Bàn về họa tiết hình rồng trang trí trên sản phẩm Bát Tràng

Thứ Hai, Ngày 06 Tháng 05 Năm 2019 9:50:30 AM | 1205

Có nhiều người thắc mắc vì sao rồng lại được chọn để trang trí cho các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Từ ấm chén, lọ lộc bình, chum, vò tới bát hương, ống hương… hình rồng có ở trong cả sản phẩm đắt đỏ tới những sản phẩm bình dân. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua về họa tiết hình rồng và lý do vì sao họa tiết về loài vật đặc biệt này lại được sử dụng nhiều trong các sản phẩm gốm sứ nơi đây.

Rồng hay còn gọi là Long trong văn hóa Việt Nam vốn là loài vật đứng đầu “Tứ Linh”- tức linh thú hay những con thú thiêng: Long, Lân, Quy, Phụng. Hình ảnh về linh thú này thường được sử dụng nhiều nhất trong các chùa, đình, đền, những nơi thờ tự, các lầu, đài, các cung trong những cung vua hay những cổ vật còn được gìn giữ tới ngày nay. Và trong những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, kế tục những tinh hoa và tay nghề truyền lại từ cha ông, các nghệ nhân và thợ thủ công làng nghề tiếp tục cho ra đời những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng với họa tiết trang trí hình rồng.

 

Đồ thờ Bát Tràng với họa tiết hình rồng đắp nổi men rạn đặc trưng vô cùng đẹp mắt như lời chúc phúc cho những ai sở hữu gặp được may mắn, có quý nhân phù trợ, không chỉ làm điều lành mà còn gặp được điều lành, tránh những điều dữ

 

Trên thế giới, rồng có mặt ở nhiều quốc gia, các vùng lãnh thổ và mỗi nơi loài vật này lại xuất hiện với những hình dáng và câu chuyện khác nhau. Ở Việt Nam, loài rồng được coi là linh thú và bởi hình ảnh về linh thú này chỉ còn trong các áng văn cổ, các tác phẩm hội họa, điêu khắc, chạm trổ và những đồn thổi của dân gian nên nhiều người cho rằng đây là loài vật không có thực trên đời mà chỉ là loài vật do tưởng tượng, nhân cách hóa và thần thánh hóa của đại đa số quần chúng nhân dân mà nên.

 

Những ống cắm hương Bát Tràng cũng được vẽ thủ công họa tiết hình rồng vô cùng đẹp mắt

 

Tuy nhiên, với đời sống tâm linh từ xa xưa cha ông ta đã tin, thậm chí khẳng định có loài rồng tồn tại và loài vật này chỉ xuất hiện nhằm phò trợ hay giống như là linh thú nâng đỡ bước chân các bậc quân vương xuất chúng. Người ta thường mô tả loài rồng qua cách ngắm nhìn hình ảnh hay lấy lại từ những tài liệu cổ trong các tác phẩm văn học được để lại tới ngày nay, trong số những tác phẩm này một phần các tác giả cũng lấy cảm hứng sáng tác từ những đồn đại của nhân gian chứ chưa ai khẳng định và mô tả loài rồng như thực sự đã sờ thấy chúng.

 

Những bộ ấm chén Bát Tràng có họa tiết hình rồng để đặt trên ban thờ

 

Rất nhiều người cho rằng, người ta cảm nhận thấy hình ảnh của rồng xuất hiện với hình dạng một đám mây hay như một ảo giác phút chốc khiến mọi người bàng hoàng nhận ra và định thần lại tất cả đã tan vào hư ảo hơn là thấy loài linh thú này hiển hiện trước mắt như một hiện thực thực sự. Một số lại thấy qua những giấc mơ của các nhà chiêm tinh, nhưng qua các tài liệu cổ thì những giấc mơ đó cũng mang tính huyền huyễn tựa như cảm nhận thấy hay nhìn thấy qua lăng kính ảo chứ không phải thấy trong mơ như thấy một hiện thực sống và thường ứng với một dự báo nào đó mang tính đại sự và điềm lành… Đây chính là một trong phần lớn những yếu tố khiến cho loài linh thú này trở nên huyền bí, thiêng liêng và ở khía cạnh khác đã tạo ra những tranh cãi trái chiều.

 

Ban thờ với những vật phẩm thờ tự là hình rồng đắp nổi được các nghệ nhân giới thiệu trên mạng internet (ảnh:st)

 

Do đó cha ông ta đã khắc họa hình rồng trong các bức vẽ, các họa tiết chạm trổ, các tác phẩm điêu khắc cũng như các vật phẩm thờ cúng, dâng tiến trong các cung đình, trong các ngôi chùa, đình, đền, các ngôi miếu là nơi ở của các bậc vua chúa hay nơi thờ tự các bậc Thánh Thần, Tiên, Phật. Thậm chí có nhiều nơi tùy vào phẩm hàm hay danh vị các bậc tiền nhân mới thiết kế đặt họa tiết hình rồng hay hình linh thú khác tương ứng.

 

Những bát hương thờ có họa tiết hình rồng chầu mặt nguyệt (mặt tròn như mặt trăng) với biểu tượng âm dương hòa hợp

 

Tuy vậy, ở bất cứ khía cạnh nào hay ở bất cứ tài liệu nào, loài rồng vẫn được coi là biểu tượng của sự thiêng liêng, linh ứng và là điềm báo của sự Đại Cát Tường, có nghĩa khi rồng xuất hiện là điềm lành của cả nhân gian, hình ảnh rồng là biểu hiện của những may mắn lớn lao và là linh thú bất khả chiến bại phò trợ cho các bậc đế vương.

 

Hình rồng với trích lược tích cá chép hóa rồng được thực hiện trên ống cắm hương Bát Tràng với họa tiết đắp nổi và men rạn

 

Với những vật phẩm thờ tự, những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, các nghệ nhân nơi đây bằng tài năng và những cảm xúc đẹp đẽ đã tạo nên những họa tiết hình rồng trang trí cho các sản phẩm gốm sứ như lời chúc phúc tới những ai sở hữu những tác phẩm này: luôn gặp được đại may mắn, có quý nhân giúp đỡ và có nhiều người yêu mến hỗ trợ, gặp được điều lành, tránh được điều dữ và thành công trong công danh, gặt hái tài lộc, gia đạo cát tường.

 

Thương Kiều

Tags: gốm sứ tâm linh đồ thờ sứ Bát Tràng

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác