Lọ Lộc Bình và quy trình chính trong sản xuất ngày nay

Thứ Ba, Ngày 20 Tháng 11 Năm 2018 10:12:38 AM | 560

Lọ Lộc Bình vốn là mặt hàng không dễ dàng để sản xuất, đầu tư công phu nhưng vẫn là mặt hàng xa xỉ với người tiêu dùng. Vậy quy trình sản xuất Lọ Lộc Bình ngày nay thế nào?

 

Cách đây không lâu, để sản xuất ra một chiếc Lọ Lộc Bình người dân Bát Tràng rất vất vả, công sức đầu tư nhiều mà giá bán so với công đầu tư không đáng là bao song so với thị trường Lọ Lộc Bình vẫn là một mặt hàng xa xỉ. Bởi với giá 3- 4 triệu đồng chỉ để trưng bày thì với phần đông người dân Việt Nam không dễ để mua; còn với những Lọ Lộc Bình được đầu tư đắp nổi hay dát vàng thì có giá lên tới 20- 30 triệu đồng lại là mặt hàng dành cho giới thượng lưu…

 

Những họa tiết đắp nổi vô cùng tinh xảo và sang trọng trên Lọ Lộc Bình. Để có được những cặp Lọ Lộc Bình như thế này những nghệ nhân làng nghề đã phải đầu tư rất nhiều công sức

 

Vậy quá trình để tạo ra một chiếc Lọ Lộc Bình ngày nay như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu các công đoạn chính trong bài viết.

 

Phải có cốt, có khuôn: Tùy vào kích cỡ của mỗi sản phẩm dự định làm những người thợ sẽ tạo ra cốt, từ cốt sẽ tạo ra khuôn.

 

Đổ khuôn: Khi đã có khuôn rồi những người thợ nơi đây sẽ chọn đất, lọc đất và trộn đất với nước để tạo ra chất lỏng gọi là hồ. Sau đó, lấy chất hồ sánh này đổ vào khuôn.

 

Ngày xưa sẽ phải múc từng sô một đổ vào khuôn vì mỗi chiếc bình đều có kích cỡ lớn. Còn ngày nay những người thợ ở đây dùng máy bơm để hút, khi có độ dày nhất định- theo kinh nghiệm của mỗi người- sẽ dừng lại.

 

Họa tiết đắp nổi sống động trên thân Lọ Lộc Bình

 

Tiện “hàng”: Sau khi đổ khuôn xong sẽ đến giai đoạn đợi cho hồ khô lại, tức là sẽ tạo thành một kết cấu theo khuôn có sẵn và những người thợ sẽ dỡ hàng ra một cách khéo léo và mang ra tiện cho tròn trịa đẹp đẽ theo đúng khuôn khổ của phần thân chiếc Lọ Lộc Bình.

 

Với phần Lá Bình: Là phần Loe ra ở chiếc bình, có độ dài chừng 25 phân, phần này cũng được làm theo quy trình như trên.

 

Chắp lá: Khi đã có phần thân bình và phần lá bình đã được tiện đẹp đẽ theo khuôn định sẵn những người thợ sẽ chắp hai phần này lại thành một khối liền nhau.

 

Chuốt hàng: Khi hai phần liền nhau và chỗ nối đó đã khô những người thợ sẽ mang ra chuốt hàng, làm cho hàng sạch sẽ không một chút lợn khợn, lau rửa sạch sẽ và mang ra hong khô. Hoặc là để khô tự nhiên nhưng thường phải cho những nguyên vật liệu làm nóng và đặt vào trong để bình khô đều từ trong ra ngoài.

 

Sau một quá trình thực hiện vất vả và kỳ công, những chiếc Lọ Lộc Bình đã có được hồn cốt và phong cách sang trọng, cuốn hút như thế này

 

Vẽ và phun men: Ở quy trình này mọi người có thể vẽ tay, phun men tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm.

 

Nung chín: Khi cho vào lò nung bằng ga với nhiệt độ 1.200 độ và với thời gian đã có định lượng sẵn thì sẽ nhấc ra. Nhưng đây là hàng thủ công mỹ nghệ nên các công thức không thể rập khuôn hay mặc định mà vẫn cần phải dựa vào kinh nghiệm làm nghề của những người thợ. Thường ở công đoạn này mỗi lò sản phẩm người thợ trông lò sẽ có một miếng vật liệu để thử hàng. Nhìn vào miếng thử đặt ở cửa lò người thợ sẽ quan sát và ước chừng sản phẩm đã ổn chưa rồi mới quyết định dừng hay nung tiếp và nung tiếp bao nhiêu thời gian.

 

  • Thục Nhi (thực hiện)

 


Các bài viết khác