Trần Lưu và những lớp học trò nghệ nhân Bát Tràng

Thứ Hai, Ngày 24 Tháng 12 Năm 2018 10:42:42 AM | 1231

Thật bất ngờ khi biết cô giáo dạy vẽ duy nhất của Bát Tràng hiện nay, cô Trần Lưu, lại là người Hải Phòng. Và ở tuổi 48 chị đã đào tạo ra rất nhiều nghệ nhân cho làng nghề.

 

Sinh năm 1970 tại Hải Phòng và có mặt tại Bát Tràng năm 19 tuổi rồi ở lại mảnh đất có làng nghề truyền thống lâu đời này từ đó tới nay chị Trần Lưu đã có 20 năm dạy nghề vẽ và đào tạo ra những lớp nghệ nhân cho làng.

 

Nghệ nhân Trần Lưu, người dạy vẽ duy nhất tại Bát Tràng hiện nay và chị đã đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ nhân trẻ cho làng nghề

 

Gặp chị vào bữa cơm trưa của gia đình, chị niềm nở mời chúng tôi dùng bữa. Nhà chị chỉ có hai mẹ con nhưng nồi cơm bữa nào cũng thật đầy và thức ăn đủ cho cả chục người với những món ăn dân giã nhưng đậm đà hương vị quê hương: cá kho, thịt kho, dưa muối, lòng lợn.

 

Chị vui vẻ nói: “Vì cứ nấu lên là bữa nào cũng có khách, học trò cũ, học trò mới, bạn bè ai tiện thì ngồi ăn một bát cho vui”. Ngồi ăn cùng chúng tôi còn có hai người học trò ở thế hệ trước tiện đường ghé vào thăm cô. Như vậy cũng đủ thấy không khí thân gần, ấm áp và xum vầy giữa thầy và trò của gia đình cô. Đây cũng là nét văn hóa vẫn còn lưu giữ được ở các làng quê Việt Nam đồng bằng bắc bộ từ xưa tới nay.

 

Chú mèo trắng xinh xắn đã gắn bó với chị bao năm nay, luôn cuộn tròn bên cô chủ khi cô làm việc hoặc lúc ăn cơm

 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Lưu cho biết: “17 tuổi tôi học vẽ ở nhà thày Hải đồ cổ, một người buôn đồ cổ nổi tiếng tại Hải Phòng và làm việc cho thày. Năm 1989 thày có việc lên Bát Tràng, tôi theo xe lên đây và ở lại Bát Tràng từ đó. Tôi bắt tay vào nhận học trò và dạy vẽ từ ngày ấy tới bây giờ”.

 

Với công lao đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ nhân trẻ cho làng, chị Trần Lưu sẽ được phong nghệ nhân vào dịp tới nhưng chị cho biết việc được phong tặng chỉ là niềm vui nho nhỏ bởi quan trọng nhất với chị và với đời sống tại làng nghề là mình dạy thế nào và có được mọi người ghi nhận, đánh giá đúng năng lực hay không, còn danh hiệu chỉ là một cách công nhận về mặt nào đó mang tính hình thức thôi.

 

Lớp học trò mới trong giờ cơm trưa tại gia đình nghệ nhân Trần Lưu

 

Đây chính là điều mà không chỉ với chị Trần Lưu mà với rất nhiều các nghệ nhân khác cũng có cùng suy nghĩ.

 

Chia sẻ với chúng tôi thêm về điều này chị cho biết: “Chúng tôi băn khoăn và mang ra bàn luận rất nhiều về danh hiệu nghệ nhân. Bởi nghệ nhân có phải thuần túy chỉ là về nghề nghiệp, tay nghề hay còn ở những mặt khác nữa. Ví như có người chuyên làm nhà lò: các khâu đều là có người phụ trách: đổ rót có nhân viên, tiện chùi có nhân viên, vẽ có thợ vẽ, nung có người nung rồi mang sản phẩm đi triển lãm và được phong nghệ nhân”.

 

Những nét họa đầu tiên của lớp học trò mới

 

Sau những trăn trở quay trở lại với những đam mê chị Trần Lưu say sưa cho biết: “Tới đây chị sẽ lên ý tưởng cho một tác phẩm dự triển lãm kỉ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Bát Tràng. Chị sẽ làm một bức tranh đĩa thật lớn với cảnh nền là đầm sen, đại diện cho làng sen quê bác và hoa sen cũng là loài hoa được xem là quốc hoa. Trong khung số 60 chị sẽ vẽ những ước muốn của Bác gửi gắm vào làng khi người tới đây thăm: chiếc lò vuông biểu tượng cho sự phát triển của nghề, những em nhỏ nô đùa, các bà các chị gánh gồng…”

 

Thương Kiều

Tags: nghệ nhân Bát Tràng dạy vẽ đào tạo nghệ nhân

Các bài viết khác