Ấm chén Bát Tràng: Biến ảo kì bí với men Hỏa Biến

Thứ Năm, Ngày 15 Tháng 11 Năm 2018 9:20:37 PM | 1975

Dưới bàn tay điệu nghệ của các nghệ nhân màu đất và kim loại đã quyện vào nhau, thăng hoa trong nhiệt độ cao tạo thành màu men biến ảo trong lửa với tên gọi Men Hỏa Biến và mang tới những bộ ấm chén đẹp lạ lùng. 

 

Theo các tài liệu khác nhau thì màu men Hỏa Biến là một trong những màu men có nguồn gốc từ Trung Quốc và được trọng dụng nhất vào thời nhà Tống (960- 1279). Màu men này được biết đến ở Nhật nhờ các nhà sư từ Nhật sang Trung Quốc học đạo Phật và biết tới cách thưởng trà qua những bộ ấm chén có màu men đẹp, lạ mắt. Sau đó màu men này trở thành thú chơi và thú sưu tầm của giới thượng lưu Nhật qua con đường thương mại. 

 

Một bộ ấm chén Bát Tràng được làm với màu men Hỏa Biến- một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của nghệ nhân Tô Thanh Sơn thu hút tất cả sự quan tâm của những ai ghé thăm gian hàng trưng bày tại khu Thương mại chợ gốm cổ Bát Tràng- Ảnh: Thục Nhi

 

Bẵng đi một thời gian rất lâu, màu men Hỏa Biến cùng dòng men của nó được gọi là men Thiên Mục đã trở lại và được đặc biệt yêu thích tại Nhật, Trung Quốc, Đài Loan. Điều thú vị là dòng men này xuất hiện tại Việt Nam, trở thành xu hướng sưu tầm của giới trẻ không phải qua các sản phẩm đến từ nước bạn lân cận mà thông qua các công nghệ đến từ Châu Âu.

 

Như vậy, trải qua một khoảng thời gian quá dài và một đường vòng rất xa, men Hỏa Biến mới đến được nước ta và được các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng đón nhận như một sáng tạo mới thêm vào bộ sưu tập màu men truyền thống của làng trong sự phát triển để song hành với xu hướng thời đại.

 

Men Hỏa Biến trong dòng chảy thời gian

 

Ngược về lịch sử xa xưa của hành trình gốm sứ thì Trung Quốc cổ đại rất nổi tiếng về trà và gốm sứ chính là "bạn đồng hành", là sự hòa quyện để làm tăng thêm những thi vị của trà. Rất nhiều các danh nhân đã bày tỏ tình yêu với trà và hết lời ca ngợi cho những sản phẩm gốm sứ đã làm tăng thêm sự thăng hoa tinh thần cho họ khi thưởng trà trong đó có vua Huy Tông thời Tống, ông cho biết: Chén trà làm từ chất men tối, men Thiên Mục, được xem là cực phẩm, nhất là khi dùng chén Thổ Hào thì mọi tinh túy của trà đều thể hiện ra hết (Thổ Hào theo nghĩa dịch ra tiếng Việt là: Lông Thỏ, cùng với men Hỏa Biến nó là một trong những kiểu men Thiên Mục).

 

Một bông hoa xinh tươi trong đáy cốc và với tông màu biêng biếc viền nâu bộ Hỏa Biến này lại mang tới cảm giác bí ẩn và sang trọng cũng với đôi bàn tay tài nghệ của Nghệ nhân Tô Thanh Sơn. Với bộ trà cụ này những ai thưởng trà sẽ được chiêm ngưỡng một tác phẩm gốm sứ nghệ thuật Bát Tràng và liên tưởng tới những câu thơ hay tích chuyện xưa... - Ảnh: Thục Nhi

 

Theo thời gian và những giai đoạn thăng trầm của đồ gốm sứ ở từng đất nước, cho tới ngày nay, đồ gốm sứ của vùng đất khai sinh ra màu men này tại Trung Quốc, đất Kiến Trản, nơi có ngôi chùa Thiên Mục ngự vẫn cho ra đời rất nhiều màu men mới. Tại Nhật, men Hỏa Biến hay dòng men Thiên Mục đã được các nghệ nhân Nhật Bản học hỏi và tạo ra những màu men mang phong cách đặc trưng Nhật và được gọi là màu men Tenmoku; cũng qua con đường thương mại, màu men Thiên Mục, đặc biệt là men Hỏa Biến đã được người Châu Âu sáng tạo ra những màu men mang phong cách hiện đại và đặc trưng bằng công nghệ cao.

 

Còn với các nghệ nhân Bát Tràng, với đôi bàn tay điệu nghệ, niềm đam mê tạo ra những sản phẩm độc đáo, bên cạnh việc duy trì những dòng sản phẩm đặc trưng truyền thống, họ sẵn lòng học hỏi, sáng tạo để có những sản phẩm mới hợp xu hướng thời đại và dòng men Hỏa Biến chính là một ví dụ sinh động.

 

Là một tác phẩm gốm sứ nghệ thuật khác của Nghệ nhân Tô Thanh Sơn, dù chỉ một tông màu nhưng chất men như cô đặc, sánh lại như nhung và ánh lên sắc màu của lửa khiến bộ ấm chén Bát Tràng Hỏa Biến vẫn có một sức hút lạ lùng- Ảnh: Thục Nhi

 

Mới được đưa vào các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng những năm gần đây song bên cạnh nhiều sản phẩm gốm sứ khác rất nhiều bộ ấm chén pha trà mang phong cách đặc trưng Bát Tràng được biến ảo diệu kỳ với màu men Hỏa Biến và là món đồ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới mộ điệu bởi giá thành của những bộ ấm chén này, ở thời điểm hiện tại, có giá từ một triệu đồng Việt Nam trở lên.

 

Ấm chén Bát Tràng biến ảo với màu men Hỏa Biến

 

Với những khách hàng ưa thích sự độc đáo, lạ lẫm và ưa khám phá họ không tiếc tiền để "dinh" về những món hàng độc, những bộ ấm chén có chất men Hỏa Biến. Có những người sẵn lòng đặt hàng nghệ nhân những bộ ấm chén men Hỏa Biến có họa tiết hoa văn vẽ tay, được bọc thêm họa tiết bằng đồng hoặc mạ vàng với giá đắt đỏ, có bộ chỉ với ấm chén đã có giá gần 4 triệu đồng Việt Nam (chưa kể khay cũng được bọc đồng bộ và các phụ kiện khác như lọ đựng trà, dụng cụ lọc trà...)

 

Để có được những bộ ấm chén hay sản phẩm từ men Hỏa Biến các nghệ nhân và thợ của làng nghề phải mất thời gian cho việc chế tác và nung sản phẩm rất kỳ công.

 

Một sự biến ảo khác của màu men Hỏa Biến! Có rất nhiều thi sĩ xưa yêu sự biến ảo này của màu men Hỏa Biến mà cho rằng, chỉ khi nào uống trà trong những bộ trà cụ Hỏa Biến mới là thú nhất. Còn những ai không phải là tín đồ của trà, chỉ ngắm những bộ ấm chén Bát Tràng biến ảo với màu men Hỏa Biến cũng thấy đã mắt lắm rồi- Ảnh: Thục Nhi

 

Qua sự chia sẻ của các người thợ lành nghề của làng cổ Bát Tràng tất cả công đoạn và tạo ra một thành phẩm gốm giống hệt như khi làm các sản phẩm khác. Chỉ có điều khác ở chỗ: về kiểu dáng, đây là món hàng làm theo xu hướng thời đại nên kiểu dáng sẽ mang phong cách khác biệt, độc đáo hay lạ lẫm tùy theo đơn đặt hàng hoặc theo thị hiếu thị trường, không đơn thuần như các hàng truyền thống hay thông dụng khác. Về sản phẩm: các sản phẩm dùng làm men Hỏa Biến, theo kinh nghiệm của một số thợ lành nghề tại làng cổ Bát Tràng thì những sản phẩm này phải có độ dày hơn so với các sản phẩm ấm chén khác vì như vậy khi men chảy, rạn ra hàng không bị vỡ.

 

Về lớp men tráng lên phần gốm bên ngoài. Thay vì các lớp men khác, men Thiên Mục nói chung có hàm lượng ô- xít kim loại cao, men Hỏa Biến nói riêng có lượng ô- xít sắt cao nên sau khi nung, tùy vào nhiệt độ, kinh nghiệm và sự tài hoa của nghệ nhân sẽ cho ra những sản phẩm có màu sắc và hình thù tự nhiên vô cùng kì ảo, cuốn hút mà không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, cũng không thể tạo ra cái thứ hai giống hệt.

 

Ngắm bộ ấm chén Bát Tràng Hỏa Biến này ta có cảm tưởng rất nhiều tia sáng ở ngoài đã lọt qua khe của lò nung để rơi đầy đáy cốc và phát ra sắc màu của hào quang sáng- Ảnh Thục Nhi

 

Riêng với men Hỏa Biến, theo kinh nghiệm được chia sẻ ở một số tài liệu thì màu sắc đậm nhạt của màu men Hỏa Biến còn tùy thuộc vào độ dày của lớp men. Nếu men tráng mỏng thì Hỏa Biến có màu nâu đỏ nhạt còn nếu men được tráng dày Hỏa Biến sẽ có màu sẫm hơn.

 

Theo một số tài liệu, các nghệ nhân trên thế giới có thể tạo ra các sản phẩm Thiên Mục bằng cách dùng quặng sắt nguyên khoáng và màu men tro thảo mộc hòa trộn vào màu men để tạo ra những chiếc chén trà Kim Thổ Hào (lông thỏ) độc đáo; hay kết hợp đưa hàm lượng rất cao ô- xít nhôm, silica, kali, magiê vào màu men để tạo nên men Du Trích (giọt dầu), một màu men "anh em ruột" của men Hỏa Biến, làm nên những lốm đốm trắng hay những vệt dài như vết sơn chảy vô cùng thú vị thì với màu men Mộc Diếp cùng với việc hòa trộn màu men với thành phần kim loại các nghệ nhân đã cho thẳng một chiếc lá vào sản phẩm...

 

Với màu men Hỏa Biến, các nghệ nhân làng gốm cổ Bát Tràng đã khéo léo vẽ những hình hoa văn mang phong cách đặc trưng Việt Nam hay thổi hồn dân tộc vào các họa tiết đắp nổi, những nét chấm phá độc đáo, lạ lẫm trên sản phẩm với kiểu dáng bắt mắt, lịch lãm và sang trọng, màu sắc tươi mới có phần dị biệt, đầy gợi cảm và cuốn hút. Cũng để bắt kịp với xu thế thời đại, các sản phẩm ấm chén Hỏa Biến Bát Tràng có thể thoải mái dùng trong lò vi sóng hay trong máy rửa chén bát.

 

Những người thợ gốm cho rằng, ở những nhiệt độ nung khác nhau màu men Hỏa Biến sẽ cho ra những sắc màu khác nhau và luôn luôn chỉ có duy nhất, không bao giờ có cái thứ hai giống hệt. Nói cách khác, với màu men Hỏa Biến chúng ta sẽ luôn có những kiệt tác mang tính độc bản- Ảnh: Thục Nhi

 

Cho tới thời điểm hiện tại, màu men Hỏa Biến vẫn là màu men "độc" tại làng cổ Bát Tràng vì đó là màu men khó có thể thực hiện nên không phải lò gốm nào cũng có thể làm được.

 

Vẫn có tính giữ nhiệt và chuyên dụng để pha các loại trà khác nhau nhưng nếu dòng sản phẩm tử sa hợp với những người lớn tuổi hoặc những ai ưa sự tĩnh tại, thích chiêm nghiệm; những bộ ấm chén với màu men trắng, họa tiết bắt mắt sẽ hợp với những không gian mới hay những bộ men lam, men giả cổ mang tới sự thân thuộc, phảng phất những hoài niệm thì những bộ ấm chén với màu men Hỏa Biến sẽ mang tới cảm xúc thú vị cho những ai thích sự sáng tạo và độc đáo. Có một vài chuyên gia cho rằng, trà pha trong ấm có men Hỏa Biến còn có khả năng làm cho nước trà đượm hơn và... ngọt hơn.

 

Hãy cùng chiêm ngưỡng những bộ ấm chén với màu men Hỏa Biến và tới làng cổ Bát Tràng “dinh” một bộ để thưởng trà trong mùa đông lạnh giá sắp tới hay mời bạn bè trong các dịp lễ tết sắp đến nơi, nhất là tết cổ truyền của dân tộc đang về.

 

Thục Nhi (sưu tầm và thực hiện)


Các bài viết khác