Chóe sứ Bát Tràng : vật phẩm thờ cúng và trưng bày cho thời hưng thịnh

Thứ Tư, Ngày 06 Tháng 09 Năm 2017 3:44:38 PM | 2628

Cũng là vật phẩm thờ cúng nhưng nếu đỉnh thờ là vật phẩm không thể thiếu trong các buổi lễ trang trọng thì chóe thờ nói riêng và chóe trưng bày nói chung lại thường chỉ xuất hiện vào thời điểm hưng thịnh của nền kinh tế xưa nay…

 

Từ rất lâu, trong các bức ảnh, các thước phim về thời phong kiến xưa, trong các bức vẽ về cảnh quyền quý ở cung đình hay trong các nhà gia thế chúng ta vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh trang trọng của cặp chóe. Chúng thường được bài trí ở vị trí dễ thấy và được thiết kế hoa văn sang trọng. Vậy chóe thờ trong tâm linh và chóe trong không gian trang trí có ý nghĩa thế nào với đời sống? Chúng ta hãy cùng điểm qua vài nét đặc trưng.

 

 

Chóe trong không gian thờ cúng và bài trí

 

Chóe với ý nghĩa tâm linh

 

Nếu đỉnh, chân đèn, lư, hạc, chén cúng… được đưa vào hàng các vật phẩm thờ cúng không thể thiếu trên ban thờ gia tiên hay ban thờ thần, phật của đạo lương nói chung và thường được gọi là bộ tam sự, bộ ngũ sự, bộ thất sự… thì chóe lại là vật phẩm cần nhưng không nhất thiết phải có nếu điều kiện kinh tế không cho phép.

 

 

Cặp chóe đắp rồng nổi mạ vàng quỳ có màu men đen nhánh sang quý này không phải ai cũng dễ dàng có khả năng sở hữu

 

Vì vậy, đã từ rất lâu, vào thời các triều đại phong kiến hưng thịnh, chóe luôn xuất hiện bộ ba trên ban thờ, đứng ở vị trí trang trọng sau ba bộ chén cúng đựng nước thanh khiết thì ở những nhà nghèo khó hay sau này, khi đất nước ta rơi vào cảnh nghèo túng sau chiến tranh, chóe không còn xuất hiện, hoặc có chỉ là đồ cổ, ít được dùng tới và ít được biết tới.

 

Vậy chóe trong tâm linh có ý nghĩa thế nào? Với bộ ba chóe được thiết kế hoa văn sinh động, thường chứa đựng các họa tiết sang trọng, thể hiện sự quyền quý như: song long chầu nguyệt, long hý thủy, long hý ngư với mây vờn, gió lượn kết tụ hình ngọn lửa, hình chiếc khánh; có những bộ chóe cầu kỳ còn được khảm xà cừ, khảm vàng ròng hay nạm đồng cầu kỳ chóe trở thành vật phẩm quý giá và đắt đỏ mà chỉ khi có điều kiện kinh tế người ta mới trưng dùng.

 

 

Cặp chóe độc đáo được thiết kế kiểu lục giác với ba con rồng chầu đắp nổi ở nắp và rồng đắp nổi trên thân chóe, có riềm hoa và chân đế bọc đồng này có giá 12.500 ngàn đồng được trưng bày tại gian hàng của nghệ nhân Trần Độ tại khu chợ gốm làng cổ Bát Tràng

 

Với thiết kế hình chum có đế dày, bụng phình, miệng nhỏ, có nắp tròn như chiếc lồng bàn úp chiếc chóe được coi là vật phẩm hút tài lộc và không lo thất thoát. Trên ban thờ, chóe được thiết kế nhỏ xinh dùng đựng gạo, muối và nước thanh khiết dự trữ.

 

Nếu gạo được coi là ngọc thực trời ban thì nước là mạch nguồn cho sự sống và muối là thức ăn không thể thiếu của con người. Ba “báu vật” trời cho loài người này được cất đựng trong ba chiếc chóe và đặt trang trọng lên ban thờ như một sự trân quý thiêng liêng vừa để dâng cúng tổ tiên vừa để nhớ ơn trời đất.

 

 

Bộ ba chóe thờ đắp nổi họa tiết hoa sen

 

Chóe và vị trí trong không gian bài trí

 

Vì sao lại nói rằng chóe là vật phẩm chỉ có ở thời hưng thịnh? Điều này không chỉ thực tế đã chứng minh mà không khó để thấy: Nếu trên ban thờ, chóe được thiết kế nhỏ xinh vừa vặn và tương xứng với các vật phẩm thờ cúng khác thì chóe trong không gian bài trí lại thường được thiết kế lớn: có những chiếc chóe đựng được 12 lít, có chiếc đựng được 25 lít, có chiếc có kích cỡ lớn hơn… Và chóe trong đời sống thường được dùng đựng gạo ngon, đựng các loại hạt ngũ cốc đã được chọn lọc hay thường được dùng nhất là để ngâm các loại rượu quý.

 

 

Chóe đắp nổi hình rồng, mạ vàng có màu men xanh ngọc sang trọng và bắt mắt

 

Ở những gia đình danh gia vọng tộc xưa, cặp chóe luôn được bài trí ở hai bên ban thờ, cạnh cặp lọ lục bình lớn và tất cả các vật phẩm này đều được trang trí hoa văn bắt mắt, sang quý với lân, long, quy, phụng hoặc tùng, cúc, trúc, mai hay nhật nguyệt, nước lửa… Với vị trí bài trí như vậy, chóe vừa là vật phẩm trưng bày, vừa có ý “khoe” của ngầm của gia chủ.

 

Dù đặt trên ban thờ hay đặt dưới sàn trong phòng khách chóe luôn luôn được thiết kế đẹp mắt với đôi bàn tay điêu luyện của những người thợ gốm và nó được xem như vật phẩm hút tài lộc và làm sang trọng thêm không gian trưng bày.

 

 

Rất nhiều cặp chóe độc đáo có một không hai chỉ xuất hiện ở làng nghề Bát Tràng với công thức và bí quyết tạo màu men không giống ai sẽ làm cho không gian bài trí sang trọng và cuốn hút hơn rất nhiều

 

Tại làng gốm Bát Tràng, rất nhiều cặp chóe được thiết kế độc đáo với màu men lam truyền thống, màu nâu rạn độc đáo hay màu xanh ngọc giả cổ, thậm chí có cả màu lưu ly vương giả, có những bộ chóe được nạm vàng ròng hay bọc bạc, bọc đồng vô cùng ấn tượng.

 

Những cặp chóe tại đây có kích cỡ to nhỏ khác nhau, hoa văn chạm trổ cũng phong phú và màu sắc đa dạng. Mỗi nhà lại có một bí quyết riêng cho màu men và bài nung khác nhau, rất hiếm khi các “bí quyết” này được chia sẻ. Tuy nhiên, với một vài lò gốm nổi tiếng của làng, họ sẵn sàng cho biết: gốm dùng để tạo ra các cặp chóe nổi tiếng muôn phương và có từ lâu đời được sản xuất tại làng gốm Bát Tràng thường được nung ở nhiệt độ cao từ 1200 độ tới 1300 độ nên đời gốm rất bền và không bao giờ lo màu men phai nhạt với không gian và thời gian.

 

·       Thục Nhi

 


Các bài viết khác