Ông bình vôi Bát Tràng: xoay quanh họa tiết trái cau

Thứ Hai, Ngày 28 Tháng 01 Năm 2019 7:47:40 PM | 1363

Bên cạnh câu chuyện “Trầu cau” và trái cau là một phần làm nên miếng trầu vôi thì trong thơ ca và đời sống quả cau còn là “thầy thuốc” chữa bách bệnh, đặc biệt là căn bệnh… yêu…

 

Khi sang thăm quan Bát Tràng chúng ta bắt gặp rất nhiều ông bình vôi được bày bán trên các kệ hàng, trong đó, phần lớn ông bình vôi được trang trí bằng họa tiết trái cau đắp nổi. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về hình ảnh trái cau và ý nghĩa của trái cau được chọn làm họa tiết trên ông bình vôi Bát Tràng.

 

Ông bình vôi Bát Tràng và họa tiết quả cau màu lam trang trí

 

Trái cau- “mồi thính” cho tình yêu

 

Xưa kia, khi dân ta còn dùng miếng trầu để làm “đầu câu chuyện” thì trai gái gặp gỡ, bày tỏ tình cảm thường lấy miếng trầu- trái cau như cái cớ để thổ lộ tơ lòng. Chàng trai muốn thể hiện sự quan tâm nhiều hơn tới cô gái qua việc thể hiện sự tôn trọng tới bố mẹ cô để lấy bề cho việc đi lại lần sau đã mượn buồng cau làm “mồi” thả “thính”: “Em về anh gởi buồng cau/ Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy”.

 

Còn cô gái, khi bụng đã ưng, muốn hẹn ước với người mình yêu để thêm thời gian thử thách đã mượn quả cau làm “đòn bẩy”: “Anh về cuốc đất trồng cau/ Cho em vun ké dây trầu một bên/ Chừng nào trầu nọ bén lên/ Cau kia bén trái lập nên cửa nhà”.

 

Ông bình vôi Bát Tràng men rạn giả cổ và trái cau, một loại quả có thể chữa được bách bệnh

 

Khi hai người đã nên vợ nên chồng, lúc đầu gối tay ấp, thay cho lời yêu thương, nàng mới khẽ khàng mượn miếng trầu- quả cau bày tỏ: “Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng/ Cau khô ăn với trầu vàng xứng không?”.

 

Cho tới cả khi giận hờn nhau, họ cũng không lời nặng tiếng nhẹ mà mượn quả cau để trút nỗi niềm: “Thương nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười/ Yêu nhau trầu vỏ cũng say/ Ghét nhau cau đậu đầu khay chẳng màng”.

 

Trái cau- “thầy thuốc” chữa bách bệnh kiêm trừ tà, trừ ô uế

 

Trong dân gian thường truyền tụng câu chuyện về việc trừ tà của miếng trầu, đặc biệt là bà con hay dùng vôi để trừ tà ma. Nhưng cũng có nhiều nơi cho rằng, không chỉ vôi trong miếng trầu mới trừ tà mà cả quả cau cũng được coi là có khả năng trừ tà, trừ uế khí như hôi miệng hay các bệnh về răng miệng. Người ta còn cho rằng khi ăn trầu vôi và cau còn có thể tránh những việc đen đủi (người xưa gọi là “ô”- “ô” tức là “đen”). Ví như có câu chuyện chép rằng: Sứ ta gặp Chu Vương (thế kỷ VI trước công nguyên) Chu Vương hỏi về tục ăn trầu của dân ta, sứ ta mới trả lời: “Dân chúng tôi ăn trầu để tránh ô trừ uế”.

 

Ít ai biết, ở một số nước quả cau dùng làm họa tiết trang trí cho ông bình vôi cũng được coi là bùa chữa bệnh

 

Trong dân gian bà con cũng thường dùng quả cau để chữa bệnh kiết lị, đầy bụng, sốt rét, hen suyễn. Trên thế giới Ấn Độ dùng để tẩy giun, có nước dùng hoa cau, quả cau như bùa chữa bệnh…

 

(Hình ảnh được thực hiện tại chợ gốm làng cổ Bát Tràng)

 

Bá Diện (sưu tầm và thực hiện)

Tags: trầu cau thơ văn dân gian thuốc quả cau gốm sứ Bát Tràng

Các bài viết khác