là phương tiện không thể thiếu cho việc kết nối thiêng liêng giữa thế giới chúng ta và thế giới tâm linh thần bí mà đỉnh còn là linh vật thể hiện sự uy nghi, tôn nghiêm và sự trường thịnh trong những không gian sử dụng. Người ta có thể đốt hương trầm vào nhiều đồ vật nhưng sẽ mất đi giá trị nếu không phải là đốt trong đỉnh. Bởi hương như “linh hồn” của một buổi lễ, là sự kết nối mơ hồ nhưng linh nghiệm trong tâm linh thì đỉnh là “nơi” có một không hai để “đặt” mọi niềm tin và gửi gắm mọi thông điệp vào đó và “nâng đỡ” cho làn hương trầm thơm ngát bay lên.
Trầm được coi là của báu và xưa kia cho tới nay nó luôn là vật phẩm quý khi được chọn để dâng tặng, hay được coi là châu báu. Tương truyền, khi Chúa Jésus giáng sinh, có ba vị vua đem ba thứ châu báu quý nhất trong nước họ thời bấy giờ để dâng lên cho ngài thì một trong báu vật đó là trầm hương, bao gồm: vàng, trầm hương và dầu thơm.
Đỉnh- vật phẩm tâm linh được chế tác dưới đôi bàn tay nghệ nhân Bát Tràng
Được chắt chiu từ lòng đất mẹ, loại đất sét được chọn để làm nên các đồ vật từ Bát Tràng nói chung và tạo ra những vật phẩm được coi là linh vật tâm linh như đỉnh không phải có sẵn mà nó phải được dò tìm và có nguy cơ mai một do con người chỉ có thể khai thác mà không thể “nuôi trồng” hay tái tạo.
Màu lam là một trong ba màu đặc trưng của màu men làng Bát Tràng, bộ Ngũ sự với màu lam mà đỉnh thờ đặt vị trí trang trọng cùng cặp hạc chầu, lọ lộc bình, chén cúng, bộ pháp khí được bày tượng trưng tại một gian hàng ở làng cổ Bát Tràng
Nhiều người đã băn khoăn khi lựa chọn đỉnh thờ: đỉnh thờ được làm bằng chất liệu nào là tốt nhất, hay chất liệu nào mới mang tới sự kết nối tâm linh tốt nhất?
Nếu sơ sơ mà xét thì dĩ nhiên ngoài các chất liệu “độc” như vàng, bạc thì đồng bao giờ cũng bền nhất, gốm sứ dễ vỡ, gỗ dễ ẩm mốc. Tuy nhiên, “của bền tại người” việc giữ gìn cho các vật phẩm tâm linh không được xô lệch là điều quan trọng nhất trong thờ cúng, do vậy một khi đã để cho rơi vỡ thì dù đồ vật có méo mó hay vỡ tan, sứt mẻ đều không thể dùng lại được.
Với sự kết nối tâm linh, nhiều quan niệm cho rằng chọn các vật phẩm bằng đồng hay bằng kim loại sẽ tốt hơn vì khả năng chống lại các xung khí, tà khí và mang tới sự giao thoa âm dương tốt hơn các vật phẩm bằng chất liệu khác song điều này không hoàn toàn đúng bởi sự giao thoa tâm linh quan trọng nhất nằm ở trong tâm thức người thực hiện việc kết nối và sự tuân thủ đúng, đủ các nghi thức tâm linh của mỗi khóa lễ; các vật phẩm tâm linh thực sự có ý nghĩa khi chúng gửi gắm toàn bộ tình cảm và sự trân trọng của gia chủ hơn là phụ thuộc vào việc lựa chọn vật phẩm có chất liệu nào.
Trên thị trường hiện tại có rất nhiều đỉnh thờ được chạm khắc tinh xảo, hoa văn đẹp bằng các chất liệu khác nhau, trong đó nổi bật là bằng chất liệu đồng, chất liệu gốm sứ và chất liệu gỗ. Tùy vào khả năng tài chính và sở thích, thậm chí trong thờ cúng người ta còn phụ thuộc cả vào mệnh của người “chủ sự” mà lựa chọn chất liệu theo nguyên tắc: tương sinh- tương khắc giữa các hành: kim- mộc- thủy- hỏa- thổ.
Tại làng nghề Bát Tràng, có rất nhiều các mẫu mã đẹp, được chạm khắc kỳ công, độc đáo và cuốn hút. Tại đây, quý khách có thể chọn một chiếc đỉnh thờ có màu men rạn đặc trưng hay màu lam giả cổ, màu men rạn cổ nâu đất đặc biệt…
Một số hình ảnh về đỉnh thờ được bày tại các gian hàng ở làng Gốm sứ Bát Tràng:
( Bộ đồ thờ gồm đỉnh, đôi hạc cưỡi nghê, theo tích cổ VIệt Nam )
(Bộ đỉnh thờ và đôi rồng chầu sứ Bát Tràng )
( Bộ đồ thời bằng gốm sứ Bát Tràng )
· Thục Nhi