Nậm rượu Bát Tràng: cảm hứng từ chuyện tình của chúa Trịnh Sâm

Chủ nhật, Ngày 26 Tháng 05 Năm 2019 5:19:48 PM | 660

Chỉ riêng với sản phẩm nậm rượu Bát Tràng đã có rất nhiều kiểu dáng và những câu chuyện khác nhau. Trong đó, có những nậm rượu mang dáng hồ lô hai bầu được lấy cảm hứng từ những sản phẩm gốm sứ kí kiểu của phủ Chúa Trịnh Sâm dành cho Nội phủ thị Đoài, nơi ở của người thiếp yêu Đặng thị Huệ. Chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua về kiểu dáng này nhé!

 

Nếu lướt qua chợ gốm sứ hay các con phố có trưng bày nậm rượu gốm sứ Bát Tràng hoặc gõ cụm từ tương tự lên mạng internet chúng ta sẽ thấy có vô vàn các kiểu dáng về sản phẩm này, trong đó, có những nậm rượu hai bầu nom rất điệu đà đó là những nậm rượu được lấy cảm hứng từ những nậm rượu được chúa Trịnh Sâm gửi kí kiểu (hiểu nôm na là đặt hàng sản xuất) tại các lò gốm Trung Hoa dành riêng cho người thiếp yêu của mình, nàng thị nữ Đặng Thị Huệ, sau này được chúa Trịnh Sâm phong là Tuyên Phi.

 

Nậm rượu hai bầu mô phỏng trái hồ lô được lấy cảm hứng sáng tác từ sản phẩm kí kiểu thời chúa Trịnh cho Nội phủ thị Đoài

 

Bắt đầu từ những thông tin từ lò gốm Bát Tràng khi cho biết nậm rượu nào được lấy cảm hứng sáng tạo, chế tác từ đâu chúng ta thường thấy có chú thích: Nậm rượu thời chúa Trịnh, theo Nội phủ thị Đoài, Nội phủ thị hữu… Lần theo các tài liệu nghiên cứu về gốm sứ cổ chúng ta được biết vì sao có sự phân biệt tên gọi như trên cùng câu chuyện tình của chúa Trịnh và nàng thiếp yêu Đặng Thị Huệ.

 

Những sản phẩm này chỉ được lấy cảm hứng về kiểu dáng còn khi tới với Bát Tràng các họa tiết trang trí đã được thay đổi và làm cho phong phú hơn

 

Theo quy định thời xưa: “nam tả- nữ hữu” (tức đàn ông bên trái- đàn bà bên phải), nên khi đặt hàng các sản phẩm dùng cho các cung các đơn đặt hàng phải ghi rõ tên lên sản phẩm để tránh nhầm lẫn và vì vậy hàng đặt cho chúa Trịnh sẽ ghi là: Nội phủ thị trung; hàng đặt cho chính cung sẽ là Nội phủ thị hữu, còn hàng đặt cho người thiếp yêu của chúa là Đặng Thị Huệ sẽ ghi là Nội phủ thị Đoài (để phân biệt với (Nội phủ thị hữu). Theo đó, các món đồ làm cho các phủ cũng tuân theo nguyên tắc của thời đó: ví như về kiểu dáng cũng phải khác, về họa tiết hay cách thức… “đánh dấu” cũng khác để tránh nhầm lẫn và đồ của Nội phủ thị Đoài không được viết bằng màu lam dưới lớp men sứ như các phủ nêu trên.

 

Không chỉ màu sắc mà cả họa tiết trang trí cũng được thay đổi và làm cho đa dạng hơn

 

Cũng chính vì thế, những kiểu dáng nậm rượu dành cho phủ Chúa hay các phủ khác cũng khác so với kiểu dáng nậm rượu của phủ Đoài (Đoài là một trong những tên gọi theo quẻ chỉ các hướng, như: Càn- Cấn- Chấn- Tốn- Ly- Khôn- Đoài và Đoài là quẻ cuối chỉ hướng Tây, nơi ở của nàng Đặng Thị Huệ).

 

Nhiều nơi đã đặt hàng những kiểu dáng này và ghi rõ địa chỉ để làm kỉ niệm

 

Kiểu nậm rượu này mô phỏng trái hồ lô nhưng làm cách điệu với hai bầu nom điệu đà. Nếu đúng theo “chuẩn” của những món đồ cổ thì đồ ở cung Đoài được làm theo kỹ thuật “ám họa” hoặc đắp nổi, khắc chìm đất cao lanh trắng trên nền đất sét trắng để phân biệt với những món đồ ở phủ khác. Nhưng khi đến với các nghệ nhân và thợ thủ công làng nghề thì chỉ còn kiểu dáng là lấy cảm hứng sáng tác từ những kiểu dáng nậm rượu của Nội phủ thị Đoài thời chúa Trịnh Sâm, còn họa tiết và màu sắc đã được cách điệu và thực hiện phong phú, đa dạng.

 

Thế giới nậm rượu Bát Tràng vô cùng phong phú, đa dạng và chúng ta sẽ khám phá dần dần nhé!

 

Chúng ta cùng ngắm một số nậm rượu theo phong cách này nhé!

 

Hình ảnh được thực hiện tại các tiệm gốm sứ trong chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng)

 

Đông Tửu

 

Tags: gốm sứ nậm rượu hồ lô hai trái chúa Trịnh Bát Tràng

Các bài viết khác