Tượng gà trống gốm sứ Bát Tràng và tục xem chân gà ngày tết

Thứ Năm, Ngày 23 Tháng 04 Năm 2020 4:49:24 PM | 1393

Tháng 3/2020 đi qua và mùa xuân đã khép lại để đón mùa hè rực rỡ nắng vàng. Nhưng dư âm của Tết dường như vẫn còn đâu đây bởi suốt những ngày qua chúng ta đã ở nhà vì dịch Covid- 19. Cùng ngắm tượng gà trống gốm sứ vào năm Canh Tý và chiêm nghiệm cách bói chân gà ngày tết của cha ông…

Từ xa xưa, việc xem chân gà ngày Tết được coi như một thú vui và cũng là để các cụ chiêm nghiệm cho một năm mới sẽ tới. Chúng ta cùng tìm hiểu về mối liên hệ giữa tượng gà gốm sứ Bát Tràng và tục xem chân gà ngày tết này nhé!

 

Tượng gà trống gốm sứ Bát Tràng mô phỏng chú gà trống cường với vẻ ngoài đẹp đẽ, thường được chọn để dâng lễ trong dịp giao thừa, mùng một tết

 

Phải là chân gà trống cường

 

Con gà vốn là loài vật gần gũi với những người nông dân. Nuôi gà không chỉ để cải thiện bữa ăn mà còn để tăng thêm thu nhập và tận dụng thóc rơi, thóc vãi. Bởi là loài vật sạch sẽ, được nuôi dưỡng, chăm  chút, thịt thơm ngon nên từ lâu, gà được dùng để tế lễ.

 

Vào đêm 30 hoặc sáng mùng 1, đầu xuân năm mới, chú gà trống cường đẹp mã nhất hay còn gọi là gà trống tơ đã được nuôi dưỡng, chăm chút từ trước sẽ được bà con nông dân chọn để dâng lên trời phật, tổ tiên. Cặp chân gà này sẽ được dùng để cụ già nhất trong nhà xem cát- hung, lành- dữ…. đoán điềm cho một năm mới sẽ tới.

 

Tượng gà trống gốm sứ Bát Tràng với bộ lông óng mượt, dáng dấp đẹp đẽ kiêu vĩ luôn khiến người ta liên tưởng tới phẩm vật cúng tế trong những ngày đại lễ của gia đình người dân Đồng Bằng Bắc Bộ

 

Vì sao lại phải chọn gà trống cường mà không phải là gà mái tơ, gà trống thiến, gà già… vì đó là tục lệ từ xa xưa truyền lại. Có lẽ ngoài lý do chú gà trống cường vốn đẹp về vẻ ngoài, còn tươi ngon, thơm tho và các cụ thường có quan niệm trọng nam nên khi tế lễ đất trời, dâng lễ tổ tiên mới chọn chú gà này chăng?

 

Cùng ngắm những chú gà trống cường được bàn tay nghệ nhân làng gốm Bát Tràng thực hiện, chúng ta sẽ phần nào hiểu được vì sao gà trống cường, hay gà trống tơ lại được chọn để tế lễ.

 

Đây là chân gà ngày Tết, đầu xuân năm mới: với những ngón thuôn dài đầy đặn, chân không béo mà vẫn óng mượt, tươi nhuận, nồi đầy là điềm báo một năm may mắn, tài lộc và no đủ, đánh dấu những mốc son mới tốt đẹp cho gia chủ

 

Cách xem chân gà ngày Tết

 

Muốn xem chân gà ngày Tết, ngoài việc chọn chú gà tốt nhất để chăm nuôi, hoặc khi đi chợ chọn gà lễ đã phải xem kĩ càng thì lúc làm gà cũng phải rất cẩn thận. Đôi chân gà lễ sẽ được làm một cách nâng niu để không bị trầy xước và thật sạch sẽ, trắng trẻo. Sau đó, khi luộc gà sẽ không cho chân vào mà sẽ buộc chân vào một cọng lạt, cầm cọng lạt đó nhúng nhẹ nhàng cho tới khi chân gà chín mới nhấc ra, treo lên. Khi cúng đặt vào đĩa gà, cúng xong sẽ mang ra xem.

 

Muốn xem chân gà chuẩn xác ngoài sự may mắn ngẫu nhiên thì chú gà được chọn để dâng lễ thường là gà trống tơ như tượng gà gốm sứ Bát Tràng ở trên

 

Chân gà được xem các cụ quan tâm nhất ở các điểm sau: nồi có đầy không? Ngón cái trỏ vào đâu? Có vấn đề gì nổi bật hay không?

 

Chân gà tốt là nồi phải đầy. Tức khoảng giữa của chân phải dâng lên thì được no đủ, may mắn và tài lộc cả năm. Ngón cái trỏ vào khe là trỏ không, có nghĩa là không vận hạn, không thị phi, điều tiếng, không vấn đề sơ sảy gì. Các ngón và cả cái chân gà được chọn trắng trẻo, đẹp đẽ màu tươi nhuận, không tì vết hoặc có vết son là có điềm may mắn lớn….

 

Chân gà thuôn dài, óng ả, ngón cái chỉ vào khe (tức là chỉ không) như trên là điềm báo không thị phi, điều tiếng, không hoạn nạn, khó khăn. Các ngón thuôn, thanh thoát, thon dài mà đầy đặn là báo mọi việc hanh thông, tốt đẹp, trường lộc

 

Tại Bát Tràng và chợ gốm sứ Bát Tràng có bày bán rất nhiều tượng gà gốm sứ đẹp. Trong bài, những chú gà trống gốm sứ Bát Tràng được chúng tôi sưu tầm ở các gian hàng online, bạn quan tâm sẽ dễ dàng tìm được khi gõ cụm từ “tượng gà trống gốm sứ Bát Tràng”.

 

Những chú gà gốm sứ Bát Tràng luôn được thiết kế tự nhiên, sinh động, thoạt nom nhiều người gỡ là gà thật.

 

 

Thương Kiều- Ảnh: st


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác