Nghệ nhân Bát Tràng: Biến đất bùn thành báu vật trần gian

Thứ Tư, Ngày 13 Tháng 02 Năm 2019 1:46:40 PM | 2509

Bắt đầu từ đình làng với đôi câu đối: “Ngũ hành tú khí chung anh kiệt- Vạn trượng văn quang biểu cát tường” và hai hàng chữ “Thổ thành kim” – “Nê tác bảo” chúng tôi đã vào làng và bắt đầu tìm hiểu về Bát Tràng sau khi biết về cuộc triển lãm tác phẩm gốm sứ gần nhất của 10 nghệ nhân tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào trung tuần tháng 10 vừa qua. 

 

Từ cuộc triển lãm lớn nhất và gần nhất của làng gốm Bát Tràng qua đại diện là 10 gương mặt nghệ nhân với 10 phong cách khác nhau, ở các lứa tuổi khác nhau cùng 150 tác phẩm xuất sắc được chọn lựa, trưng bày tại Văn miếu Quốc Tử Giám vào trung tuần tháng 10/2018 vừa qua, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, báo giới chúng tôi đã tới làng nghề và bắt đầu cuộc chu du vào thế giới của sự sáng tạo với khả năng biến những điều không thể thành có thể của những người con trên mảnh đất này mà ngay ở hai bên tả- hữu của đình làng, nơi đặt tôn chỉ của làng đã cho thấy rõ: “Thổ thành kim- Nê tác bảo” (Đất biến thành vàng- Bùn làm ra của báu).

 

Cụ Phạm Văn Huỳnh- nghệ nhân nổi danh đất Bát Tràng thế hệ trước

 

Và để tìm hiểu thực tế lời ca tụng của cổ nhân xưa có còn vang vọng tới ngày nay hay không qua câu đối đặt ở trong đình: “Ngũ hành tú khí chung anh kiệt- Vạn trượng văn quang biểu cát tường” (Nơi hội tụ khí thiêng hun đúc nên các bậc anh hùng hào kiệt- Ánh sáng văn hóa tỏa xa vạn dặm biểu thị sự cát tường) chúng tôi đã tiếp cận trước tiên 10 nghệ nhân từ cuộc triển lãm trên, bắt đầu qua những thông tin đã đăng tải về họ.

 

Một trong số những tác phẩm của Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ được trưng bày tại Triển lãm "Sắc gốm Bát Tràng trong lòng Hà Nội"

 

Giữ gìn vốn cổ- phát huy những giá trị vững bền

 

Trải qua thời gian cùng những biến chuyển từ đời sống, sự tác động của môi trường, đi qua những cuộc chiến tranh rất nhiều cổ vật quý giá đã bị mất mát, rất nhiều vốn liếng giá trị của cha ông thất lạc đi… và làng cổ Bát Tràng không nằm ngoài dòng chảy đó. Song thật kỳ diệu, với 700 năm lịch sử, chỉ là kinh nghiệm truyền khẩu, nhưng bí quyết làng nghề cũng như nhu cầu mưu sinh của mỗi người dân những giá trị quý báu về nghề gốm sứ Bát Tràng cứ âm thầm chảy trong huyết mạch của các thế hệ con cháu nơi đây và chẳng bao giờ bị mai một hay vơi bớt đi.

 

Bộ gốm Phúc Lộc, một trong ba bộ gốm dát vàng ròng, biểu tượng của sự phú quý, trường tồn và những giá trị văn hóa độc đáo được xác lập kỉ lục "Tác phẩm gốm men lam chàm cổ dát vàng độc đáo nhất Việt Nam" của nghệ nhân Phạm Đạt, nội tôn của cố nghệ nhân Phạm Văn Huỳnh

 

Chính bởi vậy, những dòng men gốm cổ tưởng chỉ còn ở lại mãi mãi trong kí ức xa xôi nào đó, trong các cuốn sách cũ, hay nằm ngay ngắn một chỗ trong các bảo tàng giờ đây đã được những người con ở thế hệ đương đại lần tìm và phục chế lại. Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ chính là người đã làm nên điều kỳ diệu đó khi ông phục chế hàng trăm món cổ vật, trong đó có những món cổ vật được phục chế theo nguyên mẫu còn lưu trong sách cổ. Rất nhiều bài men cổ, đẹp và quý thuộc các triều đại xưa được phục chế và luôn ẩn chứa trong các tác phẩm gốm sứ trưng bày mang tên Trần Độ như: men ngọc thời nhà Lý, men hoa nâu thời nhà Trần, men hoa lam thời nhà Lê và men rạn thời Lê- Nguyễn… Những màu men này cũng được xem là những màu men đặc trưng để nhận diện ra gốm Bát Tràng khác với những món đồ gốm sứ nơi khác.

 

Một góc tại cửa hàng trưng bày các tác phẩm gốm sứ của Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ

 

Nhờ vào tài năng cùng niềm đam mê với nghề nghiệp tổ tông để lại, Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ đã được giao làm những món đồ quý giá cho quốc gia và kế tục cha ông làm rạng danh làng nghề khi được chọn để làm những món đồ quý cho các nguyên thủ làm quà tặng trong các chuyến công du như: phiên bản gốm Cụ Rùa Hồ Gươm tại đền Ngọc Sơn (tác giả: Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ); chiếc bình rượu cổ triều Mạc làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM5, Hội nghị cấp cao APEC 2006 hay những món quà theo chân Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến công du tới Mỹ, Canada trong nhiệm kỳ của mình.

 

Họa tiết trên gốm sứ của Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo

 

Cũng như những người thợ của làng, nghệ nhân Trần Độ bắt đầu công việc làm gốm với những món đồ gia dụng. Sau đó, ông bắt đầu yêu thích và đam mê những món đồ gốm mang tính bài trí, trưng bày và gốm tâm linh. Nếu nói tuổi nghề của ông là 50 năm thì ông mất gần một nửa thời gian đó cho việc nghiên cứu, mày mò, thử nghiệm để tìm ra được phong cách riêng và thành công với phong cách đó.

 

Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ đã bỏ ra gần 20 năm để chuyển hướng từ công việc làm gốm gia dụng sang niềm đam mê sáng tạo gốm trưng bày. 50 năm tuổi nghề thì nửa non thời gian ông dành cho việc mày mò tới các bảo tàng, sưu tầm tài liệu, vùi đầu nghiên cứu, thử nghiệm để phục chế các màu men cổ, những báu vật xưa để lại

 

Chia sẻ cùng chúng tôi, Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ cho biết: “Có những bài men mà nếu nói hãy chép lại công thức thì không thể nào có thể diễn tả được bởi những ý tưởng đã hằn in trong trí não và trăn trở trong từng cơn mê, trong những giấc ngủ chập chờn như sắc màu của ảo ảnh với rất nhiều tiếng nói vang lên từ đâu đó tận sâu thẳm mà phải thật lắng con tim mới thấu hết được và nhận ra sự cao siêu, thoát tục của sắc màu trên gốm”. 

 

Để biến ước mơ của mình thành sự thật Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ đã phải mất gần nửa tuổi nghề 50 năm của mình để đi tìm hiểu, nghiên cứu và phục chế được những màu men từ nhiều thế kỷ trước và tạo ra những màu men đặc biệt của riêng mình

 

Qua hình ảnh của Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ có thể thấy, cũng trong làng gốm cổ Bát Tràng, không phải nhà nào, người nào làm gốm cũng làm như nhau mà mỗi người, mỗi nhà đều tìm cho mình một chỗ đứng, một vị trí riêng bằng cách tìm tòi và thể hiện khả năng sáng tạo.

 

Nghệ nhân gốm Trần Văn Khánh

 

Cũng là thừa hưởng những giá trị cao quý và tinh túy mà cha ông để lại, nhưng nhìn những tác phẩm với dòng men Rạn Hoa Nâu, men Lục Bảo, men Hoàng Lưu Ly thì nhận ngay ra phong cách Trần Độ. Nhưng cũng là kế thừa và phát huy những tinh hoa gốm cổ ở nghệ nhân gốm Bát Tràng Trần Văn Khánh lại phảng phất nét xưa trầm mặc, đơn giản mà sang quý. Ở nghệ nhân gốm Bát Tràng Lê Văn Khánh là dòng truyền thống tràm xanh, ông đã tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm gốm đẹp, cống hiến vào công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề gốm của làng.

 

Nghệ nhân Lê Văn Khánh

 

 

Cùng niềm đam mê gốm trưng bày và tạo ra chỗ đứng riêng trong làng nghề là nghệ nhân gốm Vũ Mạnh Cường. Tiếp nối tinh hoa cha ông để lại, ông đã tôi luyện để cho ra dòng gốm tâm linh men rạn, đắp nổi cổ truyền vô cùng cuốn hút. Hiện tại, con gái ông tiếp nối nghiệp tổ tông và thành công với thương hiệu gốm Vạn An Lộc.

 

Nghệ nhân Bát Tràng Vũ Mạnh Cường

 

Với nghệ nhân gốm Bát Tràng Đỗ Tùng Mậu lại là dòng gốm son đỏ. Như sợi chỉ kết nối giữa những giá trị của cha chú tới thế hệ trẻ sau này, của vùng đất này với vùng đất khác, người con sinh ra ở đất gốm làng Quyết, tỉnh Hà Nam lại say nghề đất Bát Tràng và sinh cơ lập nghiệp tại đây. Gốm son đỏ được xem là nét chấm phá thú vị tại Bát Tràng. Nhờ vào những nỗ lực và đóng góp với nhiều tác phẩm độc đáo được trưng bày tại các Hội trợ, triển lãm trong đó có những tác phẩm phục vụ cho Bảo tàng lịch sử Quốc Gia và Hoàng thành Thăng Long, nghệ nhân gốm Bát Tràng Đỗ Tùng Mậu đã tạo ra vị trí riêng gắn với gốm son đỏ Bát Tràng.

 

 

 

 

Kế tục cha ông- phát triển gốm Bát Tràng trong xu thế mới

 

Cùng lớp cha chú trong làng, thế hệ trẻ sau này tiếp nối nghiệp tổ tông, nỗ lực tiếp nhận vốn nghề cổ truyền lại và tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức để phát triển làng nghề trong xu thế mới hợp thời đại.

 

Nghệ nhân Bát Tràng Trần Nam Tước

 

Những dòng gốm mới với các chất liệu và màu men độc đáo được ra đời. Với nghệ nhân Bát Tràng Trần Nam Tước, một nghệ nhân thuộc thế hệ 7x, anh đam mê chất liệu xưa trong phong cách hiện đại ngày nay, với chủ đề “Gốm hồn xưa” nghệ nhân Trần Tước đã tạo ra phong cách riêng mang tên mình. Cũng là người con xa sứ đi lập nghiệp nơi đất khách quê người, Trần Nam Tước từ quê lúa Thái Bình đến nơi “địa linh nhân kiệt” và trụ lại đây. Từ những năm 2010 anh đã liên tục dành được các giải thưởng và bằng vinh danh. Năm 2016, tác phẩm “Đầu rồng” của Trần Nam Tước được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng Tổng Thống Mỹ Barack Obama.

 

Tác phẩm "Đầu rồng" của Nghệ Nhân Bát Tràng Trần Nam Tước được chọn làm quà tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016

 

Với nghệ nhân Bát Tràng Hà Văn Long, là một người con của gia tộc họ Hà, thừa hưởng thương hiệu “Lam Trắng” nổi tiếng của đất Bát Tràng, lại là một ông chủ lớn song nghệ nhân Hà Văn Long vẫn đam mê lăn lộn với công việc và trực tiếp tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ có giá trị, đóng góp vào sự phát triển của làng gốm cổ Bát Tràng.

 

Nghệ nhân Hà Văn Long

 

Tiếp nối sự nghiệp của tổ tông làng nghề Bát Tràng, cũng là một chàng trai thuộc thế hệ 7x, nghệ nhân gốm Bát Tràng Phạm Thế Anh lại cống hiến cho sự phát triển chung của gốm sứ Bát Tràng cũng như gốm sứ Việt Nam dòng gốm mới.

 

Nghệ nhân Bát Tràng Phạm Thế Anh, người đã tạo ra dòng gốm mới mang tên gốm Hồng Sa

 

Nghệ nhân Bát Tràng Phạm Thế Anh đã mày mò, nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm và thành công với dòng gốm được kết tinh từ phù sa Sông Hồng, mang tên riêng: gốm Hồng Sa. Khác với các bậc cha chú trong làng, nghệ nhân gốm Phạm Thế Anh đam mê các loại mẫu mã ấm chén. Anh chỉ chuyên tìm tòi để đưa ra các mẫu ấm chén mới. Tại công ty riêng anh có hẳn một “triển lãm” trưng bày các mẫu mã ấm chén, trong đó rất nhiều mẫu ấm chén được tạo ra từ gốm Hồng Sa.

 

Tác phẩm gốm sứ của Nghệ nhân Bát Tràng Phạm Thế Anh

 

Nếu ở thế hệ trước, Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ là người có mật độ phủ sóng truyền thông lớn nhất ở làng nghề Bát Tràng qua các sự kiện và sản phẩm mà ông cống hiến cho sự phát triển của làng nói riêng và của đất nước nói chung thì ở thế hệ sau này, chàng trai của dòng họ Phạm, nghệ nhân gốm Phạm Đạt, nội tôn của cố nghệ nhân nổi danh Phạm Văn Huỳnh, vẫn được người dân Bát Tràng gọi một cách nể trọng: cụ Cửu Huỳnh cũng là người được truyền thông quan tâm.

 

Nghệ nhân Bát Tràng Phạm Đạt- người đã xác lập được kỉ lục "Tác phẩm gốm men lam chàm cổ dát vàng độc đáo nhất Việt Nam". Trong đó, cặp lộc bình được dát vàng ròng trong bộ sưu tập này được xác lập kỉ lục cao nhất Việt Nam

 

 

Tự hào là người phục chế ra dòng men rạn cổ theo bí kíp gia truyền của thế kỷ 16, Phạm Đạt đã không ngừng sáng tạo và gây dựng được thương hiệu riêng mang tên “Gốm Gia Tộc Việt”. Với phong cách gốm Phạm Đạt, anh đã đưa những sản phẩm gốm sứ tưởng chừng rất xưa cũ trở lại trong đời sống hiện đại và là những tác phẩm gốm sứ được yêu thích. Anh còn là người đã xác lập kỉ lục "Tác phẩm gốm men lam chàm cổ dát vàng độc đáo nhất Việt Nam".

 

Một trong ba bộ gốm sứ được xác lập kỉ lục "Tác phẩm gốm men lam chàm cổ dát vàng độc đáo nhất Việt Nam- năm 2017 của Nghệ nhân Bát Tràng Phạm Đạt, có tên Hưng Thịnh

 

Đóng góp vào sự phát triển và tạo ra những sáng tạo có phần khác biệt với những sản phẩm cổ truyền nhưng hợp với xu hướng thời đại là gốm của nghệ nhân Danh Tú. Kết hợp giữa tinh hoa cổ truyền và nghệ thuật đương đại, Danh Tú cho ra đời những sản phẩm gốm thấu quang có sức hút khó cưỡng.

 

Nghệ nhân Bát Tràng Danh Tú

 

Là người con trong gia đình có truyền thống chuyên sản xuất nguyên vật liệu phục vụ nghành gốm sứ “Xương đất- men màu”. Để có được thành công khi đưa dòng sứ đặc biệt mang tên: “Sứ thấu quang” ra thị trường, Nghệ nhân Bát Tràng Danh Tú cũng phải trải qua thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm. Những sản phẩm của anh có độ thẩm mỹ cao và mang đậm dấu ấn sáng tạo, bởi vậy Danh Tú đã gặt hái được nhiều thành tựu với các giải thưởng danh giá. Những sản phẩm Sứ thấu quang không đơn giản chỉ là đồ gia dụng mà nó còn như một tác phẩm nghệ thuật đương đại đáng ngưỡng mộ. Do đó, vào năm 2018, tác phẩm Sứ thấu quang của Nghệ nhân Bát Tràng Danh Tú đã được chọn để làm quà tặng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thăm Bát Tràng.

 

Tác phẩm "Sứ thấu quang" của Danh Tú

 

Những ước mong ở hiện tại và khả năng đạt được

 

Suốt chiều dài 700 năm hình thành và phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước với bản sắc riêng được bà con trong nước và bạn bè quốc tế yêu mến, mỗi Nghệ nhân Bát Tràng nói riêng và mỗi người dân quê hương Bát Tràng nói chung chỉ khao khát được cống hiến và tiếp tục đam mê nghề nghiệp tổ tông để lại, góp phần nào vào công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo nên bản sắc độc đáo của người Việt Nam.

 

Bộ Bảo An, một trong ba bộ gốm đoạt kỉ lục "Tác phẩm gốm men lam chàm cổ dát vàng độc đáo nhất Việt Nam"

 

Một trong những mơ ước chính đáng nhất là có thêm đất đai để cho lớp cháu con đang ngày một sinh ra, lớn lên và hoàn thiện hơn trong điều kiện đất nước ổn định, hưng thịnh để có thể phát triển mạnh mẽ hơn sự nghiệp của làng nghề.

 

Nếu trước đây trong gia đình có người theo nghiệp tổ tông, có người không theo một cách cảm tính thì giờ đây, nếu ai đó được chọn hoặc có thiên hướng theo nghề từ nhỏ sẽ được đầu tư bài bản và được thể hiện sự đam mê. Rất nhiều gia đình đã cho con học lên đại học, đi du học nước ngoài theo các nghành kinh tế, mỹ thuật, tin học để quay trở về phát triển quê hương, phát triển cơ nghiệp tổ tông bao đời xây đắp.

 

Họa tiết sinh động và tinh xảo trên bộ tác phẩm được xác lập kỉ lục "Tác phẩm men lam chàm cổ dát vàng độc đáo nhất Việt Nam của Nghệ nhân Bát Tràng Phạm Đạt

 

Cho nên, mơ ước có thêm đất đai để mở rộng làng nghề, mở rộng cơ sở sản xuất một cách có quy hoạch trong khi làng cổ cần được bảo tồn, duy trì và phát huy thì một khu mới để giữ gìn và phát triển vốn cơ nghiệp này trong định hướng quy hoạch Bát Tràng thành khu du lịch trọng điểm của thủ đô Hà Nội là điều cần thiết!

 

Bên cạnh đó, tất cả các Nghệ nhân Bát Tràng, những người đã góp phần không nhỏ trong các lĩnh vực đời sống của đất nước cũng như mỗi con dân của làng nghề cổ truyền thống Bát Tràng đều khao khát có một bảo tàng của làng nghề! Một bảo tàng trưng bày những tinh hoa, độc đáo nhất của mảnh đất gìn giữ và nuôi nấng hồn cốt dân tộc liên tục suốt 700 năm qua!

 

Một tác phẩm của nghệ nhân Hà Văn Long

 

Tại sao không? Trong khi, rất nhiều làng nghề truyền thống trong nước bị mai một do đời sống, do chiến tranh, có những làng nghề đã không còn, có những làng nghề vẫn tồn tại như một dư âm đẹp trong kí ức của các cụ già còn lại…. Đó là một nuối tiếc! Vì sao? Vì đó chính là bản sắc riêng, là tinh hoa- tinh túy của mỗi dân tộc! Sự mất mát đó không thể tránh được, vậy cái gì còn lại nhất định phải giữ gìn.

 

Trong khi đó, một làng nghề mà từ khi thành lập cho tới nay, trải qua bao thăng trầm của năm tháng, của thời cuộc, cùng chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã đóng góp phần lớn xương máu, tài năng cho quê hương, một lòng giữ nghề, giữ nghiệp tổ tông, đóng góp vào nền phát triển kinh tế đất nước và tới đây trở thành một trong những điểm du lịch trọng điểm của thủ đô lại không thể có một bảo tàng riêng trưng bày các sản phẩm đặc sắc nhất?

 

>>> Rất nhiều sản phẩm Gốm sứ Bát Tràng tại đây nên xem.

 

Thục Nhi


Các bài viết khác