“Song long chầu nguyệt” và ý nghĩa tâm linh trên bát hương

Chủ nhật, Ngày 30 Tháng 12 Năm 2018 10:54:38 AM | 4219

Sắp tới 23 tháng chạp tết ông Công- ông Táo và cũng là dịp nhà nhà thay bát nhang để đón năm mới, vận hội mới. Chúng ta cùng tìm hiểu về ý nghĩa hình ảnh “song long chầu nguyệt” trên bát hương gốm sứ Bát Tràng nhé!

 

Đã có nhiều tranh cãi và bàn luận xung quanh hình ảnh “song long chầu nguyệt” trên các diễn đàn và báo giới, hôm nay, trong bài viết ngắn giới thiệu về bát hương gốm sứ Bát Tràng có hình vẽ này chúng tôi chỉ nói sơ qua về ý nghĩa tâm linh của hình ảnh cặp rồng chầu vào mặt nguyệt để quý bạn tham khảo khi đến dịp năm hết tết đến, chuẩn bị thay bát nhang để đón ông Táo mới, năm mới và vận hội mới sắp tới.

 

Hình ảnh song long chầu nguyệt trên bát hương gốm sứ Bát Tràng

 

Trước tiên về hình ảnh mặt nguyệt ở chính giữa bát hương thì chúng ta không nên bàn luận đó là hình mặt trăng (nói theo tiếng Hán nôm là mặt nguyệt) mà nên hiểu chữ nguyệt ở đây là hình tròn, tròn như mặt nguyệt. Vì vậy mặt nguyệt ở đây không có nghĩa là mô phỏng hạt ngọc châu, cũng không mô phỏng mặt trăng mà nó là biểu tượng của trái đất, của sự sống của ngũ hành tương sinh tương khắc, của âm dương hòa hợp…

 

Mặt nguyệt chính giữa là biểu tượng cho trái đất tương hợp với âm dương hòa quyện, xung quanh có mây ngũ sắc vờn quanh, có ánh hào quang tỏa rạng và cặp rồng chầu hai bên

 

Biểu tượng của âm dương hòa hợp trong vũ trụ còn được thể hiện ở hai cực âm và dương (thường là đen và trắng) quyện lấy nhau giữa hình tròn (mặt nguyệt- chứ không phải hình bán nguyệt: nửa hình tròn, hay hình vuông, hình chữ nhật…).

 

Trên bát nhang Bát Tràng bao giờ cũng là cặp rồng chầu vào mặt nguyệt với âm dương hòa hợp, có mây ngũ sắc hoặc mây đẹp nâng đỡ xung quanh, có vầng sáng tỏa rạng.

 

Cũng là song long chầu nguyệt nhưng ở mỗi sản phẩm gốm sứ khác nhau chúng ta lại có một bát hương Bát Tràng với họa tiết hoa văn trang trí khác nhau

 

Sẽ có mâu thuẫn nếu chúng ta cho rằng mặt tròn ở giữa, biểu thị cho trái đất là mặt trăng hay hạt ngọc châu vì mặt trăng hay hạt ngọc châu sao lại có lửa bốc lên và có người còn ví hình tròn ở giữa là quả cầu lửa. Cho nên, nếu hiểu là “song long tranh châu” cũng chưa chắc đúng mà nói “song long chầu mặt trăng” cũng không chắc đúng… Đây là thiển ý của chúng tôi, cũng là một ý kiến để bạn tham khảo. Nhất là trên các vật phẩm thờ cúng, tất cả đều hướng tới sự hòa hợp, hướng tới cái thuận, không chấp nhận cái nghịch, không cổ vũ cho sự tranh đoạt.

 

Tài hoa của những nghệ nhân, thợ thủ công Bát Tràng chính là ở chỗ: cùng miêu tả một khái niệm, trên một sản phẩm, cùng màu sắc và chất liệu nhưng ở mỗi sản phẩm sự thể hiện lại có nét khác biệt riêng

 

Thêm vào đó, hình ảnh của rồng trong tâm linh là hình ảnh của sức mạnh vượt lên mọi sức mạnh, đại diện cho uy quyền, uy lực tối thượng mà trời đất ban tặng cho loài người. Vì thế hình ảnh rồng luôn gắn với thiên tử (con trời) hay có trong các nơi chùa chiền, đình đền chứ hiếm khi có ở những nơi kém trang trọng khác, càng không thể hiện cho sự tranh đoạt tầm thường.

 

Cho nên, có thể hiểu: cặp rồng chầu vào mặt nguyệt trên bát hương Bát Tràng là sự quy tụ sức mạnh thiêng liêng cùng phò trợ cho sự giao hòa, tương sinh, tương hợp của âm dương ngũ hành, cho sự sống và sự sinh sôi hòa hợp thuận với đất trời.

 

Thương Kiều

Tags: bát hương sứ Bát Tràng bát hương Bát Tràng Bát Tràng

Các bài viết khác