Nghê sứ Bát Tràng và câu chuyện về “Ông” Nghê

Thứ Năm, Ngày 21 Tháng 02 Năm 2019 10:54:14 AM | 1514

Là linh vật phong thủy mang tính đặc trưng riêng của người Việt Nam, con nghê, một con vật mang tính tưởng tượng của người dân Việt được nhân dân tin yêu gọi là ông Nghê bởi khi trưng bày “ông” ở đâu, người ta tin “ông” sẽ xua đuổi tà ma, ám khí và bảo vệ bình yên cho gia chủ hay khu vực mình bảo vệ…

 

Với những ai bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực phong thủy hay cụ thể là về các linh vật phong thủy thường bị nhầm lẫn giữa Nghê, Lân và Tỳ Hưu. Có lẽ vì ba linh vật này có nét na ná như nhau. Nhưng thực ra ba linh vật này khác nhau ở nhiều điểm cơ bản mà trong đó Lân và Tỳ Hưu có xuất sứ từ Trung Quốc, còn Nghê lại là linh vật được nhân dân Việt Nam “sáng tác” ra.

 

Với thân hình của chú chó nhà thon gọn, nhanh nhẹn nhưng chú Nghê có khuôn mặt của vua sư tử, thêm cặp nanh đầy uy mãnh, chiếc đuôi và chân có khả năng tạo ra lửa thiêng, lông bao quanh tựa mây vờn hào quang tỏa rạng nom thật dũng mãnh và uy nghi

 

Không rõ thời gian ra đời chính xác của ông Nghê nhưng qua nhiều tài liệu, các nhà nghiên cứu đã cho biết từ những năm đầu của thế kỷ 17 đã xuất hiện những ông Nghê gốm sứ mang thương hiệu Bát Tràng được đặt tại các di tích lịch sử, di tích văn hóa.

 

Theo các nhà phong thủy thì ông Nghê được ra đời từ cảm hứng và niềm tin về sức mạnh, sự trung thành và tình cảm gắn bó giữa con người và con chó nhà. Chỉ cách đây hai mươi năm, ở nông thôn, dù giàu hay nghèo nhà nào cũng nuôi chó, nhà thì nuôi một con, nhà nuôi chó mẹ để đẻ ra hết lứa chó con này tới lứa chó con khác, có nhà nuôi hai con, ba con… Có những con chó gắn bó với chủ nhà từ đời này sang đời khác.

 

Nom chú Nghê uy phong là thế nhưng vẫn còn đó những nét phảng phất thân thương của chú chó vện trông nhà trong mỗi gia đình Việt Nam ta

 

Ngoài sự gắn bó về lợi ích như: trông coi của cải, ngăn cản trộm cắp, thông báo bảo vệ gia đình thì con chó còn có một ý nghĩa khác về tâm linh khi người ta tin rằng nó có khả năng chống lại cả tà ma, ác quỷ: ví như người ta kiêng nuôi chó trắng vì ngày xưa người ta tin rằng những linh hồn người chết chưa siêu thoát thường có màu trắng toát và những linh hồn này thường chọn những con chó có màu lông trắng để cưỡi. Hay người ta tin những con chó huyền đề sẽ mang lại tài lộc cho gia chủ, nhất là những con tứ túc huyền đề càng có khả năng mang tới may mắn, điềm lành cho chủ nhân và khôn hơn những con chó khác….

 

Có lẽ vì những câu chuyện như trên mà người ta muốn thổi hồn và tăng thêm “công lực”, sự “siêu phàm” cho chú chó thân thương để chú ta có khả năng cao hơn so với những gì tạo hóa ban tặng để có thể gần gũi và bảo vệ con người tốt hơn. Đây phải chăng là một phần thưởng lớn lao, xứng đáng mà những người dân Việt Nam muốn dành tặng cho con vật nuôi trung thành và đáng yêu của mình?

 

Có rất nhiều kiểu dáng, màu men và kích cỡ cho những chú Nghê phong thủy, vật phẩm thờ cúng trong thế giới gốm sứ Bát Tràng

 

Vì vậy, chú chó nhà được “biến ảo” từ thú cưng trở thành chó thần với thân mình không đổi nhưng lại có khuôn mặt của vua núi rừng là sư tử và cái đuôi có thể tạo ra lửa thiêng (lửa cũng là thứ xua đuổi tà ma, ác quỷ và thú dữ); xung quanh đầu, thân đều có lông xoắn ốc như cái bờm uy nghi nhưng vô cùng huyền hoặc tựa như có mây vờn, hào quang vây ngự…

 

Trong kho tàng văn học dân gian cổ của Việt Nam, với những câu chuyện chủ yếu do tập thể nhân dân sáng tác và truyền miệng, qua mỗi người lại thêm thắt một chút và có rất nhiều dị bản khác nhau thì hình ảnh của “ông” Nghê vô cùng biến ảo và “lợi hại” vì thế “ông” luôn được đặt ở vị trí trên cao ở hai bên trụ của các cửa ngõ để có thể phóng tầm mắt ra xa, chiếu rọi nhãn quang xa gần để biết tường tận người qua kẻ lại, kẻ hay người dở, kẻ xấu người tốt và ngăn chặn từ xa những vấn đề có thể ảnh hưởng tới khu vực “ngài” bảo vệ.

 

Với sắc màu đẹp, họa tiết trang trí tinh tế, những chú Nghê Bát Tràng không chỉ mang tới giá trị bài trí mà còn mang những giá trị tâm linh quý giá cho gia chủ.

 

Khác với sự “kiêng kem” của nhân dân về màu lông của chú chó những chú Nghê lại thường có màu trắng như thể màu này tượng trưng cho sự thanh sạch, cao quý với nhiều chất liệu khác nhau mà chủ yếu chúng ta vẫn thấy tại các đình đền là hình ảnh của cặp Nghê bằng đá trắng.

 

Còn đến với những cặp Nghê gốm sứ Bát Tràng, chúng ta sẽ thấy rất nhiều những chú Nghê có màu sắc khác nhau mà trong đó những cặp Nghê được làm với men rạn giả cổ, men xanh, men ngà với tạo hình tinh tế, họa tiết hoa văn sống động, có những cặp nom rất nhỏ để có thể đặt ở trong phòng khách, trong sảnh hay trên ban thờ với phòng thờ riêng nhưng nom cũng thật uy vũ và cuốn hút.

 

Chúng ta cùng ngắm những cặp Nghê gốm sứ Bát Tràng, tìm hiểu về công dụng của chúng và quyết định xem sẽ sử dụng thế nào để tăng thêm sự bình yên, may mắn và tài lộc cho gia đình không nhé!

 

Nam Khấp


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác