Chiếc bình vôi được ra đời xuất phát từ tục ăn trầu vôi của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là dân vùng đồng bằng bắc bộ. Chiếc bình vôi thường làm bằng đất nung, sau này gọi là gốm sứ hoặc được làm bằng đồng, đôi khi chỉ là cái cóng, cái lọ.
Những ông bình vôi được bày bán tại chợ gốm cổ Bát Tràng
Tục ăn trầu được cho là bắt đầu từ câu chuyện truyền miệng “Trầu- Cau” trong dân gian với tình cảm thắm thiết, gắn bó của anh em nhà Tân- Lang và chàng Tân (người anh) cùng cô gái họ Lưu. Ba người họ đã vì tình vợ chồng vì nghĩa anh em mà hóa thành cây cau, cây trầu, tảng đá. Câu chuyện khiến vua Hùng vương thứ 4 cảm động, chọn là món khai vị với ba món: trầu- cau- vôi nhai quyện vào nhau dùng trong các cuộc cưới hỏi.
Còn chiếc bình vôi được ra đời sau đó để phục vụ cho tục ăn trầu nhưng ra đời từ năm bao nhiêu thì chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn.
Tuy nhiên, vì sao từ chiếc bình vôi lại trở thành ông bình vôi lại là một câu chuyện khác và câu chuyện này được tương truyền cũng không rõ bắt nguồn từ đâu.
Ông bình vôi Bát Tràng với thiết kế trang trí là họa tiết dây trầu và những quả cau đáng yêu
Với chiếc bình vôi, mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc lại có một câu chuyện sự tích khác nhau nhưng với vùng đồng bằng bắc bộ, chiếc bình vôi vô tri vô giác khi gắn bó với mỗi gia đình, mang đến nhiều tác dụng, được truyền tụng từ đời này truyền sang đời kia đã trở thành một vật dụng thiêng liêng và đến một ngày vật dụng thiêng liêng đó được nhân cách hóa rồi thần thánh hóa trở thành “ông”- “ông bình vôi” chứ không còn là chiếc bình vôi nữa. Vôi được nung từ tảng đá (được cho là tảng đá xuất phát từ câu chuyện trầu cau) để tảng đá đó trong nhiệt độ cao phải trở thành một chất có màu trắng, khi cho nước vào thì viên đá nung thành trắng xóa đó nở bung ra, sôi sùng sục và thành một chất gắn kết mềm, xốp màu trắng, người ta gọi đó là vôi tỏa. Vôi tỏa sẽ được lấy vào bát, vào hộp hay vào bất kỳ đồ dùng nào đó, có khi là chiếc lá để mang vào phết một ít vào lá trầu, cuộn lá trầu lại rồi lấy quả cau bổ miếng nhỏ ra, ăn trầu và cau, có nơi thêm một lát vỏ cây vỏ nữa.
Ông bình vôi Bát Tràng cũng với thiết kế quả cau là trầu nhưng ở đây miệng bình lại được trang trí hoa văn kiểu khác
Sau này có chiếc bình vôi thì mọi người cho chất vôi tỏa này vào chiếc bình được thiết kế riêng cho việc dựng vôi gọi là chiếc bình vôi. Rồi dần dần chiếc bình vôi được gọi là Ông bình vôi.
Việc có nơi thờ cúng ông bình vôi hay dùng ông bình vôi để hút tài lộc thực hư ra sao chưa có tài liệu nào nghiên cứu sâu nhưng theo dân gian và theo văn hóa truyền miệng thì ông bình vôi được coi là một vị thần tại gia như ông đồ rau có khả năng trừ tà, trừ gió độc và trông coi tài lộc cho gia đình.
Khi xưa, chưa có son môi phổ biến như bây giờ, những gia đình có trẻ em mới sinh ở các vùng đồng bằng bắc bộ khi đi đâu xa người ta sẽ bôi nhọ nồi ở đáy xoong hoặc thường lấy một chút vôi từ ông bình vôi bôi vào trán hoặc gan bàn chân như thể dùng để đánh dấu. Đàn ông bị say rượu bí tỉ, rơi vào trạng thái nói nhiều hay bị nôn người ta lấy một chút vôi từ ông bình vôi bôi vào gan bàn chân, gan bàn tay. Nếu đất nhà ai hỗn hoặc nhà nào mới xây người ta lấy vôi từ ông bình vôi vẽ một chiếc cung tên đang ở tư thế dang rộng, sẵn sàng bắn hướng từ trong ra ngoài để trừ tà.
Ông bình vôi được thiết kế đẹp và bày bán tai Chợ gốm cổ làng Bát Tràng
iVới quan niệm thời xa xưa, khi chúng ta chưa có điện sáng khắp nơi như ngày nay, những vùng nông thôn sau chiến tranh lúc nào cũng bao phủ bởi nỗi lo sợ về những hồn ma thác oan luôn hiện hình vật vờ, không siêu thoát người ta cũng dùng vôi từ ông bình vôi để bôi vào trán khi đi ra ngoài như một cách để cho yên tâm thay vì có một lá bùa hộ mệnh. Có ai đó chưa đủ yên tâm còn xách theo cả ông bình vôi như thể có người bảo hộ bên cạnh.
Nếu ông đồ rau cai quản về mặt bếp núc, đồ ăn giống đựng và quán xuyến việc ứng xử trong gia đình; ông thần tài ban cho tài lộc thì ông bình vôi sẽ trông coi nguồn tài lộc và giúp cho gia đình được bình yên. Đây có thể là lý do khiến nhiều nơi không dám đập bỏ ông bình vôi mà phải mang ra cây đa đầu làng để, sau đó thờ cúng chung với những ông bình vôi của gia đình khác sau thời gian dài dùng bị vôi đóng bánh lại.
Thương Kiều