Hạc thờ gốm sứ Bát Tràng và công đoạn hoàn thiện cuối

Thứ Tư, Ngày 12 Tháng 12 Năm 2018 10:18:07 AM | 1037

Cặp rùa- hạc thờ được coi là món vật phẩm trang trọng trên ban thờ gia tiên, thờ dòng họ hay ở các đình, đền. Hôm nay, chúng ta sẽ ghé thăm khâu hoàn thiện cuối cùng để có được cặp hạc- rùa thờ đẹp uy nghi được bày bán tại làng cổ Bát Tràng nhé!

 

Tới thăm quan làng cổ Bát Tràng, một trong những sản phẩm gốm sứ khiến du khách phải nhìn ngắm mãi không thôi đó chính là những bộ đồ thờ được trưng bày tại đây.

 

Tại các gian trưng bày mẫu, hầu như ban thờ nào cũng có một cặp rùa- hạc uy nghi, lộng lẫy.

 

Nom rất đơn sơ với cát, chậu cũ và lem nhem keo con voi, kìm, búa nhưng đây lại là khâu quan trọng để hoàn thiện cặp thần kim quy- thần điểu để đặt lên ban thờ

 

Có rất nhiều câu chuyện về cặp rùa- hạc được bày trên ban thờ và mỗi câu chuyện lại có một ý nghĩa khác nhau. Song ý nghĩa thuyết phục nhất chính là sự hòa hợp của trời và đất trong các mối tương quan, giao hòa giữa các giá trị quý giá trong sự trường tồn, bền vững.

 

Bởi trong đời sống thực tại, cả rùa và hạc đều là hai con vật sống lâu. Nếu con chim hạc thuộc về bầu trời với đôi cánh khỏe dang rộng và sức bay tốt thì con rùa là loài sống ở mặt đất, có thể đi dưới nước, chậm rãi, vững chắc.

 

Trong văn hóa tâm linh chim hạc là biểu tượng của sự gắn kết và đưa đón các bậc thần linh, là linh thú của trời đất, trong một số nền văn hóa tại các nước Châu Á, chim hạc còn là hiện thân của thánh thần. Với rùa thì tại Việt Nam, câu chuyện thần kim quy hiện ra cho vua Lê mượn gươm báu ở hồ Hoàn Kiếm hay giúp vua xây thành đã trở thành câu chuyện nằm lòng của mỗi người dân từ thuở ấu thơ.

 

Những bác thợ làm đồng mỹ nghệ đang say mê tạo cặp chân cho thần điểu- chim hạc

 

Trong văn hóa dân gian hay trong thơ ca, chim hạc được coi là biểu tượng của các bậc chính nhân quân tử- các bậc anh tài hào kiệt với chí khí thanh cao, sự vươn lên mạnh mẽ, bất diệt. Còn rùa là biểu tượng của sự vững chắc, trường tồn.

 

Ở một số tài liệu còn cho rằng thần rùa- còn gọi là thần kim quy, mà chữ quy còn được hiểu là quay trở lại với hình tượng thần rùa trở thần điểu với các ý nghĩa như trên được đặt trên ban thờ là sự nhắc nhở cháu con hãy luôn luôn phải quay về với các giá trị cao quý, trường tồn, bền vững từ nguồn cội của loài người.

 

Bác thợ cả đang gắn kết thần điểu: chim hạc với thần kim quy: rùa để thành một vật phẩm hoàn thiện

 

Qua các công đoạn vất vả và đôi bàn tay tài nghệ của các nghệ nhân làng Bát Tràng, cặp thần kim quy- thần điểu đã được thành hình và nung ở nhiệt độ cao để món vật phẩm này có thể đạt được ý nghĩa trường tồn bền vững như chính ý nghĩa trong các nền văn hóa về rùa và hạc.

 

Khâu cuối cùng của công đoạn hoàn thành cặp rùa- hạc thờ Bát Tràng lại thuộc về các nghệ nhân làm đồng mỹ nghệ. Tại xưởng làm đồng, các người thợ làm đồng lành nghề đã cắt đồng dây, ghè và uốn cho thẳng để tạo cặp chân hạc và gắn hạc vào mình rùa. Công việc này tưởng đơn giản nhưng lại là công đoạn cuối cùng rất quan trọng để hoàn thiện cặp thần rùa- thần điểu cho ban thờ thêm ý nghĩa- uy nghi- trang trọng.

 

Thương Kiều

Tags: cặp rùa- hạc thờ bát tràng văn hóa tâm linh bộ đồ thờ bát tràng

Các bài viết khác