Ngày nay, khi đời sống vật chất của người dân Việt Nam được nâng cao, cùng với sự phát triển mạnh về các phương tiện truyền thông nên các kiến thức về mọi mặt đời sống được cập nhật thường xuyên, liên tục trong đó có sự phát triển về đời sống tâm linh. Do đó, như một sự “tất- lẽ- dĩ- ngẫu” của cuộc sống: có “phú quý” sẽ “sinh lễ nghĩa”. Và ban thờ gia tiên của mỗi nhà được chăm chút, chau chuốt, sắm sanh đầy đủ, đẹp đẽ hơn.
Bộ chén cúng gốm sứ Bát Tràng họa tiết màu vàng kim sang trọng với hình rồng hoặc hoa sen vàng, hoa hồng vàng đi theo đồng bộ từ chén cúng, bát nhang, lọ hương, bình hoa, đèn, khay hoa quả....
Chén nước và nghi thức trong phong tục tập quán cúng giỗ xưa
Nếu ngày xưa, khi đời sống kinh tế còn khó khăn, mọi mặt đời sống eo hẹp thì việc thờ cúng đơn giản hơn nhưng vào ngày rằm, ngày tuần tiết hay giỗ chạp, lễ tết con cháu nhất định phải lo đặt chén nước cúng hoặc chén rượu gạo lên mâm cúng hoặc ban thờ.
Chén cúng Bát Tràng được làm theo số lẻ: 3 chiếc, 5 chiếc và có đế kê, một bộ thế này những người dân nơi đây gọi là một "Kỷ". Trên hình là bộ chén cúng hình hoa sen vẽ men xanh lam
Chén nước có thể được hiểu là một nghi thức theo nề nếp gia phong xưa: “trần sao âm vậy”, có nghĩa khi ông bà, cha mẹ còn sống thế nào, khi thác xuống âm phủ cũng phải được chăm lo như thế, lúc ăn uống xong con cháu phải lấy tăm lấy nước bưng lên tận nơi.
Chén nước cũng là cách như quả cau, lá trầu để bắt đầu thưa chuyện, kính rước ông bà tổ tiên về chứng dám cho lòng thành của cháu con. Cũng như rượu, nước luôn được đặt sẵn ở trên ban thờ từ khi bắt đầu làm lễ cho tới lần làm lễ tiếp theo, có thể là vào ngày rằm tức 15 âm lịch hàng tháng hoặc ngày mùng một đầu tháng. Cũng có khi là vào một ngày giỗ nào đó nằm ở giữa khoảng mùng một và ngày rằm.
Đặc điểm nổi bật của những bộ chén cúng Bát Tràng ngoài tạo hình nho nhỏ đặc trưng với họa tiết trang trí đặc sắc thì nó còn có đế hay khay đưng đi kèm được thiết kế với mẫu mã đa dạng và tạo sự thu hút đặc biệt với người ngắm nhìn
Chén nước trên ban thờ trong quan niệm cúng giỗ hiện đại
Cho tới ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống chúng ta đã có sự hoàn thiện hơn trong các nghi thức cúng giỗ, có thêm nhiều kiến thức về mặt tâm linh. Có những tài liệu cho rằng nước, cùng với lửa, đất và ngũ cốc là những gì tạo nên nguồn mạch sự sống của con người. Cho nên, khi đặt chén nước, cặp đèn, bát nhang và lọ đựng gạo, muối lên ban thờ là cách để dâng lên các bậc tổ tiên những điều quý giá từ đời sống.
Là bộ chén cúng bé nhỏ nằm trong rất nhiều các vật phẩm đặt trên ban thờ, xong mỗi chi tiết trên bộ đế đựng chén và cả chiếc chén đều được chăm chút tỉ mỉ và vô cùng tinh tế
Bên cạnh đó, nước còn gọi là Thủy, lửa gọi là Hỏa, hoa quả, ngũ cốc là Mộc cùng với Kim và Thổ tạo ra ngũ hành tương sinh giúp cho ban thờ gia tiên của chúng ta ngày càng tạo nên vượng khí, hỗ trợ cho sự phù hộ độ trì của ông bà tổ tiên ngày càng nhanh chóng và ứng nghiệm.
Ở trong bài khác, chúng ta sẽ bàn về việc bài trí chén nước Bát Tràng thế nào trên ban thờ gia tiên. Còn hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua về chén nước trong tập tục thờ cúng trên ban thờ gia tiên và ngắm một số mẫu chén nước thờ gốm sứ Bát Tràng được bày bán tại chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng để tham khảo xem bạn có nên mua bộ chén cúng này cùng cả bộ thờ bằng gốm sứ hay sẽ mua một vài món về thờ.
Với mỗi bộ khay và chén cúng trong bài chúng ta lại thấy tạo hình và họa tiết dành cho mỗi bộ không hề giống nhau, cũng là rồng nhưng rồng ở mỗi bộ được sắp xếp khác nhau, cũng là đế đựng nhưng mỗi cái đế tạo hình cũng không cái nào giống hệt cái nào
Rất nhiều khách du lịch vì mến mộ con người và những giá trị tâm linh mang tính truyền thống của dân tộc Việt Nam đã mua riêng lẻ những món vật phẩm thờ cúng về để trang trí một cách trân trọng và thú vị trong không gian sống hiện đại.
(Hình ảnh được thực hiện tại tiệm gốm sứ Hoan Hằng, chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng, Hà Nội)
Thục Uyên