Thôn nữ đẹp tựa tiên nga trong tác phẩm gốm sứ Bát Tràng

Thứ Hai, Ngày 22 Tháng 04 Năm 2019 3:54:24 PM | 1270

Từ cô bé bắt cua chân lấm tay bùn tới những thiếu nữ yếm thắm lụa đào làm duyên bên hoa sen hay cô gái mơ màng bên cánh võng… tất cả là những hình ảnh nên thơ, mô phỏng lại nét đẹp đẽ, trong trẻo nơi làng quê Việt Nam. Chúng ta cùng ngắm một vài tác phẩm gốm sứ về đề tài thôn nữ đẹp tựa tiên nga được các nghệ nhân Bát Tràng thực hiện.

 

Người phụ nữ nơi làng quê thôn dã nói chung hay các cô thôn nữ nói riêng là mảng đề tài được đề cập tới nhiều trong văn học cả dân gian lẫn hiện đại và các nghệ nhân Bát Tràng, với tâm hồn đẹp đẽ và bàn tay tài hoa cũng không nằm ngoài những rung động về cái đẹp từ nơi đã sinh thành, dưỡng dục nên mình. Bởi vậy, rất nhiều các tác phẩm gốm sứ về đề tài này đã được ra đời.

 

Những tác phẩm tượng gốm sứ Bát Tràng về đề tài cô gái bắt cua, mò cá tạo cảm xúc thú vị cho người xem bởi sự hồn nhiên chân chất của những cô bé con mới lớn nơi làng quê mải mê làm lụng

 

Bên cạnh những tác phẩm tranh gốm với nét phác họa thôn nữ hay những bức tranh vẽ trên bình, trên lọ thì còn có những bức tượng về đề tài này như thôn nữ xay gạo, thôn nữ bắt cua, thôn nữ đi úp cá…

 

Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi giới thiệu tới bạn những bức họa về những cô thôn nữ xinh đẹp với những thiếu nữ yếm thắm lụa đào váy nái, khăn mỏ quạ đẹp như nụ hoa hàm tiếu làm duyên bên hoa sen.

 

Bức tranh gốm sứ thôn nữ bên hoa sen mang tới cảm xúc thi vị và đậm đà hương đồng gió nội

 

Ở bức tranh khác, với màu vàng rơm làm chủ đạo, cô thôn nữ dịu dàng áo cánh, váy nái, chít khăn đung đưa bên cánh võng, thiu thiu mơ màng dưới vòm cau ngan ngát hương hoa, giàn mướp đang mùa trổ quả, những bụi hoa nhỏ xinh, chiếc nón lá duyên dáng dưới nắng ban ngày.

 

Thú vị hơn là những bức tượng gốm sứ về thôn nữ bắt cua, mò cá. Bức tượng miêu tả hoạt động quen thuộc nơi làng quê thôn dã nhưng với nét tinh nghịch, hồn nhiên và trong sáng tới phì cười. Cô bé con chắc chớm tuổi trăng, mò cua bắt cá một mình chốn đồng không mông quạnh, vắng người qua lại mải mê tới nỗi… tụt cả váy, trễ hết quá mông mà cũng không hề để ý.

 

Cảnh sắc làng quê xưa với những sinh hoạt đời sống đã đi vào kí ức của mỗi người con Việt Nam với cô bé láng giềng mò cua bắt cá, với chị hàng xóm xay lúa giã gạo, với con cò, con vạc đều được các nghệ nhân Bát Tràng tái hiện lại sinh động và dễ thương

 

Nếu thoáng nhìn qua ai không hiểu cho là… mất lịch sự. Nhưng những ai hiểu hay từng có những tháng ngày sống nơi làng quê thôn dã sẽ cảm nhận hết được nét đáng yêu và thương mến hơn những khoảnh khắc chăm chỉ, cần mẫn của những người dân quê lam lũ, của những người con chân lấm tay bùn. Vẻ đẹp toát lên không phải ở nơi hở da hở thịt, sự cuốn hút không nằm ở chỗ gây sốc vì “sếch” mà ở nét hồn nhiên chân thật của đời sống.

 

Bức vẽ thôn nữ nằm võng mơ màng với màu vàng chủ đạo làm những ai ngắm nhìn cũng xốn xang với cảnh làng quê yêu dấu, với nét thanh bình và khoảnh khắc nên thơ

 

Những bức tranh gốm sứ về đề tài thôn nữ chúng ta treo ở không gian nào cũng hợp, từ nhà phố, nhà ống, biệt thự hay nhà vườn. Còn với bức tượng cô gái bắt cua chúng ta dành cho những không gian trẻ trung, cách điệu từ trang trí sân vườn, tiểu cảnh tới phòng làm việc hay phòng khách dù bức tượng này được sản xuất nhằm vào danh mục trang trí hòn non bộ.

 

Các bạn cùng chúng tôi ngắm nhìn những tác phẩm gốm sứ về đề tài thôn nữ và lựa chọn cho mình những tác phẩm phù hợp nhé!

 

Tượng cô thiếu nữ thôn quê mò cua bắt cá thường được bài trí cho hòn non bộ. Nhưng bạn cũng có thể tách ra, bài trí trong không gian hiện đại với sân vườn, tiểu cảnh hoặc phòng ốc mang phong cách hiện đại và phá cách để tạo cảm giác thú vị

 

Các bạn có thể ghé thăm quan làng gốm cổ Bát Tràng hoặc gõ tìm trên mạng internet những địa chỉ gần nhất để chọn những món sản phẩm gốm sứ cần thiết. Những hình ảnh trong bài viết được chúng tôi thực hiện tại chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng. Tới đây bạn sẽ có thêm nhiều sản phẩm ưng ý hơn nữa.

 

Thương Kiều

Tags: gốm sứ làng cổ Bát Tràng chợ gốm sứ thăm quan thôn nữ

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác