Tranh gốm Bát Tràng

Thứ Hai, Ngày 11 Tháng 09 Năm 2017 9:03:30 PM | 1065

Tới Bát Tràng du khách sẽ được ngắm rất nhiều các bức tranh đẹp được làm bằng gốm và sứ.  Những bức tranh này được nung qua lửa ở nhiệt độ cao nên được các chủ hàng cam đoan dù treo ngoài trời, mặc cho thời tiết thế nào, mưa- nắng- gió rét ra sao cũng không hề bạc màu, mối mọt với thời gian…

Cũng là một trong những dòng tranh được ra đời từ các làng nghề truyền thống tại Việt Nam xong tranh làng Bát Tràng khác với các dòng tranh khác là nó được làm trên chất liệu gốm sứ; và nếu các dòng tranh khác cực kì… “kị” lửa thì tranh làng Bát Tràng lại được nung trong lò với nhiệt độ lên tới hơn một ngàn độ.

 

 

Bức tranh gốm thôn nữ và hoa sen này được nung trong nhiệt độ một ngàn một độ nên có độ bền cao, mang màu đất nung đặc trưng của làng nghề truyền thống Bát Tràng

 

Với chủ đề phong phú, kích cỡ đa dạng, màu sắc độc đáo, cả tranh gốm và sứ đều có thể họa những bức tranh sơn thủy đẹp, những đề tài truyền thống như: tùng- cúc- trúc- mai; xuân- hạ- thu- đông; cá chép trông trăng… hay những bức vẽ về ba sáu phố phường Hà Nội, những bức tranh yên bình về làng quê Việt Nam, hay những bức vẽ về con người, cảnh vật trong đời sống như: các thiếu nữ áo yếm bên chum nước, những chú tiểu đồng con con bên lợn, bên gà hay các bà, các chị tất tả quang gánh chợ búa, cấy cầy, bác nông dân vác cày đi ra ruộng…

 

Có hai loại tranh được sản xuất và trưng bày tại đây: đó là tranh gốm và tranh sứ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ qua để biết và phân biệt về hai thể loại tranh này.

 

Tranh gốm: Những tác phẩm đậm màu đất nung

 

Nếu như tranh sứ có nhiều màu sắc đa dạng và bắt mắt thì tranh gốm lại thường có màu nâu đỏ, màu của đất sét nung ở nhiệt độ cao. Những bức tranh gốm mang đặc trưng làng nghề, đậm màu hồn cốt truyền thống xong mộc mạc và không có nhiều lựa chọn như với tranh sứ. Với tranh gốm các nghệ nhân làng nghề có thể đắp nổi những bức phù điêu lớn theo đặt hàng, có độ dày hơn một phân, đắp nguyên cả khổ, khi hoàn thiện thì lựa cắt từng phần cho tinh tế.

 

 

Đây là bức tranh gốm khổ lớn đắp nổi về phong cảnh làng quê Việt Nam được trưng bày tại gian trưng bày của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa

 

 

Với những bức tranh có khổ nhỏ các nghệ nhân làng nghề sẽ đắp theo yêu cầu của khách đặt hàng hoặc sẽ sản xuất hàng loạt theo chủ đề về tranh dân gian như: cây đa, giếng nước, ao làng, cánh đồng… về quang cảnh nhà nông hay theo các bức vẽ từ tranh Đông Hồ, tranh cổ… Theo các nghệ nhân và thợ tại làng nghề cho biết thì những bức tranh gốm được nung ở nhiệt độ một ngàn tới một ngàn mốt độ nên có độ bền rất cao và không hề lo “mối mọt” hay hỏng hóc với thời gian, chỉ tránh việc làm rơi vỡ. Tuy nhiên so với tranh sứ, tranh gốm lại có tính ứng dụng không cao.

 

 

Bức tranh gốm về hoa Ly mang đặc trưng màu nền là màu nâu đỏ của đất nung

 

 

Tranh sứ: đánh dấu sự tìm tòi và bước ngoặt mới của làng nghề

 

Nếu tranh gốm là một “đặc sản” riêng độc đáo của làng nghề Bát Tràng thì tranh sứ lại đánh dấu một bước tìm tòi mới trong quá trình phát triển và làm nghề của những người thợ tại đây.

 

Tranh sứ có sự đặc sắc của chất đất truyền thống và khoác lên mình màu men mang tính thời đại. Nếu như khi xưa, bắt đầu giai đoạn mở màn của tranh sứ, những người thợ nơi đây “chế tạo” ra men từ trấu thì giờ đây màu men đã đa dạng hơn bởi có sự giúp sức của công nghệ và sự vào cuộc của các chất hóa học.

 

 

Một bức tranh sứ đẹp về cặp tranh cá chép được bày bán trong một gian hàng tại làng nghề Bát Tràng

 

Với những bức tranh sứ, những người thợ tài hoa của làng nghề có thể thổi hồn vào các nét vẽ bay bướm và tạo ra những màu sắc đẹp, độc, lạ hay theo trào lưu chung của sắc màu tranh đương thời.

 

Nếu tranh gốm được nung ở nhiệt độ một ngàn tới một ngàn mốt độ thì tranh sứ phải nung trong nhiệt độ từ một ngàn hai trăm độ trở lên. Bởi vậy, khi tới Bát Tràng, du khách sẽ được chủ hàng tư vấn để mua tranh gốm hay tranh sứ cho phù hợp với không gian, tuổi tác và phong cách riêng, tuy nhiên với tranh sứ, các chủ hàng sẽ cam đoan rằng: độ bền của nó sẽ mãi mãi với thời gian.

 

 

Cũng về đề tài thôn nữ và làng quê Việt Nam, bức tranh sứ này đã qua nhiệt độ nung là hơn một ngàn hai trăm độ nên có độ bền mãi mãi với thời gian

 

Sẽ rất hiếm khi khách hàng lo mua phải hàng cong- vênh hay kém chất lượng vì đặc trưng của tranh gốm sứ là nếu hỏng thì hỏng cả mẻ phải bỏ đi, còn được thì khi trưng lên lỗi đâu sẽ thấy ngay; ngay với những bức tranh bị sứt mẻ đường viền do vận chuyển và va chạm, khi lắp trong khung tranh cũng không bị phát hiện, ai kỹ tính mới “soi” cả những lỗi nhỏ này.

 

 

Một bức tranh sứ đẹp về cảnh yên bình của làng quê Việt Nam với con trâu, bến nước, con đò và cô thôn nữ gánh gồng

 

 

Hầu hết những người chơi tranh, muốn chọn một bộ tranh gốm sứ đều có sự hiểu biết nhất định về hội họa, do vậy, cùng với sự tư vấn của chủ hàng và với giá cả được công khai niêm yết trên mạng và có giá chung tại đây, không mấy khi các “thượng đế” phải “rinh” về một bộ tranh kém ưng ý.

 

Một số hình ảnh về tranh gốm sứ được trưng bày tại chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng:

 

 

     

 

 

 

 

 

 

Thục Nhi

 

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác