Ông bình vôi: Món cổ vật độc- lạ- dị chỉ có ở Việt Nam

Thứ Bảy, Ngày 20 Tháng 04 Năm 2019 8:13:30 AM | 2238

Nếu như xa xưa, khi dân tộc Việt Nam còn ở trong những ách đô hộ thì kỳ lạ thay Việt Nam vẫn là thị trường duy nhất sử dụng ông bình vôi và do lò gốm từ các nước tiên tiến thực hiện rồi… cung cấp về. Thế mới thấy cái sự ăn trầu và sử dụng ông bình vôi chỉ có ở Việt Nam.

 

Bẵng đi cùng thời gian với nhiều tác động của đời sống, tục ăn trầu vôi xa xưa của ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác của chúng ta không còn nữa, thảng hoặc còn lại đâu đó trong đời sống như là một tập tục khó bỏ còn rơi rớt lại mà thôi.

 

Ông bình vôi Bát Tràng được bày bán rất nhiều ở chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng với nhiều mẫu mã, kích thước. Nếu bạn yêu thích khám phá những nét đẹp độc đáo trong văn hóa đời sống của người dân Việt Nam và yêu thích những câu chuyện cổ tích nơi đây thì hãy mua một chiếc về làm kỉ niệm nhé

 

Ngay cả những lễ nghi gắn bó với tập tục này cũng còn lại như phần nghi thức đơn giản, không quá nặng nề, quan trọng như xưa: ví như “miếng trầu” không còn là “đầu câu chuyện” nữa; hay trong các đám cưới hỏi người ta cũng bỏ qua đám “Dạm trầu” mà chỉ có buổi gặp mặt, ra mắt với bánh kẹo và gọi đó là “Đám hỏi”; trong những quả trầu ngày xưa là bắt buộc phải có một quả trầu cau thật ngon, chọn lọc, đẹp mắt thì nay chỉ có mâm bánh, mâm đồ theo thời hiện đại và trầu cau chỉ gọi là có cho đủ bộ lệ mà thôi…

 

Do đó, ông bình vôi khi xưa được đặt chễm trệ trên phản chính giữa nhà hay ở mâm trên của các ông, các bác có vai có vế giờ đây không còn nữa. Nhưng với lớp thế hệ sau này, ông bình vôi lại trở thành thú săn lùng đồ cổ, đồ vật được coi là độc nhất vô nhị chỉ thị trường Việt Nam mới dùng, mới có.

 

Một ông bình vôi được trang trí bằng họa tiết quả cau- lá trầu và đầu rồng vô cùng đẹp mắt

 

Nhất là trong thời hội nhập các nền văn hóa trên thế giới như ngày nay, người ta càng thích có một cái gì đó thật riêng, thật đậm đà bản sắc để “khoe” với bè bạn hoặc để cho bạn bè quốc tế được thấy cái lạ lẫm, cái mà có thể nước bạn vô cùng giàu có cũng không có được thứ riêng biệt mà nước mình có, lại là món đồ được nhân dân yêu thích, tin dùng, trọng vọng.

 

Chắc một phần vì lẽ đó mà từ rất lâu đã có những nhà sưu tầm là người Việt Nam ở nước ngoài hay người nước ngoài am hiểu và yêu thích sự độc đáo, lạ lẫm không lẫn lộn của đời sống văn hóa người dân Việt Nam đã sưu tầm ông bình vôi cổ Việt Nam. Và dần có những nhà sưu tầm ông bình vôi trong nước xuất hiện, đưa về bộ sưu tập của mình những ông bình vôi cổ xưa nhất, hiếm hoi còn lại để mưa nắng và bụi bặm thời gian không làm cho phai mờ, mất đi và tan biến vào không gian.

 

Một ông bình vôi với màu men nâu giản dị nhưng vô cùng độc đáo, lạ lẫm

 

Như một câu nói mà giới trẻ ngày nay hay lan truyền: “Có không giữ mất đi tìm” những gì thuộc về nét đẹp riêng của dân tộc, những gì mang bản sắc của mỗi quốc gia là điều cần được trân trọng thì có khi lúc còn chúng ta không biết giữ.

 

Thậm chí nhiều khi thân quá hóa sàm, như ông bình vôi, ngay khi được cha ông ta trân trọng, giữ gìn tôn sưng là “ông” mà không gọi là “cái” bình vôi hay chiếc bình vôi thì vẫn có câu nằm lòng rất dễ thốt ra khi mắng mỏ ai đó: “Cái đồ đặc ruột!”. Đúng rồi, câu nói này cho tới ngày nay chúng ta vẫn sử dụng mà ít ai để ý đó là câu ám chỉ ông bình vôi khi người ta khấn khứa mời ông từ nhà ra gốc đa hay ra mộ của dòng họ. Khi đó, do dùng quá lâu, những lớp vôi lâu ngày cứng lại, keo dính vào nhau như hóa thạch và không còn chỗ để đựng vôi mới nữa.

 

Một ông bình vôi với họa tiết được trang trí là những bông hoa đào Nhật Tân nhưng được cách điệu trong màu men lam đáng yêu trên gốc đào cổ thụ được thực hiện cho tay cầm

 

Nghe vậy, ai đó thấy cay cay nơi đầu mũi, khóe mắt vì có vẻ như cuộc đời bạc quá. Song thực tế đời sống vốn như vậy: cái gì cũng có người yêu kẻ ghét, cái gì cũng có lúc này lúc kia, đến con người còn lúc, dòng sông còn có khúc và tới đồ vật vô tri người thích cũng nâng lên người không ưa cũng còn “dìm” xuống. Và cũng như quy luật tất yếu của thời gian, ông bình vôi cùng tập tục ăn trầu đã thấm vào máu bao lớp cha ông ta cũng có ngày chỉ ở trong bộ sưu tập nào đó, ở lại đâu đó trong nhân gian với những ai yêu thích hoặc đọng lại trong những áng văn, những câu ca dao xưa.

 

Song với những người thợ thủ công Bát Tràng, riêng với ông bình vôi, chúng ta mừng vì vẫn thấy những mẫu mã mới ra đời, những kiểu dáng lạ lẫm, màu men cuốn hút, họa tiết trang trí đa dạng, phong phú về kích cỡ giá cả cho những ai quan tâm cũng có thể dễ dàng sở hữu.

 

Và đây là một ông bình vôi với họa tiết trang trí là một linh thú cổ xưa vô cuốn hút. Chỗ lấy vôi được trang trí bằng những quả cau trong cổ tích tình yêu và những lá trầu cùng quả cau xếp lại như bông hoa trang trí cho tay cầm được mô phỏng từ một gốc cây cổ thụ 

 

Chúng ta cùng ngắm một số mẫu ông bình vôi được bày bán trong chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng và nếu yêu thích món đồ vật độc- lạ- dị chỉ được sử dụng chuyên dùng ở Việt Nam này thì “rước” ông bình vôi về để khám phá những bí ẩn thú vị gửi gắm trong mỗi tác phẩm gốm sứ ông bình vôi Bát Tràng nhé!

 

Dạ Thảo

Tags: gốm sứ ông bình vôi Bát Tràng chợ gốm sứ

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác