Ấm chén Bát Tràng: Công đoạn chính của quy trình SX

Chủ nhật, Ngày 18 Tháng 11 Năm 2018 4:30:53 PM | 856

Đến với làng cổ Bát Tràng du khách sẽ thấy rất nhiều mẫu mã ấm chén gốm sứ nhưng ít ai biết quá trình sản xuất để cho ra lò một bộ sản phẩm thế nào…

 

Khi tới Bát Tràng  du khách sẽ được thỏa mãn sự hiếu kì nếu muốn tìm hiểu các công đoạn từ khâu làm đất tới khâu đổ khuôn và làm men, cho tới khi cho sản phẩm vào lò nung để ra một mẻ hàng ấm chén. Vậy cụ thể các công đoạn này như thế nào? Chúng ta cùng khám phá qua bài viết này.

 

Bộ ấm thành phẩm này đã phải trải qua rất nhiều công đoạn và không chỉ cần tới kĩ thuật mà còn cả kinh nghiệm của những người thợ thủ công Bát Tràng

 

Để có được một chiếc ấm thành phẩm thì phải qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn tỉ mẩn với rất nhiều bí kíp mà mỗi gia đình, mỗi người thợ, theo kinh nghiệm khi làm từng mẻ sản phẩm mà điều chỉnh, rất khó để tổng kết thành bài bản vì đặc thù của công việc tại làng cổ Bát Tràng là làm hàng thủ công mỹ nghệ.

 

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra những khâu chính của quy trình sản xuất để những ai quan tâm có cái nhìn tổng quát và xuyên suốt.

 

Phải qua rất nhiều khâu, trong đó có những khâu chính như trong bài viết, những cục đất sét mới thành hình và biến thân thành những bộ ấm chén đẹp với nhiều kiểu dáng, mẫu mã như trong ảnh

 

Khâu trộn đất- làm hồ: Ở khâu này, theo chị Tâm, một người thợ lành nghề, đang làm việc tại xưởng gốm Lực Hương, chị đã bắt đầu công việc tại Bát Tràng từ khi còn là cô bé con quấn chân các bà các chị để học lỏm công việc cho tới nay chị đã là một người thợ hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết thì:

 

“Khi làm đất và trộn hồ, phải tùy vào việc trộn hồ bằng chất đất nào và làm ấm gì để có nồng độ pha và trộn cho phù hợp. Ví như làm ấm Tử Sa thì khâu trộn hồ phải kĩ càng, trộn đi trộn lại với công cụ chuyên dụng để ngay cả khi không tráng men ấm vẫn giữ được nhiệt và hơi nước nóng không thấm qua thành ấm; còn khi làm ấm tráng men thì khâu trộn hồ không cần kỹ càng, lâu công như vậy”.

 

Sau khi đã có được hồ- tức là một dung dịch được trộn từ đất sét đã qua sử lý và nước theo ước lượng đã có sẵn thì tới khâu đổ khuôn sản phẩm.

 

Đây là bộ ấm chén Bát Tràng được các thợ thủ công làng nghề vẽ tay các họa tiết trang trí

 

Đổ khuôn: Ở khâu này, theo chị Nguyễn Thị Sợi, một thợ lâu năm của làng nghề thì việc đổ khuôn tưởng đơn giản nhưng rất quan trọng, phải tùy vào kinh nghiệm mà chỉ những người thợ giỏi mới cảm nhận được chứ không thể diễn tả bằng lời nhưng cũng với lượng pha trộn hồ như vậy song có hôm hồ lại đặc, có hôm hồ lại loảng hơn một chút nên người thợ đổ hồ phải cảm nhận được qua độ hút của hồ khi đổ khuôn: nếu đặc thì để nhanh là hồ loảng thì để lâu và sau đó đổ lượng hồ thừa ra, cũng bằng kinh nghiệm để biết khi nào sản phẩm róc nước và ráo khuôn để nhấc ra.

 

Tiện “hàng”: Ở khâu này, với những ai học việc sẽ là khó nhất vì khi này “hàng” ấm chuyên còn là đất non, vừa lấy ra khỏi khuôn, chỉ cần không khéo là móp “hàng” hoặc tiện lẹm là bỏ ngay sản phẩm đi. Nên người thợ phải đặt sản phẩm thật cân bằng và tiện cho tròn, đẹp và vừa vặn.

 

Những sản phẩm sau khi đã được tiện, phơi khô và qua công đoạn chuốt sạch

 

Phơi khô sản phẩm: Nếu “mẻ hàng” nào phải giao ngay thì người ta sẽ cho sản phẩm vào lò sấy và có thể lấy ra ngay trong ngày để kịp tiến độ, còn nếu bình thường thì người ta để sản phẩm khô tự nhiên, có thể bật quạt hoặc hong ngoài nắng chừng 2- 3 ngày tùy vào nhiệt độ và thời tiết tự nhiên.

 

Chuốt hàng: Khi phơi khô sản phẩm rồi sẽ phải mang sản phẩm ra để chuốt lại bằng giẻ mềm và nước cho sạch sẽ, không còn lợn khợn gì.

 

Những người thợ đồng thời là công nhân của làng nghề đang ngồi miệt mài lau rửa cho sạch những bụi bẩn dính vào sản phẩm. Khâu này được gọi là "chuốt sản phẩm"

 

Sấy khô: Khi chuốt hàng sạch đẹp rồi người ta lại phải cho vào sấy cho khô sản phẩm.

 

Làm men: Phải sấy khô sản phẩm thì mới bắt đầu làm men được. Và tùy vào yêu cầu hay ý tưởng sản xuất mà người ta sẽ làm men cho phù hợp: có thể là vẽ họa tiết hoa văn bằng tay hay dán hoa văn có sẵn lên sản phẩm.

 

Nung sản phẩm: Ở khâu này sẽ tùy vào sản phẩm được làm từ chất liệu gì để điều chỉnh nhiệt độ nung: nếu là đất đỏ thì nung ít thời gian hơn, đất Tử Sa thì đun kĩ hơn, chậm hơn… tất cả những kĩ thuật nung ở khâu này tùy thuộc phần lớn vào kinh nghiệm của mỗi nghệ nhân, chủ lò nên không thể đưa ra một công thức chung được. Với những chất đất chưa khử thì nhiệt độ phải cao, hơn 1.200 độ..

  • Thục Nhi (thực hiện)

Các bài viết khác