Chum sành và thế giới bình, vò rượu Gốm sứ Bát Tràng

Thứ Ba, Ngày 26 Tháng 09 Năm 2017 11:20:56 AM | 2191

Lạc chân vào thế giới của… rượu mới thấy, chỉ riêng “mảng” để bảo quản và giữ thứ “chất lỏng” gây nghiện này đã cơ man nào là các thể loại: từ bình gốm, vò sứ tới bình thủy tinh, bình nhựa, bình pha lê, hộp bọc ngoài bằng gỗ… Hôm nay chúng ta đến với chum sành được sản xuất tại làng gốm Bát Tràng.

 

Sang thăm làng gốm Bát Tràng, dường như nhà nào cũng bày một loại hàng giống nhau mà nếu những ai sinh đầu bảy, từng ở nhà quê mới biết là nó gần giống cái chum hoặc cái cong sành xưa mà bà con ta hay dùng để đựng gạo, thóc, ngũ cốc hoặc đựng nước, hỏi ra mới biết đó là chum sành dùng ngâm rượu.

 

Những chiếc chum sành có đắp chữ nổi vừa đẹp vừa truyền thống lại mang nét hiện đại

 

Chum sành ngâm rượu nay và kí ức về chum, hũ, cong sành xưa

 

Loại chum sành dùng ngâm rượu ngày nay khác với các loại chum, cong, hũ bằng sành hay dùng ở nhà quê xưa là thân nó thuôn hơn, miệng tròn to, có gờ cao và có nắp tròn khít với miệng chum trong khi những chiếc chum, cong, hũ bằng sành bà con ta dùng ngày trước thân phình to, miệng có viền bo tròn và không cái nào có nắp.

 

Nếu cái nào có thể tích lớn, miệng mở to gần bằng đường kính của phần thân to nhất thì dùng đựng thóc hay đựng nước; cái nào miệng nhỏ có thể tích nhỏ thì dùng đựng các loại hạt đỗ, hạt lạc, gạo nếp và lấy lá chuối khô nút lại; cái nào có miệng rộng thì đựng gạo và đậy vung xoong hay rổ, rá lên trên cho khỏi chuột. Tất cả những cái chum to, những cái hũ nhỏ, những cái cong nhơ nhỡ đều có một màu nâu bóng như nhau, không tiện lợi và phong phú như bây giờ với rất nhiều màu sắc, hoa văn, họa tiết và cái nào cũng có nắp đậy xinh xắn bên trên.

 

 

Những chiếc chum sành ngâm rượu được bày bán rất nhiều tại Bát Tràng

 

 

Nhớ ngày xưa, các cụ nhà ta ngâm rượu trứng, gọi là rượu bách nhật hạ thổ, nhất định phải chọn hũ sành, không có hũ sành không thể làm rượu trứng hạ thổ. Các cụ cho biết, ngâm rượu trứng vào hũ sành mới đúng kiểu rượu mới ngấu, thơm và ngon. Có hũ sành rồi mới chọn rượu và chọn trứng.

 

Bây giờ lên mạng, thấy các chuyên gia hướng dẫn rất nhiều cách để có được hũ rượu trứng thơm ngon bổ dưỡng.  Nhưng như cách thông thường ngày xưa, nhất định phải có hũ sành rồi mới nấu một nồi rượu nếp cái thật ngon, chọn những quả trứng gà mới đẻ, soi qua nắng, thả vào nước để chọn ra quả tươi ngon, đủ sống. Sau khi làm vệ sinh hũ, hong khô thì đổ rượu ngon mới nấu vào, đập trứng ra chỉ lấy lòng đỏ, sau đó thả nhẹ vào bình rượu và chế rượu thêm vào bằng cách ước lượng do kinh nghiệm, sau đó nút bình lại thật chặt bằng lá chuối khô, bịt ni lông lên rồi đào một cái hố ngoài vườn trước đủ lấp đầy đất lên miệng hũ, lấy miếng gỗ hay miếng gì đó đậy lên, vừa đánh dấu vừa chặn bảo vệ, đúng một trăm ngày thì lấy lên. Rượu này chủ yếu dành cho đàn bà con gái, đàn ông không mấy ai thích vì phải ăn cả lòng đỏ trứng ngâm và uống thêm chút rượu. Ai quen ăn mới cảm nhận được vị thơm ngon, ai không quen sẽ rất khó… “nuốt”…

 

 

Những chiếc chum được đắp nổi hoa văn màu bắt mắt

 

 

Chum sành và thế giới đa dạng của bình- vò rượu

 

Chưa bao giờ các loại bình- hũ- vò- chum ngâm rượu, đựng rượu lại đa dạng về chất liệu, phong phú về kiểu dáng, rất nhiều kích cỡ và giá cả để người tiêu dùng lựa chọn: từ pha lê, thủy tinh tới gốm, sứ, nhựa, thậm chí cả bằng gỗ bọc  ngoài.

 

Lướt qua bình đựng rượu thủy tinh thấy có bình dạng vuông, dạng cao, dạng tròn, dạng cổ điển tới những bình được trang trí tùng- cúc- trúc mai, hoa văn xoắn ốc, kẻ ca rô, từ cái có thể tích nhỏ tới bình thể tích lớn. Hàng gốm sứ cũng rất nhiều chất liệu khác nhau: từ hàng tráng men bên ngoài tới hàng sứ toàn thân, từ hàng trơn tới hàng có họa tiết trang trí cầu kỳ, giá cả cũng theo đó mà tăng giảm khác nhau: có cái chỉ 100, có cái 150, có cái 200 có cái lên tới hàng triệu, mấy triệu.

 

 

Chum sành đúng chất lượng giúp cho việc ngâm rượu được ngon hơn và đảm bảo chất lượng của rượu ngâm hơn

 

 

Trong thế giới bạt ngàn của bình và vò đó, vấn đề còn lại là tùy thuộc vào ý thích hoặc kinh nghiệm của người tiêu dùng trong việc lựa chọn bình đựng rượu, ngâm rượu hay làm rượu hạ thổ.

 

Xưa kia, các nhà quyền quý hay đựng rượu trong các vò rượu quý như cách để trưng bày và tạo ra một thú chơi, thú thưởng thức. Việc dùng các bình- vò- hũ bằng gốm đã được ưa dùng. Sau này, ở vào giai đoạn đất nước sau chiến tranh, hàng thủy tinh được ưa chuộng thì nhiều gia đình khá giả đã chọn bình thủy tinh dáng cổ điển vào việc ngâm rượu thuốc, rượu rắn, rượu cá ngựa, rượu cao hổ, cao khỉ…  hay các loại rượu hoa quả, rượu cỏ vừa để trưng bày vừa để trên kệ cao nhìn cho tiện khi sử dụng. Ngày nay, cũng vẫn có nhiều nhà ưa dùng bình thủy tinh vì lý do tương tự.

 

 

Một số chum sành có kiểu dáng, hoa văn như trên thường được dùng để đựng và dự trữ các loại hạt, ngũ cốc...

 

 

Tại sao các cụ xưa phải chọn chum sành ngâm rượu?

 

Nếu làm rượu hạ thổ, không thể nào lại không chọn chum sành, còn ngâm rượu, hay đựng rượu người ta có nhiều lựa chọn khác nhau tùy vào điều kiện, sở thích và cách sử dụng rượu.

 

Theo kinh nghiệm dân gian thì không có loại bình hũ nào ngoài gốm có thể mang tới vị rượu ngon hơn. Ngoài việc lựa chọn để làm rượu hạ thổ thì ngâm rượu vào bình gốm được ưu tiên hàng đầu bởi nói nôm na thì bình gốm tuy cứng chắc nhưng được nung từ đất, nó vẫn có độ xốp nhất định sẽ giúp cho việc thoát các độc tố từ rượu ra ngoài trong quá trình ngâm trong khi các chất liệu làm bình ngâm rượu bằng thủy tinh, nhựa không có được mà từ dân giã hay dùng là những chất đó “bí” không thoát khí.

 

 

Một số vò có thể tích lớn, có vòi hoặc khoan vòi, dùng để dự trữ rượu lại chỉ hợp với không gian kinh doanh ở các nhà hàng

 

Một lý do khác: gốm được làm từ đất sét, trước khi đưa vào khuôn đất sét đó đã được lọc nhiều lần để loại bỏ các tạp chất, sau đó được “thử lửa” - nung ở nhiệt độ cao tới 1200 đến gần 1300 độ từ gốm đã trở thành sành nên mọi vi trùng vi khuẩn và các loại độc tố còn lại một lần nữa được khử hết qua nhiệt độ cao nên độ an toàn được đảm bảo. Khi cho rượu vào bình gốm ngâm, rượu sẽ nhanh ngấu hơn, chất rượu được thanh lọc, vị rượu được chắt lọc: độc tố thanh lọc ra ngoài, vị thuốc và vị cái ngâm tiết vào tạo cho rượu thơm ngon đặc biệt mà không gây nhức đầu hay gây hại như khi uống “bo”.

 

Khi ngâm chúng ta có thể ngâm vào bình gốm, khi chắt rượu ra để thưởng thức với thời gian ngắn ta có thể chọn bình thủy tinh để vừa nhâm nhi vừa ngắm nhìn hoặc thưởng thức rượu với không gian riêng của nó; bạn cũng có thể chọn bình, hũ bằng sứ được trang trí tao nhã hay cầu kỳ tùy vào sở thích; còn phần đông “sâu” rượu “chơi” rượu “quốc lủi” chỉ dùng “can” nhựa: can này quăng ra can kia quăng vào thì chẳng cần bàn tới chum, vại, hay bình vò làm gì, chỉ tổ dễ vỡ.

 

 

Một số chum dự trữ rượu có kiểu dáng khác được bày bán tại Bát Tràng

 

Cách chọn chum sành ngâm rượu đạt tiêu chuẩn

 

“Nhận dạng” đầu tiên theo tư vấn của các “chuyên gia” về gốm sứ cho những ai lần đầu tìm hiểu và chọn mua chum sành: khi chọn một chiếc chum sành đúng kiểu đó là chọn chiếc chum có sắc màu nâu hoặc đỏ trầm, màu sắc này do đất sét đun ở nhiệt độ cao, trong thời gian dài mà từ gốm thành sành. Bề mặt của sản phẩm không bóng đẹp như chum sứ mà chỉ nhẵn, khi chạm vào sản phẩm thấy âm ấm hoặc mát nhẹ.

 

Đặc điểm thứ hai, ngay khi chạm tay vào sản phẩm là phải thử tiếng: lấy tay gõ vào thành chum nghe tiếng vang trong từa tựa kiểu tiếng chuông có âm thanh ngân theo sau đó nhưng khi nhấc sản phẩm lên thì rất nặng tay.

 

Đặc điểm thứ ba (không khuyến khích): khi vỡ, chiếc chum sành trong ngoài và lớp giữa của miếng vỡ có một màu đồng nhất như nhau, không có lớp phủ nào.

 

 

Có thể cảm nhận được sự phong phú của thế giới chum và bình- vò ngâm rượu bằng gốm sứ tại Bát Tràng, cách tốt nhất, ngoài những tham khảo ở trên quý khách có thể trực tiếp hỏi tư vấn từ các gian hàng để lựa chọn cho mình một địa chỉ tin cậy

 

Những chiếc chum giống chum sành: Những chiếc chum này được tráng men hay phủ men bóng mờ có màu men sành, màu nâu hay màu da lươn. Tuy nhiên bề ngoài của chum phủ men bóng láng đều, không thô sơ như chum sành; sờ vào mát chứ không âm ấm; lật ngược đáy chum lên dưới đáy không có men mà thường để trắng hoặc phủ một lớp màu lên nhưng màu miệng của chum lại có màu gốm đỏ (do những chiếc chum này chưa được nung ở nhiệt độ cao như chum sành).

 

·       Thục  Nhi

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác