Ông bình vôi Bát Tràng gợi lại không gian làng mạc xưa

Thứ Hai, Ngày 04 Tháng 02 Năm 2019 9:25:23 AM | 2090

Chợt nhìn thấy những ông bình vôi Bát Tràng một đồ vật hơn 20 năm mới thấy lại được sản xuất nhiều đến vậy tại Bát Tràng chúng tôi rất ngạc nhiên. Và những ông bình vôi này đã gợi nhớ lại không gian xưa, thời thơ bé  ở quê nhà.

 

Lần đầu tiên “gặp lại” ông bình vôi- một đồ vật mà hơn 20 năm rồi đã “mất biến”- nay lại xuất hiện mà xuất hiện nhiều với những mẫu mã, kiểu dáng và kích cỡ khác nhau tại Bát Tràng chúng tôi không khỏi thắc mắc và ngạc nhiên, nhất là khi tục ăn trầu vôi của dân ta không còn thịnh hành như trước.

 

Ông bình vôi giả cổ có trang trí hình mặt rồng tại Bát Tràng

 

Khi tìm hiểu về ông bình vôi, đồ vật thân thiết gắn bó với mỗi gia đình người dân quê đồng bằng bắc bộ khi xưa mới biết về những công dụng đối với đời sống bây giờ và hóa ra ông bình vôi lại là món đồ vật được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian quan tâm và giới sưu tầm đồ cổ lùng mua, còn phần đông bà con không ăn trầu lại mua về trưng bày như một vật phẩm phong thủy...

 

Còn cách đây từ 20 năm về trước, ở các làng quê vùng đồng bằng bắc bộ hầu như nhà nào cũng có ông bình vôi vì cả đàn ông và phụ nữ đều ăn trầu, những gia đình có bà, có mẹ, có chị thì càng không thể thiếu và có lúc tới 2, 3 ông bình vôi trong nhà.

 

Ăn trầu với vôi, với cau cũng như uống trà, uống rượu hay uống café, nếu ai đã từng ăn thì không bao giờ có thể ngừng được, sẽ thèm đến cồn cào, sẽ thấy thiêu thiếu, bứt rứt nếu không có, sẽ mệt mỏi, cáu cẳn nếu phải nhịn.

 

Ông bình vôi giả cổ với họa tiết rồng chầu nom lạ mắt và độc đáo tại Bát Tràng

 

Vì thế, từ sáng sớm, vừa mới thức giấc đã thấy các bà, các ông ngồi quệt vôi từ ông bình vôi vào lá trầu, cuộn lại, thêm một lát cau, một lát vỏ, có người còn thêm một ít thuốc lá rối và nhai ngon lành, thay cho… đánh răng. Có người, khi ở vào thời điểm cơ hàn, vất vả, nghèo khó, chỉ làm miếng trầu rồi thắt lưng buộc bụng lại, không ăn sáng và ra đồng cấy hái, cày bừa, cuốc thuổng…

 

Bởi vậy, hương trầu vôi lan tỏa vào không gian mỗi gia đình từ sáng sớm mờ đất cho tới khi theo cả bà, cả mẹ vào những giấc ngủ trẻ thơ, phả vào từng lời ru cho thêm nồng ấm.

 

Và trong không gian lãng đãng của những chiều mùa đông hay trong những đêm trăng mùa hạ, trong những gian bếp còn đượm hương rơm khô hay lập lèo đom đóm, lấp ló đèn dầu những câu chuyện về ma, về các vị thần, các nàng tiên, chuyện nhà, chuyện làng cứ thế được kể trong hơi cay cay thơm của trầu và nồng nồng ấm áp mùi vôi từ miệng của các bà, các bác, các ông bên cơi trầu, ấm trà hay mẻ ngô, mẻ lạc vừa mới rang.

 

Những câu chuyện cổ, những tích chuyện xưa hay sự hữu dụng của ông bình vôi cũng cứ thế được kể ra hay thêu dệt thêm vào tạo nên một không gian vừa thực vừa ảo, vừa huyễn hoặc vừa như truyền thuyết dân gian…

 

Ông bình vôi giả cổ, đế cao, men rạn, họa tiết trái cau tại Bát Tràng

 

Miếng trầu- miếng cau- ông bình vôi còn theo vào bàn nước để tiếp khách đến chơi, bà con làng xóm ghé tới như một cách lấy “miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Miếng trầu theo vào những lời văn, ý thơ để đôi lứa hò hẹn, nên duyên, nên nghĩa vợ chồng: “Tiện đây ăn một miếng trầu/ Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là…”.

 

Miếng trầu còn là lễ nghi không thể thiếu trong ngày tết, trong đám giỗ chạp để dâng lên cúng tổ tiên. Miếng trầu trở thành món khai vị, cũng là món tráng miệng trong đám cưới, đám hỏi và cũng là một phần không thể thiếu trong mâm nghi thức mà nhà trai phải mang tới nhà gái để xin cưới, vậy nên, có hẳn một nghi thức trước khi làm đám ăn hỏi và sau đó là đám cưới, đấy là đám dạm trầu- có nơi gọi là đám “Đặt cơi trầu”.

 

Có phải vì những giá trị gắn bó với đời sống và những nề nếp văn hóa được truyền lại từ đời này sang đời khác như thế không mà ở sách xưa truyền lại, trong một bài viết, tác giả cho biết, theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (do Nội các triều Nguyễn biên soạn) viết rằng: mỗi công chúa lấy chồng, nhà vua tặng cho rất nhiều vàng, bạc, tiền và những đồ vật trân quý khác nhưng chỉ ban cho đúng 1 chiếc bình vôi bằng sứ cùng với 10 chiếc tô sứ bịt vàng và 10 chiếc tô bằng sứ bịt bạc.

 

Bá Diện

Tags: ông bình vôi Bát Tràng giả cổ gốm sứ trầu cau cưới hỏi

Các bài viết khác