Hiểu thế nào cho đúng về hình tượng chim Phượng trên gốm sứ

Thứ Ba, Ngày 25 Tháng 06 Năm 2019 8:27:43 AM | 3075

Có rất nhiều cách hiểu về chim phượng hoàng và để hiểu đúng nhất về loài chim này khi chiêm ngưỡng một tác phẩm gốm sứ nào đó ta phải đi theo từng chủ đề mà tác giả thể hiện trên mỗi tác phẩm hơn là gộp chung tất cả các ý nghĩa về loài linh thú đặc biệt này. Ví như loan phượng sánh duyên; long phụng sum vầy hay Phượng Hoàng với hoa mẫu đơn, Phượng Hoàng với cây ngô đồng…  Vì ở mỗi đề tài chim phượng hoàng lại được hiểu theo một nghĩa khác nhau…

Vốn được xem là loài chim quý giá và là một linh vật của trởi đất, chim Phượng Hoàng mang tính biểu tượng và có những ý nghĩa, giá trị đặc biệt về tinh thần và tâm linh hơn là một loài vật có thể nhìn thấy, chạm vào hay sở hữu được. Do đó, cùng với chiều dài thời gian, ở mỗi một quốc gia, một nền văn hóa hay ở các thời điểm lịch sử khác nhau chim Phượng Hoàng lại mang một ý nghĩa và giá trị khác chứ không hoàn toàn đồng nhất. Hôm nay, chúng ta chỉ tìm hiểu về ý nghĩa của hình ảnh loan phượng sánh đôi và long phụng sum vầy trên gốm sứ.

 

Bộ đồ thờ gốm sứ Bát Tràng với nước men rạn đặc trưng và được thiết kế họa tiết trang trí rồng phượng với lời chúc phúc tốt lành, viên mãn và tròn đầy nhất tới gia chủ

 

Nếu trong loan- phượng sánh đôi thì từ rất lâu, ở các vùng đồng bằng bắc bộ Việt Nam, để thêu gối cưới người ta thường thêu cặp loan phượng. Cặp chim này cũng được thiết kế trang trí trên phông cưới hay trên các sản phẩm mừng đám cưới khác với lời chúc phúc cho đôi lứa nên duyên, trăm năm hạnh phúc, loan phượng sum vầy. Nếu trên các sản phẩm gốm sứ có hình ảnh cặp loan phượng hay ở bất kỳ sản phẩm nào có cặp chim này như trên gỗ, trên tranh vẽ chúng đều có thông điệp chúc phúc cho lứa đôi.

 

Ở hình ảnh loan và phượng thì chim phượng là chim trống, chim loan là chim mái và bao giờ chim mái nom giản dị, không đẹp và cuốn hút như chim trống, nói cách khác cũng như chim công, chim loan cũng như chim công mái luôn làm nền cho đủ đôi đủ cặp và tôn vinh vẻ đẹp, vẻ cuốn hút về ngoại hình và vẻ oai dũng của chim trống nên cái đầu của chim loan hay chim công mái bao giờ cũng nhỏ hơn, thanh nhã hơn với chiếc mỏ duyên dáng còn chim trống sẽ có chiếc đầu uy nghi và ở chim phượng còn có thêm chiếc mỏ diều hâu.

 

Chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh chim loan nom giản dị hơn so với hình ảnh chim phượng và đặc biệt là ở phần đầu với chiếc mỏ diều hâu đầy uy dũng của chim trống và chiếc mỏ nhỏ duyên dáng của chim mái

 

Ý nghĩa về lời chúc phúc thì loan phượng tương đương với cặp thiên nga hay cặp uyên ương nhưng vì loan và phượng vốn là loài chim huyền thoại nên thường hay xuất hiện ở những vật phẩm mang tính sang trọng và có trị giá cao do sự đầu tư công phu, tay nghề tỉ mỉ và đầu tư nguyên vật liệu lớn.

 

Ở hình ảnh long phụng như với các đề tài: “Long phụng trình tường” hay “Long phụng triều dương” ta sẽ bắt gặp hình ảnh khác của chim phượng như thể chim phượng hay còn gọi là chim phụng khi sánh đôi với rồng là chủ thể khác với chủ thể chim phượng khi sánh với chim loan. Mở rộng hơn chim phượng ở rồng- phượng không chỉ khác với loan phượng mà còn khác với cả chủ thể chim chu tước và thanh long trong tứ thần thú.

 

Hình ảnh chim Phụng Hoàng khi kết đôi với Rồng (đại diện cho Hoàng Đế- bắt nguồn và thường dùng cho nước bạn Trung Hoa và các nước ảnh hưởng bởi nền văn hóa này) lại được thiết kế theo một chủ thể khác với sự tương xứng giữa Rồng và Phượng và ở đây Phụng Hoàng là sự chọn lọc những điểm nổi bật nhất của cả loan và phượng với vẻ đẹp vừa mang tính nữ: yểu điệu, thướt tha, cao nhã nhưng không kém phần hoành tráng, thần thánh và uy nghi

 

Hình ảnh chim Phụng Hoàng khi sánh đôi cùng Rồng đại diện cho Hoàng Đế (bắt nguồn từ Trung Quốc và thường chỉ dùng cho các triều đại Trung Quốc, ảnh hưởng sang một số nước chịu sự ảnh hưởng và tác động của văn hóa Trung Quốc) cũng được thể hiện khác với chim Phượng là chủ thể ở các đề tài khác: như sự kết hợp của những vẻ đẹp nhất mang tính nữ của cả chim loan và chim phượng với cái đầu và mỏ duyên dáng, yểu điệu, vẻ đẹp thướt tha, đài các nhưng không kém phần cao quý, thần thánh và uy nghi.

 

Do vậy chim phượng hay phụng hoàng khi sánh đôi cùng rồng mang nặng tính biểu tượng cho sự hòa hợp âm dương và sự kết đôi của những đại diện tiêu biểu và đặc biệt nhất như: rồng ở đây là đại diện cho tính dương, là thiên tử (con vua trời và vua của người) cũng như phụng hoàng ở đây là đại diện cho những gì đẹp đẽ, cao quý, thanh nhã và thần thánh nhất, biểu hiện cho tính âm và không ai khác chính là người nữ hay hoàng hậu vợ của thiên tử. Cho nên rồng và phụng là hình ảnh xưa kia chỉ dùng trong hoàng cung và dùng cho vua và hoàng hậu.

 

Biểu tượng rồng phượng được thiết kế trên mâm bồng đựng hoa quả và đồ thờ Bát Tràng. Biểu tượng này thường được dùng cho những vật phẩm thờ tự bởi vẻ đẹp cao nhã, sang quý và uy nghi.

 

Ngày nay, chế độ vua tôi không còn, cùng với sự vận động và thay đổi của đời sống người ta dùng hình ảnh này cho những ai có khả năng sở hữu hơn là nặng mang tính biểu tượng, tượng trưng như xưa nữa.

 

Triệu Nhật Khải

Tags: rồng phượng gốm sứ chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng

Các bài viết khác