Giỏ ủ ấm tích Bát Tràng và quy trình sản xuất

Thứ Hai, Ngày 26 Tháng 11 Năm 2018 10:41:35 PM | 1673

Không cầu kỳ như giỏ ấm vùng Gôi, không kỳ công như giành tích Phú Vinh, giỏ ủ ấm tích Bát Tràng đơn giản nhưng cứng cáp và thanh lịch. Vậy quy trình sản xuất ra “phụ kiện” đi kèm ấm tích gốm sứ Bát Tràng thế nào?

 

Không phải là dòng sản phẩm chính của gốm sứ Bát Tràng nhưng giỏ ủ ấm tích Bát Tràng là mặt hàng khá độc đáo đi kèm với ấm tích- một sản phẩm ấm chén Bát Tràng dành cho những ai thích uống trà xanh, trà vằng, trà hoa sói, nước vối hay các loại nước lá khác cần tới việc giữ nhiệt hoặc giữ ấm cả ngày.

 

Chiếc giỏ ủ ấm tích Bát Tràng được làm từ rất lâu rồi và thường để ủ ấm trà hoa sói, một loại trà đặc biệt của người dân Bát Tràng

 

Nếu các cụ xưa phải ngâm tre dưới nước cho thôi hết các chất trong tre ra rồi vớt lên phơi khô hoặc hong bồ hóng để đan lát đồ dùng, trong đó có giỏ đựng tích cho khỏi bị mối mọt gặm nhấm và bền bỉ với thời gian thì nay các vùng như Phú Vinh (Hà Tây) dùng các phương pháp mới và công nghệ tiên tiến để xử lý khâu này; vùng Gôi (Nam Định) dùng nứa thì không phải ngâm hay xử lý bằng công nghệ mà phải cạo nứa, pha và chuốt bằng tay những thanh cật nứa già cho mềm mại để đan và chắp thêm rồi đan quanh thành giỏ tích.

 

Lòng trong chiếc giỏ ủ ấm tích này được bọc bằng vải nhung tăm màu nâu

 

Còn ở Bát Tràng, các công đoạn làm chiếc giỏ ủ ấm tích vẫn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nhưng không dùng mây như Phú Vinh hay nứa như Gôi mà dùng tre. Cật tre già được pha ra rồi ngâm vào nước vôi trong cho thôi nhanh các chất hấp dẫn mối mọt, sau đó cắt đẫn bằng nhau theo tỉ lệ có sẵn rồi “pha” (tức chẻ ra) từng thanh nhỏ cũng với tỉ lệ đã có và chuốt cho tròn đẹp, cứng cáp chứ không vót cho mảnh như lạt.

 

Chiếc tích đang ủ trà hoa sói được giữ ấm cả ngày và giữ cho hương thơm tự nhiên của trà còn nguyên trong ấm

 

Giỏ ủ ấm tích Bát Tràng không đan từ đáy tích lên như giỏ của Gôi mà được chia đều với vành giỏ, thân giỏ và đáy giỏ bằng vòng tròn, được giữ cố định với các thanh nẹp. Tiếp đến các thợ thủ công sẽ đan các thanh tre được pha và chuốt cho tròn, đẹp kia vào đường vặn thừng ở vành và đáy giỏ rồi chêm và chỉnh cho chặt chẽ, đẹp đẽ.

 

Chiếc nắp giỏ được làm cùng chất liệu và tông màu như vải bọc trong lòng của giỏi

 

Công đoạn tiếp theo là làm vành và đáy cho đẹp rồi tiếp tục làm phần đệm cách nhiệt ở bên trong giỏ. Phần này được làm bằng nhung và vải gấm sau đó nhồi bông gòn thay vào việc nhồi rơm như trước đây.

 

Chiếc giỏ được đan nan khít chặt và đều tăm tắp nom vừa cứng cáp, đơn giản nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch và khả năng ủ ấm cao

 

Phần nắp giỏ được may tròn và làm khuy cầm rất khéo, thường bằng vải gấm hoặc nhung và dùng cật che vót và chuốt thanh bản mềm mại để định hình sau đấy may hoặc khâu lại, để khe nhỏ nhồi bông gòn nhằm giữ nhiệt.

 

Những chiếc giỏ ủ tích Bát Tràng nhìn đơn giản nhưng đẹp và cứng cáp khác hẳn kiểu dáng giỏ tích các nơi khác là do cách làm như trên đó bạn ạ.

 

Thương Kiều

Tags: giỏ ủ ấm tích Bát Tràng bát tràng nắp giỏ tích ấm tích Bát Tràng

Các bài viết khác