Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa và bộ Tam Đỉnh độc đáo

Thứ Tư, Ngày 13 Tháng 09 Năm 2017 6:17:17 PM | 1425

Được trưng bày trang trọng trong gian hàng của gia đình ngay cạnh con đường trục chính ở đầu làng nghề Bát Tràng bộ Tam đỉnh- công trình gốm độc đáo kỉ niệm ngàn năm Thăng Long của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa khiến ai chiêm ngưỡng cũng phải thán phục bởi tài nghệ của các nghệ nhân làng nghề.

 

Tên gọi đầy đủ của công trình gốm sứ được thực hiện suốt 3 năm dòng của Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa nhằm kỉ niệm thủ đô ngàn năm văn hiến là: “Thăng Long Tam Đỉnh Vĩnh Truyền”.

 

Đây là bộ tác phẩm đặc biệt được nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa dày công thực hiện với mong mỏi góp sức nhỏ bé của mình vào ngày lễ lớn của dân tộc, đồng thời anh gửi gắm vào đó lời chúc tốt lành về thủ đô ngàn năm văn hiến được công nhận là thủ đô vì Hòa Bình cùng sự phát triển phồn vinh của dân tộc trong sự hội nhập chung với thế giới.

 

 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa bên một trong bộ ba Tam đỉnh độc đáo- một công trình được anh dày công thực hiện để kỉ niệm một ngàn năm Thăng Long

 

 

Thông điệp từ bộ Tam Đỉnh đạt kỷ lục về kích cỡ

 

Từ năm 2001, trong một lần thăm quan thành nội Huế, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa đã được chiêm ngưỡng bộ cửu đỉnh bằng đồng và anh khát khao được thực hiện một bộ cửu đỉnh bằng gốm. Cơ hội hiếm hoi xuất hiện thôi thúc khát khao cất giữ bấy lâu trong lòng người con của làng gốm khi Nhà nước phát động các làng nghề trong nước cùng đóng góp các công trình để kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.

 

Vốn sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm gốm sứ, anh Hoa đã đề xuất ý tưởng và lên kế hoạch thực hiện bộ đỉnh đặc biệt nhân dịp này. Vì điều kiện kinh tế và thời gian không cho phép anh Hoa và gia đình chỉ thực hiện được bộ Tam đỉnh bằng gốm thay vì thực hiện bộ cửu đỉnh như anh Hoa ước mong. Đây là bộ đỉnh độc đáo chưa từng có ai thực hiện được với kích cỡ lớn như anh Hoa đề xuất nên ngay từ đầu bộ đỉnh đã được quan tâm đặc biệt và được đưa vào nhiều cuộc hội thảo lớn.

 

 

Một trong bộ ba tam đỉnh được trưng bày tại khu trưng bày sản phẩm của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa tại làng nghề Bát Tràng

 

 

Bộ Ba Tam Đỉnh này đã được trưng bày tại nhiều triển lãm trong nước, tiêu biểu là triển lãm tại Hoàng Thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu) vào mùa xuân năm 2010 với thông điệp về niềm tự hào dân tộc, niềm tin, tình yêu và khát vọng với một thủ đô Anh Hùng- vì Hòa Bình và phồn thịnh.

 

Tại triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ vào năm 2012 bộ đỉnh này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của báo giới và truyền thông. Hiện nay, bộ ba đỉnh này đang được trưng bày tại làng nghề Bát Tràng.

 

Bộ “Thăng Long Tam Đỉnh Vĩnh Truyền” gồm 3 đỉnh cỡ lớn (mỗi đỉnh cao 1,72m đường kính 1,12m tượng) tượng trưng cho Trời- Đất- Con Người bởi theo triết lý mỹ học Phương Đông thì Thiên (Trời)- Địa (Đất)- Nhân (Con Người) là ba điều lớn nhất trong vũ trụ- đây còn gọi là Tam Tài. Đồng thời, bộ ba Đỉnh này còn có một ý nghĩa song hành khác đó là tôn vinh Tam Thế: Quá khứ- Hiện tại và Tương lai.

 

Linh vật trấn quỷ và những bức họa vô giá trên màu men truyền thống

 

Đỉnh trong tâm thức và tín ngưỡng của người dân Việt Nam thì đó là vật thiêng tối linh, trân quý hàng đầu dùng vào việc thờ cúng thần linh, tổ tiên và những người có công với đất nước.

 

Bộ ba Tam đỉnh của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa được chính ông lên ý tưởng, đề xuất và thực hiện không chỉ đạt kỉ lục về kích cỡ khổng lồ trong loại hình gốm sứ ở Việt Nam nói riêng tại thời điểm này mà nó còn gây ấn tượng mạnh bởi chất liệu và nghệ thuật chế tác. Bộ ba tác phẩm được thực hiện bằng chất liệu đất nung, gốm nặng lửa, men rạn và hạt tấm màu Tam Thái.

 

 

Tác phẩm đầu tiên với tên gọi Bình minh sử mới (nhìn nghiêng) khi được đắp nổi trọn vẹn Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ

 

Mỗi chiếc đỉnh có một tên gọi và mang thông điệp riêng: Chiếc đỉnh thứ nhất được gọi là Bình minh sử mới: Toàn bộ mặt trước và mặt sau đắp nổi trọn vẹn tác phẩm Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) gồm 217 chữ Hán. Đây là văn bản quan trọng nhất nói về việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để tạo ra một vương triều hiển hách tồn tại 215 năm, làm vẻ vang non sông đất nước với những kì tích rạng ngời.

 

Chiếc đỉnh thứ hai có tên gọi Tráng ca Thăng Long với hai mặt thân đỉnh chạm khắc trận thủy chiến Đông Bộ Đầu- trận quyết chiến chiến lược trên sông Hồng do vua Trần Thái Tông chỉ huy vào thế kỉ XIII; mặt sau thân đỉnh khắc họa cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không của quân dân thủ đô suốt 12 ngày đêm làm trấn động thế giới.

 

 

Tác phẩm có tên gọi Tráng ca Thăng Long với mặt sau khắc họa trận chiến Điện Biên Phủ trên không

 

Chiếc đỉnh số ba có tên gọi Trong dáng rồng bay với mặt trước khắc họa hình ảnh vua Lý Thái Tổ trả gương cho thần Kim Quy trên hồ Hoàn Kiếm; mặt sau khắc họa hình ảnh Khuê Văn Các của Văn Miếu- Quốc Tử Giám với câu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung được thể hiện theo dáng rồng bay lên trời xanh trong sắc thắm của hoa đào Nhật Tân.

 

 

Tác phẩm thứ ba với tên gọi Trong dáng rồng bay, với mặt trước khắc họa cảnh vua Lý Thái Tổ trao trả gươm thần cho thần Kim Quy khi đất nước đã dành được thắng lợi thể hiện tinh thần của vua tôi nước Việt tự ngàn đời luôn coi trọng Hòa Bình

 

 

Chia sẻ về bộ đỉnh quý, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa cho biết: “Được thực hiện bộ ba đỉnh này góp phần vào Đại lễ kỉ niệm một ngàn năm Thăng Long- Hà Nội là cơ hội quý giá cho mỗi công dân Việt Nam nói chung và với bản thân tôi nói riêng. Qua đây, cá nhân tôi nói riêng và mỗi người thợ gốm của Bát Tràng nói chung được bày tỏ niềm tự hào về văn hóa dân tộc, sự tri ân đối với cội nguồn và thủ đô Hà Nội thông qua công việc của mình.

 

Thục Nhi


Các bài viết khác